Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Đề nghị y án 12 năm tù với “phó tướng” trong vụ Công ty AIC thông thầu
Huệ Nguyễn - 23/05/2023 12:02
 
Trong phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án 12 năm tù đối với Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC.

Sáng 23/5, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Qua xét hỏi công khai tại phiên tòa cùng những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát xác định hành vi phạm tội của các bị cáo như tòa cấp sơ thẩm đã nhận định.

Các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC.

Trong đó, Viện Kiểm sát nêu rõ, bị cáo Phan Huy Anh Vũ là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, là đại diện chủ đầu tư nhưng vì lợi ích vật chất, bị cáo đã nhận 14,8 tỷ đồng từ Nhàn để phía Công ty AIC thực hiện việc thông thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Hoàng Thị Thúy Nga là đồng phạm giúp sức tích cực nhất cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cùng Nhàn gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để bàn bạc cách thức cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật, là người ký hồ sơ, cấu kết với chủ đầu tư thực hiện những hành vi sai phạm…

Cụ thể, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đó đang là Bí thư Tỉnh ủy), mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các dự án của tỉnh.

Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng Ban quản lý Dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án trên.

Quá trình đấu thầu, Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính (giai đoạn 2010-2013), tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích để đảm bảo cho Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.

Bị cáo Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu cho công ty “quân đỏ” và “quân xanh”, nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.

Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát tiến hành nêu quan điểm giải quyết kháng cáo của các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét đơn kháng cáo của những người bào chữa cho 8 bị cáo bỏ trốn, Viện Kiểm sát xác định, Tòa phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo này nên đến nay chỉ xét xử phúc thẩm, xem xét kháng cáo của 6 bị cáo.

Cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC Hoàng Thị Thúy Nga là người giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong quá trình đấu thầu, thông thầu.

Theo đánh giá của Viện Kiểm sát, 6 bị cáo đều thừa nhận sai phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và kháng cáo mong xem xét lại hình phạt. Trong đó, bị cáo Phan Huy Anh Vũ đã được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, nộp lại tiền nhận hối lộ. Quá trình phúc thẩm, bị cáo tác động gia đình nộp khắc phục thêm 500 triệu đồng.

Do đó, dại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị tòa tuyên giảm 30-36 tháng tù đối với bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, liên quan tới hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Trước đó, bị cáo Vũ bị tòa sơ thẩm tuyên tổng mức án 19 năm tù về các tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Viện Kiểm sát cũng đề nghị tuyên bị cáo Lê Thị Hương, Phó ban kế toán Công ty AIC và Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tạ Thiên Ân giữ nguyên hình phạt nhưng cho hưởng án treo. Trước đó 2 bị cáo này bị tuyên án lần lượt là 3 năm tù và 30 tháng tù.

Các bị cáo Vũ Quang Ngọc, cựu Phó giám đốc Công ty Mediconsult; Lê Chí Tuân, nhân viên Công ty AIC cũng được Viện Kiểm sát đề nghị giảm án. Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên 2 bị cáo này hình phạt 3 năm 6 tháng tù và 3 năm tù.

Riêng bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC bị Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án 12 năm tù, do bị cáo này giúp sức tích cực, biết rõ mọi hành động vi phạm của Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhưng vẫn thực hiện.

Theo Viện Kiểm sát đánh giá, trong quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, đã nhận tội và tự nguyện khắc phục 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Nga bị áp dụng 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên và phạm tội có tổ chức.

Về trách nhiệm dân sự, với vai trò là bị đơn dân sự, Công ty AIC kháng cáo xin nộp khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án với số tiền 152 tỷ đồng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo này và buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bồi thường hơn 100 tỷ đồng; 2 cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga phải bồi thường mỗi người 15 tỷ đồng.

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận án 30 năm tù
Hôm nay, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC 30 năm tù, tính từ ngày bắt thi hành án.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư