Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Đề nghị giải quyết dứt điểm kiến nghị liên quan đến điện mặt trời
Nguyễn Lê - 15/03/2023 17:08
 
Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.
.
Phiên họp chiều 15/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2/2023, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời tại xã Phước Minh.

Báo cáo này được trình bày tại phiên họp chiều 15/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Dương Thanh Bình, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành thương mại.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt  Nam (EVN) dừng huy động 172 MW của Nhà máy từ ngày 1/9/2022 với lý do chưa có cơ chế giá điện đồng nghĩa với việc Dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế gây thiệt hại cho Công ty (mỗi ngày thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng).

Dự án đã đi vào vận hành thương mại hơn hai năm, nhưng EVN chưa tiếp nhận quản lý Trạm biến áp và hệ thống đường dây dẫn mà Công ty đã đầu tư, xây dựng theo cam kết của dự án khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng.

Ngay sau khi nhận được thông báo và EVN cho dừng huy động 172 MW của Nhà máy, Công ty đã gửi đơn kiến nghị đến Thường trực Ban Bí thư, Ban Dân nguyện và nhiều cơ quan ở Trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã có kiến nghị giải quyết dứt điểm và cho rằng việc kéo dài thời gian dừng huy động phần công suất này đang gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thiệt hại cho Nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trên cơ sở báo cáo, trao đổi với các cơ quan liên quan, Ban Dân nguyện cho rằng, việc EVN dừng huy động 172 MW là vi phạm Điều 4, Quyết định 13/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, chưa đúng với Hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa các bên và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Công ty, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, việc EVN cho rằng việc dừng huy động 172 MW do chưa có cơ chế giá điện là thiếu cơ sở pháp lý, bởi ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/01/2023 về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để EVN thực hiện thỏa thuận đơn giá mua điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.   

Ban Dân nguyện cũng nhận định, theo chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, Công ty Trung Nam Thuận Nam đã thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hạng mục Trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kv, 220kV đấu nối với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ để đầu tư các hạng mục truyền tải điện, giải tỏa công suất phát điện của các Nhà máy điện khác trong khu vực và tránh cho EVN bị thiệt hại do chậm đầu tư hệ thống truyền tải của Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1.

Mặc dù công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và vận hành nhưng đến nay EVN chưa thực hiện tiếp nhận, quản lý, vận hành Trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220kV đấu nối. Theo báo cáo của Công ty Trung Nam Thuận Nam, từ tháng 10/2020 đến nay, ngoài thiệt hại do việc dừng khai thác 172 MW, Công ty chịu chi phí quản lý vận hành hạ tầng truyền tải 20 tỷ đồng/năm khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng. Trong khi EVN sau 22 tháng vận hành đã, đang hưởng lợi thu phí truyền tải 360 tỷ đồng.

Trên thực tế thực hiện hoạt động vận hành, điều độ điện tại Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam hiện nay là do Công ty Trung Nam Thuận Nam thuê đơn vị truyền tải thuộc EVN vận hành, điều độ để đảm bảo an toàn hệ thống điện Quốc gia và đây là công trình đặc biệt quan trọng; tuy nhiên do pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chuyển giao tài sản trong trường hợp này nên EVN chưa thực hiện tiếp nhận quản lý, vận hành Trạm biến áp 500 kV và hệ thống đường dây 500 kV, 220kV do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư, xây dựng và chuyển giao.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý về việc tiếp nhận Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và hạ tầng truyền tải 500kV, 220 kV Thuận Nam do Công ty Trung Nam Thuận Nam đầu tư, xây dựng sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp nhận, quản lý và vận hành.

Đề nghị tiếp theo là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên; hướng dẫn, chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn thành việc xác định giá mua điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm các vướng mắc tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư