Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Đề nghị mức án các bị cáo vụ sai phạm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM
Việt Dũng - 11/07/2024 13:24
 
Bị cáo Trần Thị Bình Minh, cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 8 - 9 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngày 11/7, Toà án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM.

Sau quá trình xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã luận tội và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) bị đề nghị mức án 22 - 24 năm tù về 2 tội "đưa hối lộ" và "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt ở 2 bản án trước, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

sss
Bị cáo Trần Thị Bình Minh, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 8-9 năm tù.

Đề nghị bị cáo Trần Mạnh Hà (cựu Phó tổng giám đốc AIC) 19 - 21 năm tù, tổng hợp hình phạt ở các bản án trước, buộc bị cáo chấp hành chung là 30 năm tù; đề nghị bị cáo Trần Đăng Tấn (cựu Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP.HCM) 18 - 20 năm tù; đề nghị bị cáo Đỗ Vân Trường (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha thuộc hệ sinh thái AIC) từ 4 - 5 năm tù. Bị cáo Dương Hoa Xô (cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) bị Viện kiểm sát đề nghị từ 15 - 16 năm tù về tội "nhận hối lộ".

Đối với 2 bị cáo tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở) bị đề nghị mức án 8-9 năm tù và Phan Tất Thắng (cựu Phó trưởng phòng kinh tế ngành) bị đề nghị 5-6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đối với bị cáo còn lại bị xét xử về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 4-9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX buộc bị cáo Nhàn và Công ty AIC liên đới bồi thường cho Trung tâm Công nghệ sinh học 94,6 tỷ đồng.

Theo Viện Kiểm sát, các bị cáo trong vụ án có trình độ, nhận thức xã hội; học hàm, học vị cao nên có nhận thức đầy đủ về pháp luật. Tuy nhiên, vì tư lợi cá nhân, vụ lợi nên đã thực hiện hành vi phạm tội.

Đơn cử, bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chỉ đạo cấp dưới là bị cáo Phan Tất Thắng (Phó trưởng phòng Kinh tế) lập tờ trình để ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa tổ chức thẩm định; không xử lý sai phạm của chủ đầu tư, tạo điều kiện cho Trung tâm Công nghệ sinh học và AIC nâng khống giá dự toán và giá gói thầu.

Từ đó, bị cáo Minh trực tiếp nhận 900 triệu đồng từ phía AIC, và nhận 1 tỷ đồng do bị cáo Dương Hoa Xô đưa. Đến nay, bị cáo Minh cũng đã nộp lại 1,9 tỷ đồng; bị cáo Thắng hưởng lợi 50 triệu đồng và nộp lại số tiền trên.

Tại phiên tòa, cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thừa nhận hành vi sai phạm. Bị cáo khai thêm, do áp lực vì chuẩn bị về hưu nên muốn làm cho xong việc. Mặt khác, các dự án này cũng đã kéo dài quá lâu. Theo đó, trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án 12 phòng thí nghiệm của Trung tâm công nghệ sinh học, bị cáo đã không phối hợp và không xin ý kiến các sở liên quan như Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tương tự, bị cáo Thắng cũng thừa nhận đã làm theo chỉ đạo của bị cáo Minh để trình thẩm định, phê duyệt dự toán của các dự án. Tạo điều kiện cho Trung tâm công nghệ sinh học và Công ty AIC nâng giá dự toán giai đoạn 1, nâng giá gói thầu giai đoạn 2 và 3 gây thiệt hại cho nhà nước. 

Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Thắng đã nộp lại số tiền hưởng lợi 50 triệu đồng. Bị cáo mong HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ khi có đóng góp trong dịch Covid-19.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, dù đang bị truy nã và xét xử vắng mặt nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Dương Hoa Xô và một số bị cáo khác, phù hợp với chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo Nhàn và 3 bị cáo khác tại AIC (cũng đang bị truy nã và xét xử vắng mặt).

Theo Viện kiểm sát, dù tòa án đã ra thông báo kêu gọi 4 bị cáo này ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng, đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định, song các bị cáo vẫn không đầu thú. Vì vậy, việc xét xử vắng mặt 4 bị cáo là đúng quy định pháp luật.

Được biết, ngoài vụ án sai phạm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cuối năm 2022, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị Toà án nhân dân Hà Nội phạt 30 năm tù, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Tháng 10/2023, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 10 năm tù trong sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh. Tháng 12/2023, Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu, trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT).

Phiên tòa đang tiếp tục với phần bào chữa và xét hỏi của các luật sư.

Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM: Bắt tay nâng khống giá trị gói thầu để trục lợi
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM “bắt tay” cùng Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), điều chỉnh danh mục thiết bị, thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư