Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất điều chỉnh phí môi trường với quặng bauxite
Hoàng Nam - 10/12/2013 09:00
 
Bộ Công thương vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phí môi trường với quặng bauxite tối đa là 4.000 đồng/tấn bauxit nguyên khai, tương đương 10% giá thành khai thác bauxite. >>> Vinacomin sắp thoát nộp 100 tỷ đồng thuế >>> Chưa quyết miễn thuế thiết bị Dự án Alumin Tân Rai >>> Nhiều đánh giá tác động môi trường như "anh em sinh đôi"

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho hay, khai thác bauxite có đặc thù so với các khoáng sản khác, bởi không phải là khoáng sản độc hại, sau 3-4 năm khai thác, đất đai được hoàn thổ, đất trồng được cải thiện tốt hơn để giao lại cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang

Quá trình khai thác quặng bauxite tương tự khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình làm gạch, ngói.

Vì vậy, quy định mức phí bảo vệ môi trường tại Nghị định 74/2011/NĐ-CP từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/m3 là không hợp lý, bởi gấp 25-30 lần khai thác đất và gần bằng giá thành khai thác 1 tấn bauxit nguyên khai.

Trong khi đó, phí môi trường khai thác than chỉ bằng 1% giá thành khai thác. Bởi vậy, Bộ Công thương ủng hộ mức phí môi trường với khai thác quặng bauxite như đề xuất của ngành than.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đề nghị điều chỉnh việc thu phí môi trường đối với khai thác quặng bauxite theo hướng tối đa 4.000 đồng/tấn quặng bauxite nguyên khai (tương đương 7.000 đồng/m3), bằng khoảng 10% giá thành khai thác quặng bauxite.

Dự án Alumin Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ là các dự án thí điểm đầu tiên về chế biến sâu khoáng sản bauxite, với công nghệ phức tạp, có quy mô lớn trong ngành khai khoáng Việt Nam, được đầu tư trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định tại Phụ lục II, Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ).

Theo quy định hiện hành, các dự án này sẽ được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, dù Dự án Alumin Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành, đã chạy thử có tải, đã có sản phẩm bán ra thị trường; Dự án Alumin Nhân Cơ đã thực hiện được trên 52% tổng khối lượng và dự kiến sẽ đưa vào sản xuất cuối quý III/2014, nhưng vẫn còn những chính sách mà doanh nghiệp phải dài cổ chờ đợi.

Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin cho hay, hai dự án Alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ đều thuộc đối tượng được vay, hoặc được hỗ trợ (lãi suất) sau đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước, song đến nay, vẫn chưa được hưởng các ưu đãi trên.

Để có vốn đầu tư, Dự án Alumin Lâm Đồng đang thu xếp vốn từ các nguồn vốn vay thương mại trong và ngoài nước, nguồn phát hành trái phiếu và nguồn tự có của Vinacomin, với lãi suất trung bình 4-5%/năm (USD) và 13%/năm (VND).

Còn Dự án Alumin Nhân Cơ đang thu xếp vốn từ nguồn phát hành trái phiếu và nguồn tự có của Vinacomin với lãi suất trung bình 12%/năm đối với VND. Hiện thị trường vốn trong và ngoài nước đều đang rất khó khăn, việc vay vốn rất khó và lãi vay cao, thời gian trả nợ ngắn, làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của cả hai dự án, đặc biệt là Dự án Alumin Nhân Cơ.

Bên cạnh việc thu xếp vốn, một số nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu cũng khiến doanh nghiệp ngược xuôi để được miễn thuế nhập khẩu.

Ông Chuẩn cho hay, xút (NaOH) và chất trợ lắng là hai nguyên liệu được nhập khẩu để sản xuất alumin cho hai Dự án Alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ. Theo thiết kế, hai Dự án này đều sử dụng các chất trợ lắng (phục vụ lắng rửa bùn đỏ của nhà máy alumin và lắng rửa quặng đuôi của nhà máy tuyển quặng bauxite), do các tập đoàn hóa chất nước ngoài sản xuất, bao gồm các loại: DW232, CM100… do Tập đoàn SNF Floerger sản xuất); NaLCO®85035 plus, Nalco®DVS4F035… (do Tập đoàn NALCO sản xuất).

Thừa nhận thực tế trên, Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng cho hay, tại Việt Nam, hiện chưa có đơn vị nào sản xuất các chất trợ lắng trên hoặc loại tương tự, nên Vinacomin phải nhập khẩu toàn bộ chất trợ lắng. Đối với NaOH, hiện trong nước có 4 đơn vị đã sản xuất được NaOH dạng lỏng với công suất 137.000 tấn, nhưng chỉ duy nhất Công ty Vedan sản xuất được NaOH có hàm lượng trên 42%, đáp ứng nhu cầu của hai dự án alumin. Do Vedan tiêu dùng nội bộ là chính, nên chỉ có khoảng 4.000 tấn có thể phục vụ sản xuất alumin, nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 5% nhu cầu của hai dự án alumin, nên Vinacomin vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn phục vụ sản xuất.

Cũng với thực tế này, Bộ Công thương đã thống nhất phương án được Bộ Tài chính đề xuất, đó là cho miễn thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm kể từ khi đi vào sản xuất với mặt hàng chất trợ lắng và lượng xút NaOH còn thiếu để phục vụ hoạt động của hai dự án Alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ, trên cơ sở đăng ký nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Vinacomin.

Chưa quyết miễn thuế thiết bị Dự án Alumin Tân Rai
Bộ Tài Chính có báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế nhập khẩu linh phụ kiện và vật tư đồng bộ lắp đặt theo thiết bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư