Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề nghị truy tố cựu Tổng giám đốc Cienco 1
Huệ Nguyễn - 01/12/2022 21:25
 
Theo cáo buộc, ông Cấn Hồng Lai (cựu Tổng giám đốc Cienco 1) và 6 bị can có sai phạm liên quan đến việc Cienco 1 cổ phần hóa, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng.

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty cổ phần Cienco 1.

Theo đó, các bị can bị truy tố gồm: Cấn Hồng Lai (67 tuổi) - cựu Tổng Giám đốc Cienco 1, Phạm Dũng (61 tuổi) - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1, Nguyễn Ngọc Tuyển (42 tuổi) - cựu Kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C (nay là Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO), và 4 người khác.

Kết luận điều tra cho biết, Cienco 1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông vận tải nhưng năm 2013 có chủ trương cổ phần hóa. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa do Phạm Dũng là trưởng ban, Cấn Hồng Lai là phó ban thường trực. Tháng 6/2014, Cienco 1 chính thức cổ phần hóa.

Theo đăng ký kinh doanh mới, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 35% vốn. Cuối năm 2014, Bộ GTVT thoái toàn bộ số 35% vốn này.

Bị can Cấn Hồng Lai (trái) và Phạm Dũng. Ảnh: Bộ Công an.

Cơ quan điều tra xác định, giai đoạn 2010-2013, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, để xử lý các vấn đề liên quan thì các bị can đã xác định 50 công ty còn nợ Cienco 1 với tổng số 364 tỷ đồng. Trong đó, có 184 tỷ đồng là khoản "khó đòi", nên các bị can đã quyết định xóa dù đây là tài sản công.

Sau khi cổ phần hóa, nhóm bị can tại Cienco 1 đòi được 65 tỷ đồng trong số 184 tỷ đồng, nhưng không bàn giao tiền cho Nhà nước theo quy định. Ngoài ra, khoản tiền 184 tỷ đồng nêu trên phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng ông Lai và đồng phạm đã không làm việc này.

Các bị can thừa nhận hành vi không bàn giao 184 tỷ đồng này là sai quy định, mục đích là để làm đẹp sổ sách kế toán, thuận tiện việc chào bán cổ phần phục vụ cổ phần hóa.

Kết luận điều tra cũng cho biết, Cienco 1 khi cổ phần hóa còn không bàn giao giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp. Những bất động sản này gồm: 422 m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, TP. HCM; 916 m2 tại TP. Tân An, tỉnh Long An; 16.706 m2 tại Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 852 m2 tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Theo quy định của Chính phủ, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, thì UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến chính thức để làm căn cứ xác định giá trị đất. Tuy nhiên, các bị can thuộc Cienco 1 và Công ty A&C xác định 4 khu đất trên là "tài sản cố định vô hình", với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng.

Kết quả giám định của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh thành nói trên nêu năm 2013, tổng giá trị 4 khu đất nêu trên của Cienco 1 là hơn 67,4 tỷ đồng. Từ đó, cơ quan điều tra cho rằng sai phạm của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can Cấn Hồng Lai thừa nhận việc xử lý các khoản nợ khó đòi hơn 184 tỷ đồng, không đưa vào giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần, không bàn giao khoản nợ là vi phạm pháp luật. Mục đích của hành vi này nhằm làm đẹp sổ sách kế toán, thuận tiện cho việc chào bán cổ phần phục vụ cổ phần hóa.

Ông Phạm Dũng khai, do tin tưởng trình độ của Tổng giám đốc, được các ủy viên HĐTV đồng ý về việc xóa nợ nên đã không kiểm tra và đối chiếu với quy định pháp luật trước khi ký quyết định xử lý nợ.

Đề nghị truy tố nhóm bị can Nguyễn Hữu Tiến lừa hàng nghìn nhà đầu tư
Nguyễn Hữu Tiến cùng đồng phạm đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư