Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Đề xuất đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện theo thẩm quyền xét xử
Nguyễn Lê - 07/09/2023 16:39
 
Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu.
.
Phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp sáng 7/9.

Tòa án nhân dân Tối cáo đề xuất quy định mới nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”. 

Sáng 7/9, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 10, Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi.

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết dự thảo đã đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Theo đó, đáng chú ý, dự thảo bổ sung nhiều quy định để hoàn thiện tổ chức bộ máy của Toà án, như quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện.

“Ví dụ, TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…”,  ông Tiến diễn giải.

Quy định này, theo ông Tiến là để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Việc thay đổi nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền XHCN, tờ trình nêu rõ.

Đa số ý kiến trong Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp không đồng ý quy định TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện, TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh.

Lý do, “đổi tên” các tòa án này nhưng thẩm quyền xét xử của các tòa án không thay đổi; không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương và phát sinh chi phí. Độc lập giữa các cấp xét xử không hoàn toàn phụ thuộc vào tên gọi của tòa án”.

Ý kiến khác trong nhóm nghiên cứu tán thành quy định mới vì không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp; không phát sinh thêm đầu mối, biên chế; không xáo trộn về tổ chức cán bộ.

Liên quan đến vấn đề trên, tại văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo, Chính phủ cho rằng, chủ trương xây dựng hệ thống toà án độc lập theo thẩm quyền xét xử là chủ trương lớn, quan trọng trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và là một trong những giải pháp căn cơ được đề ra. Do vậy, Chính phủ nhất trí với chủ trương này.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, mặc dù dự thảo Luật đổi tên TAND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thành TAND phúc thẩm; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm. Song TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm vẫn sắp xếp theo đơn vị hành chính và không làm giảm số lượng các toà án, chưa thể hiện đặc thù của mô hình tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử.

Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Toà án này không thay đổi mà vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành.

“Thay đổi này của dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở thay đổi về tên gọi của các TAND mà chưa có sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Toà án để đáp ứng với chủ trương của Đảng được nêu trại Nghị quyết số 27-NQ/TW”, Chính phủ nêu quan điểm và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ hơn nội dung này.

Tại văn bản góp ý gửi TAND Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước cho rằng chủ trương đổi tên này còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau.

Cụ thể, trong khi thẩm quyền về địa hạt tư pháp, thẩm quyền về giải quyết vụ án, vụ việc về cơ bản vẫn giữ nguyên (trừ việc điều chỉnh thẩm quyền cho tòa án sơ thẩm chuyên biệt), việc đổi tên tòa án không giải quyết được triệt để đảm bảo tính độc lập của tòa án.

Việc đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm trong khi TAND cấp tỉnh vẫn còn thẩm quyền giải quyết, xét xử sơ thẩm là không phù hợp ngay trong tên gọi, văn bản của Văn phòng Chủ tịch nước nêu.

Hồi âm các ý kiến tại phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình chia sẻ, Dự án Luật đã trải qua quá trình nung nấu, thai nghén lâu dài, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn… chứ không phải là những suy nghĩ bột phát.

“Kinh nghiệm quốc tế, không có quốc gia nào gọi là toà án huyện hay toà án tỉnh cả. Toàn thế giới này người ta gọi là toà án sơ thẩm, toà án phúc thẩm, toà án cấp cao và toà án tối cao”, ông Bình nói.

Bên cạnh thay đổi trên, lần sửa đổi này, Dự thảo còn quy định nội hàm quyền tư pháp, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù, thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”; Nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND Tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế”. Quy định thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này, theo tờ trình dự án luật.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 151 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, Dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư