Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Để tăng hiệu quả FDI, thể chế là quan trọng, nhưng cần có thông tin
Khánh An - 16/05/2022 08:16
 
Báo cáo thường niên FDI năm 2021 nhắc đến 5 hình thức đầu tư núp bóng và khuyến nghị ưu tiên hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về FDI.
,
Vai trò của FDI trong tăng trưởng GDP của Việt Nam ngày càng quan trọng. Ảnh minh họa

Có gì trong Báo cáo thường niên FDI năm 2021

“Nhiều vấn đề chúng tôi đặt ra trong Báo cáo đầu tiên này, như 5 ưu điểm, 4 hạn chế, cùng các nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng tôi dành nhiều thời lượng cho những tồn tại trong thu hút FDI, từ đó có những khuyến nghị gửi các nhà hoạch định chính sách”, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), Chủ tịch Hội đồng biên soạn Báo cáo thường niên FDI chia sẻ sau khi công bố Cuốn sách Báo cáo thường niên FDI năm 2021.

Ông Thắng nguyên là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nên cũng thẳng thắn nhìn nhận, các ưu điểm của FDI với nền kinh tế Việt Nam được nhắc đến trong Báo cáo vẫn là những ưu điểm đã được nhiều nghiên cứu đánh giá. Đó là vai trò của FDI trong tăng trưởng GDP ngày càng quan trọng, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách, tạo việc làm, lan tỏa năng suất và công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tương tự, 4 hạn chế cũng không mới.

Đầu tiên là chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI chưa cao. Số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ châu Âu chỉ khoảng 5%, rất thấp. Chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó 30-40% có xuất xứ từ Trung Quốc. Vẫn còn tới 15% công nghệ lạc hậu.

Hai là, mất cân đối trong thu hút và sử dụng FDI trên địa bàn, FDI phụ thuộc vào một số nước và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Vốn từ châu Âu chỉ chiếm 8,2% và Mỹ khoảng 4,5%. Sự quá tải về hạ tầng của một số địa phương như Đồng Nai, Bắc Ninh - những địa phương thu hút nhiều vốn FDI.

Ba là, liên kết, tương tác giữa khu vực FDI và khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao.

Bốn là, các mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI chậm được khắc phục, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trật tự xã hội và quốc phòng, an ninh.

“Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi nhận thấy, thể chế, chính sách về FDI vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển”, TS. Phan Hữu Thắng nói.

Nhưng kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu tại một số địa phương, khu công nghiệp cho thấy: Hầu hết các địa phương nhóm nghiên cứu khảo sát chưa thống kê được vốn FDI thực hiện hàng năm phân theo ngành kinh tế. Số liệu về vốn thực hiện thiếu chính xác và chưa đầy đủ vì thiếu cập nhật thông tin từ doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Vì thế, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá một cách nghiêm túc và chuẩn xác về hiệu quả FDI tại Việt Nam.

“Điều này cho thấy, một phần chính quyền các cấp quá coi trọng khâu xúc tiến, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng còn buông lỏng quản lý dự án sau cấp phép”, Báo cáo Đầu tư FDI năm 2021 viết.

Yêu cầu tăng cường giám sát, bắt đầu từ kết nối thông tin

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Ngô Công Thành, thành viên Hội đồng biên soạn cho biết, khuyến nghị đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là hoàn thiện thể chế liên quan đến FDI. Ông Thành nguyên là Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

“Cần tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong phần hoàn thiện thể chế, ông Thành đặc biệt lưu ý đến tăng cường, giám sát, đánh giá dự án FDI, nhất là tình trạng đầu tư núp bóng mà các chuyên gia xây dựng Báo cáo cho là cần làm sớm.

Theo các chuyên gia, có 5 hình thức đầu tư núp bóng được các chuyên gia đưa ra để nghiên cứu khi nhắc đến hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng.

Một là, thông qua cá nhân Việt Nam lập doanh nghiệp bất động sản, góp vốn dưới 49%.

Hai là, thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam đầu tư tại các vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, sau đó mua lại phần vốn góp.

Ba là, cho cá nhân Việt  Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp.

Bốn là, thông qua việc kết hôn, lập doanh nghiệp do vợ, chồng là người Việt Nam đứng tên.

Năm là, đứng sau người Việt Nam để kinh doanh

"Việc kiểm soát khó, nhưng cần phải làm, bắt đầu từ cơ sở dữ liệu thông tin. Chúng tôi có khuyến nghị trực tiếp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài”, ông Thành chia sẻ thông tin.

Hệ thống thống tin về FDI đã được triển khai từ năm 2019, nhưng đến nay vận hành chưa hiệu quả, thông tin các dự án FDI chưa được cập nhật, chưa kết nối với các doanh nghiệp FDI với cơ quan quản lý đầu tư ở địa phương và toàn quốc.

Báo cáo khuyến nghị, để nhanh chóng đưa hệ thống thông tin quốc gia về FDI đi vào vận hành thông suốt, hiệu quả, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng môi trường kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về FDI trên phạm vi toàn quốc...

Đề xuất với Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về FDI trên môi trường mạng theo quy định; phối hợp ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về đồng bộ, tương thích, truy cập, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, đảm bảo sự kết nối thông suốt và an toàn thông tin của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về FDI; hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về FDI,

Các chính sách khác cần hoàn thiện được đề cập đến là phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa FDI; đổi mới và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư.

Trong các đề xuất được đưa vào nhóm các giải pháp phụ trợ, các chuyên gia đề nghị thành lập 1 cơ quan quản lý chuyên trách riêng về FDI, tối thiểu là cấp Tổng cục, như Tổng cục Đầu tư nước ngoài.

Cơ quan này sẽ gắn kết các hoạt động đầu tư nước ngoài trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, hoạt động xúc tiến đầu tư vào một đầu mới, với các cơ chế phối hợp chặt chẽ, rõ ràng với các bộ, ngành và địa phương.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng dành 3 nhóm khuyến nghị gửi tới các nhà đầu tư.

Một là, chủ động tìm hiểu thông tin về môi trường đầu tư và tiềm năng thị trường Việt Nam.

Hai là, cường liên kết để nâng cao hiệu quả vận động chính sách.

Ba là, gia tăng liên kết với đối tác nội địa và lao động tại địa phương.

"Điều chúng tôi thấy rõ qua quá trình làm việc, cũng như nghiên cứu về FDI, chất lượng nhà đầu tư FDI phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thể chế, chất lượng môi trường kinh doanh", TS. Lê Hữu Quang Huy, thành viên Hội đồng biện soạn nói. Ông nguyên là Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

,
TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC).

TS. Phan Hữu Thắng: Báo cáo Đầu tư nước ngoài năm 2021 là báo cáo đầu tiên, mở màn cho hoạt động nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên về FDI của các chuyên gia. “Báo cáo này sẽ được nghiên cứu, biên soạn hằng năm để phản ánh, phân tích, đánh giá những biến động của dòng vốn FDI vào Việt Nam”, ông Thắng cho biết.

Báo cáo Đầu tư nước ngoài năm 2021 là công trình nghiên cứu độc lập của nhóm tác giả gồm các chuyên gia từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý và xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập hợp trong Hội đồng Biên soạn Báo cáo thường niên Đầu tư trực tiếp nước ngoài do Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế thành lập.

Báo cáo sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê mô tả, phỏng vấn chuyên gia và khảo sát thực tế tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dữ liệu được thu thập từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Báo cáo đầu tư thế giới của UNCTAD, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng cục Thống kê, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (VCCI).

Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - Bài 1: Giật mình doanh nghiệp FDI lỗ “khủng”
Con số 16.164 doanh nghiệp FDI có số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, với tổng trị giá lỗ lũy kế trên 623.337 tỷ đồng (tính đến hết năm 2020)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư