Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Đề xuất chấm dứt Dự án Bột giấy hơn 3.400 tỷ đồng tại Long An
Thế Hải - 21/04/2023 08:56
 
Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đề xuất chấm dứt Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An), tổng vốn đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, đắp chiếu nhiều năm nay.
Đề xuất chấm dứt Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vì không thể vận hành
Vinapaco đề xuất chấm dứt dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vì không thể vận hành.

Tổng công ty Giấy Việt Nam đề xuất phương án chấm dứt Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, để tiến hành xử lý tài sản gắn liền với đất và không gắn liền với đất.

Đất đai của dự án sẽ chuyển giao lại UBND tỉnh Long An để thực hiện sử dụng đất vào mục đích khác theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.

Vinapaco đã báo cáo phương án xử lý với Bộ Công thương để lãnh đạo Bộ có thời gian xem xét, nghiên cứu và chuẩn bị phương án báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Lãnh đạo Vinapaco cho biết, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến dự án này. Do phương án xử lý gây mất vốn Nhà nước nên cần tập trung xem xét, đánh giá, xử lý kỹ lưỡng.

Cuối tháng 3/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ ngàn tỷ, khảo sát thực tế Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đây là một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương khó xử lý nhất.

Phó thủ tướng cho biết, trong 12 dự án yếu kém, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Đối với 4 dự án (Bột giấy Phương Nam; Thép Lào Cai; Thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất), thì Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam là khó khăn nhất.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương đề xuất phương án cuối cùng xử lý dứt điểm dự án trước ngày 15/4; trong đó, Bộ này phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất. Các phương án phải làm rõ giải pháp về xử lý tài sản trên đất, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề liên quan đến đất đai…

Đối với việc xử lý dây truyền, máy móc, trang thiết bị, phải tính toán kỷ lượng để đạt hiệu quả cao nhất có thể, nhưng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm với nhà máy này.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam gặp phải hàng loạt vướng mắc từ nhiều năm nay. Sau rất nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra, đến thời điểm này, các cơ quan liên quan đều khẳng định, dự án này không khả thi do không còn vùng nguyên liệu (hiện khu vực không còn trồng đay - nguyên liệu để sản xuất của nhà máy).

Đại diện Vinapaco khẳng định, về mặt kỹ thuật, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam là không thể khắc phục được vì dây truyền sản xuất bột giấy từ cây đay là "đặc thù". Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Công nghệ này từ phòng "thí nghiệm đi thẳng ra thực tế", không phù hợp nên không hoạt động được.

Dự án này nằm ngay ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, dòng chảy không lớn, nên nguồn nước thải ra khó thoát được nhanh, dễ tạo ra nguy cơ ô nhiễm cho tỉnh Long An và các địa phương trong khu vực nên không nên tiếp tục dự án.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm.

Tháng 11/2007, Tracodi điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng. Do chủ đầu tư gặp khó khăn, tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Tổng số vốn Tracodi đã đầu tư vào dự án hơn 2.000 tỷ đồng.

Tháng 6/2012, Vinapaco cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công. Vinapaco tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỷ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được.

Vinapaco cũng đã 3 lần đàm phán để ký lại hợp đồng chạy thử với nhà thầu ANDRITZ nhưng phía ANDRITZ không cam kết đảm bảo kết quả chạy thử ra được sản phẩm cuối cùng.

Bộ Công thương nhận thấy dự án đã không đạt được mục tiêu, việc đưa nhà máy vào vận hành không khả thi và đề xuất với Chính phủ cho phép dừng dự án.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc dừng đầu tư dự án, đồng thời giao Bộ này khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án, như thanh lý, nhượng bán... Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đo hiện trạng “sức khỏe” 12 dự án yếu kém, thua lỗ
Ngoài 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách yếu kém, thua lỗ ngành công thương, 7 dự án còn lại chủ yếu gặp vấn đề về hợp đồng EPC và chi phí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư