Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Để nông nghiệp là bệ đỡ, là điểm tựa...
Hà Nguyễn - 29/05/2015 09:13
 
Chuyện đầu ra cho nông sản đang “nóng” ở diễn đàn Quốc hội càng chứng tỏ một điều rằng, đã đến lúc, Việt Nam phải có giải pháp căn cơ hơn với sản xuất và tiêu thụ nông sản, thậm chí là chuyện quy hoạch, tái cơ cấu cả ngành nông nghiệp.

Thực tế, chuyện ách tắc nông sản, nhất là dưa hấu ở cửa khẩu phía Bắc đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Nghịch lý được mùa mất giá, rồi điệp khúc trồng - chặt, chặt - trồng với cà phê, hạt tiêu, cao su, mía đường… cũng đã là chuyện thời sự 10 - 15 năm về trước.

Nhưng có lẽ chưa bao giờ, tình hình lại trầm trọng như năm nay, khi ngay cả Bộ Công thương và toàn xã hội đã phải lên tiếng kêu gọi người dân mua dưa hấu, hành tím… ủng hộ nông dân. Chuyện thanh long, cao su, gạo xuất khẩu, cũng như nhiều mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu khác sụt giảm cả về lượng lẫn giá đã khiến kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 5 tháng đầu năm nay ước chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, làm mọi người trong cuộc, nhất là các cơ quan quản lý, lo ngại.

 

Đành rằng, việc cả xã hội chung tay ủng hộ người nông dân là đáng trân trọng, nhưng khi ngay cả đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế, rằng cách xử lý này chỉ có thể ứng phó với một số nông hộ, chứ với cả nền nông nghiệp mà cứ kêu gọi lòng từ thiện của xã hội để xử lý thì không hiệu quả; hay đó chỉ là những giải pháp tinh thần, mang tính “sẻ chia”… Rõ ràng, đã đến lúc, tất cả những bất cập này cần được xử lý một cách triệt để, đến nơi đến chốn.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nỗi lo tam nông tụt hậu đang hiện hữu dù Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn chiến lược với vấn đề này. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế, dù thời gian gần đây, nhiều “đại gia” cả trong và ngoài nước quan tâm nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, rồi các kế hoạch thực hiện cánh đồng mẫu lớn… vẫn chưa tiến triển đáng kể. Chưa kể, thực tế nhìn thấy rõ trước hết là chuyện dưa hấu, thanh long, hành tím… ế ẩm, khiến không chỉ nông dân, mà cả toàn xã hội xót xa.

Câu chuyện ở đây không chỉ là trách nhiệm của ai, dù một lẽ đương nhiên và chính Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận là “trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý”, mà là làm sao để tìm đường ra cho nông nghiệp Việt Nam. Điều này càng quan trọng hơn, khi Việt Nam kỳ vọng trở thành cánh đồng, thành góc bếp của thế giới.

Bởi thế, đã đến lúc cần phải có giải pháp căn cơ hơn đối với không chỉ chuyện tiêu thụ, mà còn là sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau quy hoạch… nông sản. Sau dưa hấu, không thể để lặp lại với thanh long, với vải thiều… cũng như các mặt hàng nông sản khác. Sau cà phê, mía đường, không thể để lặp lại tình trạng tương tự với ca cao hay mắc- ca… 

Ở tầm nhìn xa hơn, còn là chuyện quy hoạch sản xuất gắn với thị trường, với tổ chức tiêu thụ, liên kết chặt chẽ doanh nghiệp - nhà nông; chuyện làm sao tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu là Trung Quốc; chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt; hay chuyện tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp, mà lâu nay, Việt Nam đã chủ trương thực hiện, nhưng bước đi còn chậm.

Không thể không làm điều đó, thậm chí là phải làm ngay từ năm nay, bởi nông nghiệp đã được xác định là bệ đỡ, là điểm tựa cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Cơ hội vàng cho nông sản xuất khẩu
Được coi là cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song Việt Nam luôn chịu cảnh “được mùa mất giá”. Tình hình này sẽ giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư