Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề xuất đưa thêm hoạt chất, thuốc vào đấu thầu tập trung
Trần Hà - 12/01/2018 09:16
 
Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cần tiếp tục đấu thầu tập trung quốc gia thêm nhiều loại thuốc , hoạt chất và vật tư y tế có dải giá rộng, tỷ lệ sử dụng cao và giá trị lớn nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách cho quỹ BHYT.

40% tiền quỹ BHYT đến từ ngân sách

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, kết thúc năm 2017, có khoảng 81 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm 86,4% dân số, vượt 3%  so với chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế mà Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016.

Tuy nhiên, nhìn vào con số trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội vẫn tỏ ra không hài lòng. Theo ông Lợi, mặc dù độ bao phủ của chính sách BHYT đạt trên 86%, nhưng có đến 70% người tham gia được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chỉ có 30% tự đóng tiền.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện K - cơ sở 1 (số 43 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện K - cơ sở 1 (số 43 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

“Có tới 40% tiền quỹ BHYT đến từ ngân sách nhà nước, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào ngân sách của quỹ BHYT. Mặt khác, trong gần 14% người dân cả nước chưa tham gia BHYT, có tới 2,2 triệu sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc đóng BHYT song chưa tham gia, còn lại là người có điều kiện nhưng không tham gia. Chính sách BHYT là chia sẻ, nhưng thực tế không phải những người có điều kiện chia sẻ cho người không có điều kiện mà chủ yếu là người không có điều kiện chia sẻ cho nhau. Đây là điểm lo ngại về sự phát triển không bền vững của quỹ BHYT”, ông Lợi nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đưa ra là, giá dịch vụ y tế mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Trong khi đó, theo lộ trình của Bộ Y tế, đến năm 2018, tất cả các bệnh viện công lập sẽ phải tự chủ về tài chính. “Nếu chúng ta tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành thì bảo hiểm có bổ sung thêm được 3 yếu tố cấu thành giá không, hay người dân phải trả thêm 3 yếu tố cấu thành giá đó? Nếu bảo hiểm chi trả, thì quỹ BHYT sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu người dân phải trả, chi phí đó sẽ khiến tỷ lệ tái nghèo cao hơn”, ông Tuấn nói.

Thêm nhiều thuốc, hoạt chất và vật tư y tế vào diện đấu thầu tập trung

Trước thực tế này, BHXH Việt Nam cho rằng, một trong những giải pháp giúp giảm bớt chi phí sử dụng bất hợp lý nguồn tài chính từ quỹ BHYT là đưa thêm nhiều thuốc và vật tư y tế vào diện đấu thầu tập trung quốc gia. 

Nhìn vào kết quả thí điểm đầu thấu tập trung cấp quốc gia với 20 mặt hàng thuốc đã giúp giá thuốc giảm 251 tỷ đồng, tương đương 21,12% so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017, ông Sơn khẳng định, “không có lý do gì để không tiếp tục đưa nhiều loại thuốc và vật tư y tế vào diện đấu thầu tập trung quốc gia”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư y tế, BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất danh mục 9 hoạt chất, 20 thuốc sẽ đấu thầu tập trung năm 2018, trong đó có 16 thuốc thuộc nhóm điều trị kháng sinh, 2 thuốc tiểu đường và 2 thuốc tiêu hóa. Đây là những thuốc và hoạt chất có số lượng sử dụng lớn, có nhiều số đăng ký, ở nhiều nhóm khác nhau và nhiều mức giá.

 “20 mặt hàng thuốc mà BHXH Việt Nam đề xuất đưa vào diện đấu thầu tập trung quốc gia năm nay cần được sự chấp thuận sớm vì tối thiểu đến ngày 1/6/2018, BHXH Việt Nam phải bán hồ sơ mời thầu”, ông Sơn nói.

“Thuốc đã khó như vậy thì vật tư y tế còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ từng bước xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ”, ông Sơn nói thêm.

Những vật tư y tế được ông Sơn nhắc tới sẽ đề xuất đưa vào diện đấu thầu tập trung quốc gia sau năm 2018 gồm thủy tinh thể nhân tạo, ổ khớp nhân tạo, vật tư thay thế trong can thiệp tim mạch như stent, bóng, van tim hay kim bướm, kim luồn với tần suất sử dụng lớn.

Giải thích lý do những vật tư này được đề xuất, ông Tỉnh cho biết, cùng một loại stent dùng cho người bệnh mạch vành của Ấn Độ, giá đấu thầu chung của các tỉnh, thành phố là 37 triệu đồng, nhưng giá ở Thanh Hóa lại là 57 triệu đồng. Mặt hàng khớp háng có địa phương mua 150 triệu đồng, nhưng có nơi mua cùng loại đó chỉ 58 triệu đồng.

“Năm 2017, quỹ BHYT đã chi 650 tỷ đồng mua thủy tinh thể nhân tạo, 600 tỷ đồng cho stent mạch vành, 400 tỷ đồng cho khớp gối, khớp háng nhân tạo và một vật tư khác cũng có lượng sử dụng nhiều dù ít được để ý là kim luồn, chi phí một năm cũng lên tới 150 tỷ đồng. Nếu tổ chức đấu thầu tập trung, chi phí vật tư sẽ giảm đáng kể, người bệnh và quỹ BHYT đều được lợi”, ông Tỉnh nói.

Theo ông Sơn, thủy tinh thể nhân tạo loại mềm có dải giá từ 2,3 - 19 triệu đồng, nhưng Thông tư 35/2016/TT-BYT đưa ra mức trần tối đa cho thủy tinh thể nhân tạo là 3,3 triệu đồng. Hai vật tư y tế khác không có quy định mức trần tối đa là khớp háng của Đức có giá từ 37 - 58 triệu đồng, stent can thiệp tim mạch có giá từ 16 - 200 triệu đồng. “Có thể thấy, nếu không đấu thầu tập trung mà đấu thầu theo từng tỉnh thì giá sẽ không thống nhất, với thuốc thì chênh lệch ít, nhưng với vật tư y tế thì chênh lệch sẽ rất lớn, đồng nghĩa với chi phí bất hợp lý sẽ rất cao”, ông Sơn nhấn mạnh.

Quy định về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập
Theo quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, một trong những điều kiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư