-
TP.HCM: Hơn 3.000 dự án đầu tư công không vướng thủ tục nhưng giải ngân ì ạch -
Nhà đầu tư chưa sẵn sàng rót vốn vào 5 dự án BOT tại TP.HCM -
Quảng Bình mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới mở rộng -
An Giang xúc tiến đầu tư tại TP.HCM -
Quảng Ngãi điều chỉnh dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh -
Tập đoàn Luxshare đầu tư thêm 2 dự án tại Nghệ An
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đề xuất đầu tư 9.297 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến đường tại Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ GTVT vừa có Tờ trình số 5503/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) kết nối vùng, thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay ngân hàng Thế giới (WB).
Một đoạn Quốc lộ 62 qua Long An. |
So với tờ trình cách đây hơn 2 tháng, nội dung tờ trình lần này đã được Bộ GTVT tiếp thu hoàn chỉnh trên cơ sở ý chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản nêu trên và ý kiến tham gia của nhà tài trợ – WB.
Theo đó, Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả, an toàn giao thông và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) kết nối 7 tỉnh, thành phố1 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với Quốc lộ 53, Dự án sẽ nâng cấp cầu Ngã Tư và đoạn Long Hồ - Ba Si (điểm đầu dự kiến tại Km11+295, điểm cuối dự kiến tại Km56+180, trong đó xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Vũng Liêm và Càng Long dài khoảng 17,3 km). Chiều dài đầu tư khoảng 41 km trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.
Đối với Quốc lộ 62, Dự án sẽ nâng cấp 69 km trên địa bàn tỉnh Long An với đểm đầu dự kiến tại Km4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), điểm cuối dự kiến tại Km74+000, trong đó xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Tân Thạnh dài khoảng 8 km.
Đối với Quốc lộ 91B, Dự án nâng cấp khoảng 141 km trên địa bàn TP. Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu với điểm đầu dự kiến tại Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ), điểm cuối dự kiến tại Km143+480.
Các đoạn tuyến đều âng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m; các đoạn đã đảm bảo quy mô thì giữ nguyên theo hiện trạng và tăng cường mặt đường.
Tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 9.297,12 tỷ đồng, tương đương khoảng 385,66 triệu USD. Vốn của WB khoảng 262,22 triệu USD (tương đương khoảng 6.321,37 tỷ đồng) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên. Vốn đối ứng khoảng 2.975,75 tỷ đồng (tương đương khoảng 123,44 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Ngoài việc điều chỉnh tên Dự án và bổ sung tên tiếng Anh, so với đề xuất trước đó, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án tăng 2.139,06 tỷ đồng do tăng chi phí xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ có thời gian thực hiện là 4,5 năm sau khi Hiệp định vay với WB có hiệu lực.
5 tháng đầu năm 2024, Bình Dương hút hơn nửa tỷ USD vốn FDI vào các khu công nghiệp
Ban quản lý các KCN Bình Dương (BDIZA) vừa đưa ra số liệu công bố, trong 5 tháng qua, Bình Dương đã cấp mới 58 Dự án với tổng vốn đăng ký hơn 270 triệu USD cho các doanh nghiệp FDI, 210 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 250 triệu USD. Các KCN trên địa bàn tỉnh cũng có thêm 1.058 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 96,25% kế hoạch năm 2024.
KCN VSIP 3 hút đầu tư nổi bật trong 5 tháng qua. Ảnh: VSIP |
Lũy kế đến nay, các KCN tại Bình Dương đã thu hút được trên 3.130 dự án, trong đó dự án FDI chiếm gần 80% với tổng vốn đã đăng ký 29,7 tỷ USD. 682 dự án đầu tư trong nước với vốn gần 95.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8 tỷ USD.
Còn theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến ngày 15/5, FDI đăng ký mới và bổ sung tại Bình Dương đạt hơn 341 triệu USD. Trong đó, phần lớn nguồn vốn FDI tập trung vào hệ thống các KCN, đạt hơn 290 triệu USD. Theo đó, tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM và Hà Nội.
Các KCN đã cho thuê hơn 285.700 m2 đất công nghiệp và hơn 64.200 m2 nhà xưởng trong những tháng đầu năm nay. Lũy kế đến nay, các KCN đã cho thuê 7.067,49 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,67%.
Một trong những KCN thế hệ mới và hút đầu tư FDI nổi bật trên địa bàn 5 tháng đầu năm là KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 3). KCN này hiện thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, VSIP 3 có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD. VSIP 3 có quy mô 1.000 ha và ưu tiên cho 7 ngành công nghiệp chính: điện tử, sản xuất ôtô, chế tạo cơ khí, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.
Mới đây vào ngày 16/5, Tập đoàn trang sức hàng đầu thế giới Pandora cũng đã khởi công nhà máy chế tác nữ trang 150 triệu USD tại KCN này. Trước đó, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em.
BDIZA cho biết kế hoạch năm 2024 sẽ hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các KCN, với tổng số vốn FDI khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD. Thu hút 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng. Đồng thời đặt mục tiêu cho thuê và cho thuê lại đất 100-150 ha, thu hút 15.000 lao động, tổng doanh thu 35 - 40 tỷ USD.
Hiện BDIZA đang tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển thêm khoảng 10 KCN mới trong giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, dự kiến, đến cuối năm 2025, Bình Dương sẽ thành lập mới 2 KCN, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên. Trong đó, KCN chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800 ha với mục tiêu thu hút các ngành cơ khí theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động và KCN Tân Lập 1 với diện tích 200 ha, chuyên ngành gỗ.
Và đến cuối năm 2030, dự kiến sẽ triển khai thêm 8 KCN trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển đồng bộ công nghiệp tại các vùng huyện của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha dọc theo vành đai 4.
Theo phương án phát triển hệ thống KCN tỉnh Bình Dương mới nhất, đến năm 2030 tổng số KCN trên địa bàn là 43 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 ha.
Nhằm tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cũng tại cuộc họp bàn với các sở ngành về tình hình thu hút đầu tư những tháng đầu năm, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị BDIZA tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng KCN để giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, cấp phép, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, đảm bảo điện phục vụ sản xuất....
Đáng chú ý, Bình Dương sẽ khởi công nhiều dự án giao thông lớn, tiếp tục thu hút đầu tư trong năm 2024. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục khởi công tuyến đường Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ hoàn thiện hàng loạt tuyến đường trục cấp huyện, kết nối liên vùng và nội vùng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông thương hàng hóa đến sân bay và cảng biển.
Tỉnh sẽ rà soát, có giải pháp cải thiện chỉ số PCI, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh khẳng định sẵn sàng cùng với các chủ đầu tư hạ tầng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhiều hơn dự án đầu tư vào các KCN.
Tập đoàn Sơn Hải đề xuất làm cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, vốn hơn 25.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) về việc đầu tư, xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt (cao tốc Nha Trang - Đà Lạt).
Đèo Khánh Lê nối Nha Trang - Đà Lạt có địa hình quanh co, hiểm trở, hay xảy ra sạt lở khi có mưa lớn kéo dài, gây cản trở lưu thông. |
Theo Tập đoàn Sơn Hải, hiện Quốc lộ 27C là tuyến đường độc đạo nối TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài khoảng 30 km là đèo dài nhất Việt Nam, địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn.
Quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Với quy mô đường cấp IV-III, Quốc lộ 27C có khả năng thông hành tối đa 10.000 PCU. Trong khi nhu cầu vận tải ngày càng cao, dự báo đến năm 2029 - 2030 lưu lượng xe quy đổi khoảng 9.800-10.900 PCU, như vậy tuyển sẽ mãn tải trước năm 2030…
Với nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao; nhu cầu kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước là thành phố Đà Lạt (thành phố hoa) - du lịch cảnh quan núi rừng và thành phố Nha Trang (thành phố biển) - du lịch biển bằng một tuyến đường chất lượng cao và an toàn; nhu cầu cơ động nhanh trong nhiệm vụ quốc phòng - an ninh thì việc đầu tư đường bộ cao tốc nối từ Nha Trang đến Đà Lạt là cần thiết và cấp bách.
Theo đó, Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5 - 2 giờ (so với hiện tại khoảng 3,5 - 4 giờ), là động lực lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển và hoa, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.
Đồng thời, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải...
Theo Tập đoàn Sơn Hải, hiện doanh nghiệp đang tập trung công tác chuẩn bị đầu tư và đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Cụ thể, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dự kiến dài hơn 80,8 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ. Giai đoạn thực hiện khoảng từ 2024-2028. Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.
Theo đó, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nhằm sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai, đầu tư dự án trước năm 2030.
Ngoài ra, Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đi qua hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng có điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn nên chi phí đầu tư xây dựng rất lớn.
Dự báo lưu lượng phương tiện tham gia trong giai đoạn đầu chưa cao nên phương án tài chính của dự án khi áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án không quá 50% tổng mức đầu tư) không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn (khoảng 48,3 năm), khó khăn trong việc huy động vốn của nhà đầu tư và Tổ chức tín dụng, không thu hút được nhà đầu tư.
Để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức đối tác công tư, nâng cao tính khả thi của phương án tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn (còn khoảng 26,9 năm), thì sự tham gia vốn nhà nước phải chiếm 70% tổng mức đầu tư dự án.
Quảng Ngãi cho ý kiến về 2 dự án xây dựng khu công nghiệp gần 900 ha
Sau khi có đề xuất thực hiện 2 dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh này.
Hai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp rộng gần 900 ha được đề xuất thực hiện ở Khu kinh tế Dung Quất. |
Hai dự án rộng gần 900 ha được đề xuất đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất đó là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phát Đạt- Dung Quất 2; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi.
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phát Đạt - Dung Quất 2, được đầu tư tại các xã: Bình Thanh, Bình Phước, huyện Bình Sơn; với tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 449 ha. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng Khu công nghiệp đa ngành, và áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý và vận hành; thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; có quy hoạch mang tính chất mở, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất của các nhà đầu tư; khai thác hiệu quả tài nguyên; đóng góp cho phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi, được thực hiện tại các xã: Bình Hòa, Bình Thanh, huyện Bình Sơn; với tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 450 ha.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong 5 năm. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Tại cuộc họp nghe và cho ý kiến đối với một số nội dung thuộc thẩm quyền vào ngày 27/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn hoan nghênh nhà đầu tư đã nghiên cứu và đề xuất đầu tư dự án vào địa bàn Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh.
Trên cơ sở nội dung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh có ý kiến thẩm định đối với 2 dự án trên; ý kiến của lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi và các sở ngành, địa phương liên quan và đề xuất nhà đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi tiếp thu góp ý của các sở, ngành, địa phương, khẩn trương tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định.
Được biết, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phát Đạt - Dung Quất 2 là CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt.
Trước đó, tháng 2/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn về việc giải quyết đề nghị của CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận được công văn của CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt về việc báo cáo hồ sơ đề xuất đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phát Đạt - Dung Quất 2 tại phân khu Bình Thanh, KKT Dung Quất.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, nghiên cứu nội dung đề nghị của CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt.
Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi do CTCP Khu công nghiệp Gilimex đề xuất đầu tư, vào tháng 3/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có chỉ đạo về việc giải quyết kiến nghị khảo sát địa điểm thực hiện dự án.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất về nguyên tắc, giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu nội dung đề nghị của CTCP Khu công nghiệp Gilimex.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị CTCP Khu công nghiệp Gilimex chủ động làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định.
Đề xuất trình Quốc hội duyệt cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trị giá 13.952 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị vừa công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.
Ảnh minh hoạ. |
Tại công văn này, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật PPP; đồng thời quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia vào dự án từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương giai đoạn 2023-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030.
Trước đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, Dự án có chiều dài 56 km, quy mô 4 làn xe hoàn thiện, bề rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tổng mức đầu tư Dự án (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) là 13.726 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án là 676 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 10.643 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 222 tỷ đồng; chi phi quản lý dự án, tư vấn và chi khác là 1.086 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.099 tỷ đồng.
Dự kiến vốn ngân sách nhà nước tham gia vào Dự án là 9.608 tỷ đồng (chiếm 70%); vốn nhà đầu tư huy động (Chủ sở hữu, vốn vay và vốn khác) là 4.581 tỷ đồng (chiếm 30%).
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, do Dự án đi qua các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong có điều kiện đặc biệt khó khăn và theo dự báo lưu lượng phương tiện tham gia trong giai đoạn đầu chưa cao nên phương án tài chính của dự án khi áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật PPP (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án không quá 50% tổng mức đầu tư) không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức PPP, nâng cao tính khả thi của phương án tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn (còn 28,7 năm), với sự tham gia phần vốn nhà nước chiếm 70% tổng mức đầu tư Dự án.
Nội dung này từng được UBND tỉnh Quảng Trị đề cập trong Tờ trình số 18/TTr – UBND gửi Thủ tướng vào cuối tháng 2/2024.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Trị đã tiếp thu, giải trình, đồng thời rà soát, cập nhật hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo yêu cầu.
Theo quy định hiện hành, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức, quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng của Bộ GTVT và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, xác định được tầm quan trọng về đột phá chiến lược của tuyến đường này và trách nhiệm của địa phương trong huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã đặt ra quyết tâm cao để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đầu tư trước năm 2030.
“Tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án”, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
Bến Tre tăng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Các khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Long Phước tại tỉnh Bến Tre hiện có 58 Dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, trong đó 46 dự án đã đi vào hoạt động. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu cụm, công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên điều hành các buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp. |
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 11.504 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 46,02% kế hoạch năm 2024; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,94 triệu USD, tăng 12,75% so với cùng kỳ và đạt 48,59% kế hoạch năm 2024; tổng kim ngạch nhập khẩu là 199,73 triệu USD, giảm 12,09% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 33,29% kế hoạch năm 2024...
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển 7 khu công nghiệp (Giao Long, An Hiệp, Phú Thuận, Giao Hòa, Phước Long, An Nhơn, Bảo Thạnh) với tổng diện tích 1.372 ha.
Bến Tre đã đề xuất hình thành khu kinh tế ven biển tại huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú để khai thác tiềm năng ven biển. Khu kinh tế ven biển bao gồm phần phía Đông của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú có diện tích khoảng 52.030 ha. Ranh giới là tuyến đường ven biển quốc gia. Đây là khu vực thực hiện chủ trương phát triển Bến Tre về hướng Đông của tỉnh, nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và cả khu vực, thúc đẩy liên kết toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm tạo hành lang pháp lý, tiếp tục thu hút mạnh đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, ngày 13/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam đã ký Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND quy định tiêu chí ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre bao gồm: dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dự án thuộc ngành điện tử, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Ngoài ra còn có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, ngành máy cơ khí nông nghiệp, chế tạo công cụ, máy móc, phụ tùng, thiết bị cho nhũng loại máy móc khác, công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo; Dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ logistics; các Dự án chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nông - thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; ưu tiên các Dự án chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu; các Dự án sản xuất, chế biến dược phẩm và vật tư y tế tiêu hao, thiết bị y tế...
Quyết định trên cũng quy định cụ thể các lĩnh vực hạn chế thu hút đầu tư và không thu hút đầu tư. Trong đó, các dự án hạn chế thu hút đầu tư như dự án sản xuất hóa chất; dự án sản xuất bao bì công nghiệp từ giấy vụn; dự án có công đoạn xi mạ; dự án sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (có phát sinh nước thải công nghiệp); dự án sản xuất phân bón (có phát sinh nước thải công nghiệp); dự án sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp; dự án giày dép, may mặc.
Các lĩnh vực không thu hút đầu tư gồm thuộc da, dệt, nhuộm; sản xuất xi măng, bột giấy; sản xuất, tái chế nhựa từ nguyên liệu rác thải nhựa; nhiệt điện từ nguyên liệu than đá hoặc nguồn gốc than đá chiếm tỷ lệ trên 50%; sản xuất thép (trừ dự án sản xuất thép chất lượng cao); các dự án có công nghệ lạc hậu.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo thứ tự ưu tiên gồm: sử dụng công nghệ, năng lực kinh nghiệm, chuyên môn cao, quy định về suất đầu tư, liên kết chuỗi giá trị, sử dụng lao động, phương án đầu tư xây dựng… Ưu tiên các dự án ít thâm dụng lao động; các dự án có liên kết, hợp tác với các đối tác ở địa phương để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động.
Ngoài ra, ưu tiên cho các dự án sử dụng ít đất và có phương án thiết kế xây dựng cao tầng theo chiều cao tối đa cho phép theo quy hoạch. Các dự án đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng được xem xét ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Quảng Ngãi: Dự kiến khởi công dự án gần 600 tỷ đồng trong năm 2024
Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đang tập trung hoàn thiện các thủ tục liên quan để trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 24B trong thời gian đến và triển khai các thủ tục tiếp theo để tổ chức lựa chọn nhà thầu; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác bồi thường.
Dự kiến sẽ khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B trong năm 2024. |
Theo Sở Giao thông - Vận tải, khi các thủ tục hoàn tất, điều kiện đảm bảo sẽ khởi công công trình trong quý IV/2024 và dự kiến đưa công trình vào khai thác trong năm 2025. Hiện nay, quốc lộ 24B từ TP. Quảng Ngãi đi trung tâm huyện Sơn Tịnh quá hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là vị trí nút giao dẫn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.
Để tổ chức thực hiện dự án được chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư với công tác thi công, Sở Giao thông – Vận tải Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh ký kết hợp đồng với Sở để triển khai thực hiện công tác quản lý dự án.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 24B đoạn Km 23+050 - Km 29+800 được Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1645, năm 2023, với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Sở GTVT Quảng Ngãi được giao làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.
Quốc lộ 24B có chiều dài 108 km có điểm đầu tại Km 0, cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và điểm cuối giao với Quốc lộ 24 tại Km 57+190 thuộc xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ.
Duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn trị giá 5.750 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 666/QĐ - BGTVT phê duyệt đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn tỉnh Bắc Kạn.
Dự án có điểm đầu kết nối đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; điểm cuối Dự án kết nối đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Giai đoạn trước mắt, đầu tư đoạn tuyến nối từ điểm cuối Dự án đến Quốc lộ 3B và kết nối với đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Ảnh minh hoạ. |
Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn khoảng 28,8 km, gồm tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài khoảng 28,4km và đoạn tuyến nối dài khoảng 0,4km.
Tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn là đường cao tốc cấp 80, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 22 m; đoạn tuyến nối là đường cấp III, bề rộng nền đường 12 m. Hệ thống đường gom, đường ngang, đường hoàn trả phù hợp với cấp đường hiện trạng hoặc quy hoạch (nếu có), tối thiểu quy mô đường giao thông nông thôn cấp B chiều rộng nền đường 5 m, chiều rộng mặt đường 3,5 m.
Trên tuyến dự kiến có 4 nút giao liên thông, trong đó xây dựng nút giao liên thông với Quốc lộ 3; 3 nút giao còn lại định hướng theo quy hoạch, triển khai khi đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng 18 cầu, trong đó 16 cầu trên đường cao tốc, 2 cầu vượt ngang. Các cầu trên đường cao tốc có bề rộng 22m, các cầu nằm trong đường cong có xét đến mở rộng theo tiêu chuẩn thiết kế.
Về hướng tuyến, theo phê duyệt của Bộ GTVT, từ điểm đầu Dự án, tuyến đi theo hướng Bắc về khu vực phía Tây quy hoạch Khu công nghiệp Thanh Bình; sau đó tuyến đổi hướng bám theo các sườn đồi phía Tả sông Cầu qua các xã Thanh Thịnh, Nông Hạ; tuyến đổi hướng sang phía Tây Bắc, vượt sông Cầu và Quốc lộ 3.
Tại đây, tuyến vượt qua ĐT.259 lần thứ nhất, sau đó tuyến đi song song bên trái ĐT.259 qua xã Nông Hạ; tuyến đổi hướng Bắc, bám địa hình, men theo các suối Quận, Khuổi Pèn, Nà Khan, Nà Rẫy, Nà Đon; vượt ĐT.259 lần thứ hai, tuyến đi sang phải ĐT.259; vượt ĐT.259 lần thứ ba, tuyến đi sang trái ĐT.259 qua địa phận TP. Bắc Kạn, qua xã Nông Thượng, phường Sông Cầu đến điểm đầu quy hoạch tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng; trước mắt kết nối với Quốc lộ 3B và đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Trước mắt Dự án xây dựng hạ tầng của hệ thống giao thông thông minh (bể cáp, ống bảo vệ cáp, hệ thống móng cột biển báo giao thông điện tử...) trên tuyến.
Trong quá trình thực hiện tiếp theo, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra căn cứ các chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT và quy định pháp luật, tiếp tục nghiên cứu đầu tư đảm bảo thống nhất với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07), đảm bảo đồng bộ, thuận lợi trong khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có tổng mức đầu tư là 5.750,760 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư là 574,74 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí dự phòng); chi phí xây dựng là 4.542,89 tỷ đồng; chi phí thiết bị 0,71 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 29,52 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng l161,65 tỷ đồng; chi phí khác: 99,26 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 341,99 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn là cơ bản hoàn thành năm 2026.
Nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 4.804,3 tỷ đồng(nguồn vốn đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 1.815,3 tỷ đồng; dự kiến cân đối từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2022 là 2.989 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 chuyển tiếp là 946,7 tỷ đồng.
Ban quản lý dự án 2 được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định; thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định; lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án tuân thủ quy định, phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận; quản lý chặt chẽ chi phí, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
Đơn vị này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng, quản lý chi phí giải phóng mặt bằng của dự án đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.
Hải Dương lập đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt diện tích 5.300 ha
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Hải Dương tháng 5 (lần 6) mới đây, các thành viên UBND tỉnh Hải Dương xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.
Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương luôn mong muốn, khát vọng thành lập khu kinh tế chuyên biệt để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương nếu được thành lập sẽ có vị trí rất thuận lợi như ngay cạnh đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao gần khu vực dự kiến xây dựng khu kinh tế và đường cao tốc đã đưa vào hoạt động) và có vị trí trung tâm, gần với hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; gần với sân bay Cát Bi, các cảng biển của Hải Phòng và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội...
Khu công nghiệp Đại An mở rộng (Cẩm Giàng). Ảnh: Đỗ Quyết |
Tại phiên họp, ông Nguyễn Quốc Trường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tư vấn, khi xây dựng đề án cần chỉ rõ nhà đầu tư chiến lược, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cần tích cực phối hợp cung cấp dữ liệu, thông tin cho đơn vị tư vấn khi được thuê để triển khai xây dựng đề án một cách nhanh nhất.
Theo ông Nguyễn Hải Châu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đề án dự kiến gồm 5 phần gồm: đánh giá hiện trạng khu vực dự kiến thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, các hạn chế, lợi thế; kinh nghiệm phát triển khu kinh tế và các nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn mô hình thực hiện; đánh giá phù hợp của khu kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khả năng huy động nguồn lực để thực hiện và phương hướng phát triển của khu kinh tế chuyên biệt.
Khu kinh tế chuyên biệt của Hải Dương khi được thành lập, dự kiến nằm ở phía Tây của tỉnh Hải Dương (phía nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thuộc 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện với tổng diện tích dự kiến khoảng 5.300 ha.
Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, lĩnh vực có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường. Khu kinh tế có trọng tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistic, đô thị và trung tâm đổi mới sáng tạo.
Khu kinh tế chuyên biệt sẽ được chia thành 7 phân khu gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp với dự kiến gồm 13 khu công nghiệp (diện tích dự kiến 3.001 ha), 3 cụm công nghiệp (dự kiến diện tích 150 ha). Khu thương mại dịch vụ, logistic có diện tích khoảng 75 ha.
Khu trung tâm đổi mới sáng tạo (hạt nhân phát triển công nghiệp công nghệ cao) có diện tích khoảng 60 ha. Khu phát triển hạ tầng công cộng với các công trình giáo dục, y tế, công viên, thể thao văn hóa... với diện tích khoảng 60 ha. Khu đô thị, dân cư diện tích khoảng 530 ha. Khu dân cư hiện trạng có diện tích khoảng 1.547 ha. Khu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, lộ trình phát triển dự kiến sẽ thành lập khu kinh tế vào quý IV/2024 và chia thành 2 giai đoạn 2024-2025 (giai đoạn này xây dựng và khởi công xây dựng một số cơ sở hạ tầng lớn; xúc tiến thu hút đầu tư) và giai đoạn 2026-2030 (giai đoạn này hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích khu kinh tế trong giai đoạn sau năm 2030).
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho toàn khu kinh tế chuyên biệt là khoảng 78.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2021-2035 (trung bình khoảng 5.200 tỷ đồng/năm). Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, Dự án quốc gia; đồng thời, huy động từ các nguồn khác.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng phương án thuê tư vấn để triển khai xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất. Giao các ngành, địa phương phối hợp xác định ranh giới của đề án, xác định các loại đất tại khu vực dự kiến xây dựng và các phương án triển khai hạ tầng cho khu kinh tế khi được triển khai như điện, nước sạch.
Yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp cung cấp dữ liệu, thông tin cho tư vấn khi được thuê. Nếu gặp vướng mắc ở sở, ngành nào, tư vấn báo cáo lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có trên 18.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng (trong đó có gần 500 doanh nghiệp FDI). Tỉnh đã thành lập 16 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch chi tiết khoảng 2.588 ha, thành lập 58 cụm công nghiệp với diện tích đất 2.934,42 ha.
Tại Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô là 3.209 ha, 6 trung tâm logistics và phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía Nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.
Hé lộ phương án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe
Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh vừa trình Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn. |
Trên cơ sở hiện trạng tuyến, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị giữ nguyên tiêu chuẩn kỹ thuật, tim tuyến hiện trạng đã được nghiên cứu và xây dựng trong Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện đầu tư mở rộng nền mặt đường và các công trình trên tuyến, nút giao theo quy mô phân kỳ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường từ 22 m - 23,25 m.
Đối với các đoạn đã được đầu tư xây dựng đủ quy mô nền mặt 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh sẽ được giữ nguyên theo quy mô hiện trạng, cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng làn dừng xe khẩn cấp.
Dự án thực hiện đầu tư mở rộng 34 cầu trên cao tốc đảm bảo quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, trong đó 23 cầu mở rộng hai bên (mỗi bên rộng 5 m) với các cầu đi trùng tim giai đoạn hoàn thiện, chiều rộng 22 m; 11 cầu xây dựng thêm 1 đơn nguyên mới (bề rộng 11,25 m) đối với các cầu lệch tim.
Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông thông minh; dự kiến xây dựng 1 trung tâm quản lý điều hành tuyến; thực hiện đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng xe, bố trí các vị trí quay đầu xe tại các cửa vào cao tốc; trạm thu phí tại các nút giao.
Đồng thời bổ sung sử dụng kinh phí của Dự án để triển khai hệ thống ITS cho đoạn đường bộ cao tốc La Sơn - Hòa Liên và Hoà Liên - Tuý Loan.
Do Dự án giai đoạn phân kỳ 2 làn e đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
Vì vậy, trong giai đoạn này chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng bổ sung để đầu tư hoàn chỉnh 2 nút giao; vị trí quay đầu xe tại các trạm cân và bổ sung hệ thống đường gom dân sinh; dự kiến GPMB trung tâm quản lí điều hành ITS cho đoạn tuyến từ Cam Lộ - Túy Loan.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 4.768 tỷ đồng.
Dự án dự kiến bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở dự kiến tiến độ triển khai dự án, sơ bộ nhu cầu giải ngân vốn năm 2024 là 1.600 tỷ đồng, năm 2025 là 5.400 tỷ đồng.
Theo đề xuất, trong giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe sẽ cơ bản mở rộng nền mặt đường, các công trình cầu, cống, hầm chui, nút giao... sang 2 bên đảm bảo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền/mặt đường 32,25 m/30,75 m.
Đối với những đoạn địa hình khó khăn, đào sâu dạng chữ L, mái ta luy đã bền vững hóa, phía ta luy âm không đắp cạp mở rộng được,... nghiên cứu mở rộng về 1 bên nhằm đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và tiết kiệm kinh phí.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối trùng với điểm đầu Dự án La Sơn - Hòa Liên, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chiều dài tuyến khoảng 98,35 km.
Hiện đoạn tuyến này có bề rộng nền mặt đường được đầu tư xây dựng theo quy mô phân kỳ trong đó các đoạn tuyến có quy mô 2 làn xe có chiều rộng mặt đường 11 m, các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường là 21,25 m.
Quy hoạch bán đảo Bình Quới -Thanh Đa, diện tích công viên, mảng xanh tối thiểu 200 ha
Ngày 28/5, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn số 5810/VP-ĐT gửi các thành viên UBND TP.HCM xin ý kiến về đề bài thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới- Thanh Đa, quận Bình Thạnh.
Một góc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa nhìn từ trên cao - Ảnh: Lê Toàn |
UBND TP.HCM cho biết, mục đích của việc thi tuyển nhằm chọn lựa ý tưởng quy hoạch xuất sắc, khả thi đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thành phố. Việc tổ chức thi tuyển quốc tế sẽ tập hợp được trí tuệ, tư duy mở, kinh nghiệm phương pháp quy hoạch tiên tiến nhất từ các chuyên gia quy hoạch có uy tín trên thế giới.
Yêu cầu của đề bài được UBND TP.HCM đưa ra là quy hoạch xây dựng bán đảo Bình Quới- Thanh Đa thành khu đô thị sinh thái, bền vững, hiện đại.
Khi làm quy hoạch đặt bán đảo trong tổng thể quy hoạch chung Thành phố với trọng tâm là sông Sài Gòn để nghiên cứu đề xuất các ý tưởng quy hoạch.
Đặc biệt, quy hoạch hệ thống công viên, mảng xanh tối thiểu là 200 ha, khuyến khích các phương án đề xuất mở rộng hơn nữa diện tích công viên cây xanh gắn kết với khu vực sông Sài Gòn phục vụ cho các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí của người dân.
Ngoài ra, quy hoạch cũng phải đề xuất hệ thống giao thông đồng bộ kết nối thông suốt với các khu vực lân cận, đặc biệt là việc phát triển hệ thống giao thông xanh.
Theo kế hoạch việc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới- Thanh Đa sẽ diễn ra trong 2 vòng.
Trong đó, vòng 1, sẽ thông báo rộng rãi và mời các đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch kiến trúc có uy tín cả trong và ngoài nước tham gia.
Sau đó, dựa trên hồ sơ năng lực của các đơn vị, Hội đồng sơ tuyển sẽ lựa chọn 5 đơn vị tư vấn thiết kế đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp để mời tham dự vòng 2.
Tại vòng thi tuyển (vòng 2), các đơn vị sẽ được mời tham gia hội nghị khởi động, được cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về yêu cầu thiết kế quy hoạch và thực hiện trong thời gian từ 4 - 6 tuần. Sau đó, nộp sản phẩm dự thi theo đúng thời gian yêu cầu của Ban Tổ chức.
Hội đồng thi tuyển sẽ thực hiện chấm giải và công bố các phương án dự thi trúng giải theo quy định. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét lựa chọn các nội dung quan trọng để đưa vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố.
Quảng Ngãi xem xét đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải gần 1.800 tỷ
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện và lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.
Khu vực dự kiến thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện. |
Theo đó, vị trí dự kiến đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải thuộc thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, có diện tích khoảng 16,5 ha, thuộc quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện hết sức cần thiết để giải quyết bài toán xử lý rác trên địa bàn tỉnh về lâu dài theo quy hoạch đã được phê duyệt, với quyết tâm chính trị, đảm bảo quy định pháp luật và sự đồng thuận cao.
Ông Hiền yêu cầu việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo các quy định pháp luật.
“Việc lựa chọn công nghệ xử lý là tiêu chí xem xét hàng đầu. Do đó, trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư phải đưa ra tiêu chí là công nghệ của nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện tại Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong phải bằng hoặc hơn các nhà máy mà tỉnh đã tham quan, học tập” Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao để sớm tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định
Dự án Nhà máy điện rác Quảng Ngãi do liên danh Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi và Công ty CP Tổng công ty đầu tư Hợp Nghĩa đề xuất. Mục tiêu dự án sẽ xử lý 700 tấn chất thải/ngày, công suất phát điện lên lưới khoảng 15MW. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.799 tỷ đồng.
Tích cực triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Thái Bình
Chiều 30/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải thực hiện kiểm tra tiến độ dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 tuyến từ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến Phố Nối, tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài khoảng 519 km, đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh từ Quảng Bình đến Hưng Yên. Tổng số móng cột là 1.179 móng cột, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng kiểm tra tiến độ thi công trên công trường đường điện 500 kV địa phận xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà |
Đoạn đi qua tỉnh Thái Bình có chiều dài gần 39 km đi qua 22 xã thuộc 4 huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà và Quỳnh Phụ. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã giải phóng và bàn giao toàn bộ mặt bằng 107/107 móng cột và các khoảng léo cho đơn vị thi công để triển khai thi công móng và lắp dựng cột điện 500 kV.
Trực tiếp đến kiểm tra tiến độ, động viên đơn vị thi công và công nhân trên công trường thi công đường điện 500 kV thuộc địa phận các xã Song Lãng (Vũ Thư), Hồng Lĩnh (Hưng Hà) và Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ), Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương, chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công trong việc triển khai dự án.
Đồng thời biểu dương đội ngũ công nhân thi công trên công trường đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung thi công "3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, góp phần bảo đảm tiến độ chung của dự án.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng hoan nghênh tinh thần vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án. Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực địa dự báo còn nhiều vấn đề khó khăn phát sinh, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một cách hiệu quả các chủ trương, kế hoạch của trung ương, của tỉnh, bảo đảm tiến độ đề ra.
Đồng thời bảo đảm an ninh trật tư, an toàn tài sản, lợi ích của người dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó, thường xuyên đồng hành và tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cũng như chủ động hỗ trợ nhân lực, phương tiện khi cần thiết tại các địa điểm đang triển khai dự án.
Đối với đơn vị thi công cần tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua, huy động nhân công, máy móc, thiết bị thi công công trình bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng tiến độ. Sau quá trình thi công, đơn vị nhà thầu phải hoàn trả lại mặt bằng, đặc biệt là đường giao thông để không ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của nhân dân vùng dự án.
-
Hỗ trợ dự án BOT giao thông gặp khó về tài chính -
An Giang xúc tiến đầu tư tại TP.HCM -
Quảng Ngãi điều chỉnh dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh -
Tập đoàn Luxshare đầu tư thêm 2 dự án tại Nghệ An -
Bình Định thu hút thêm dự án 20 triệu USD; Hải Phòng động thổ nhà máy tôn thép 45 triệu USD -
Cần Thơ thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm -
Giải pháp kép thông vốn tín dụng cho cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
-
1 Xử lý dự án bất động sản gặp khó: Làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm” -
2 Lợi nhuận giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gấp rút xin đổi kế hoạch năm -
3 Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường -
4 Tập đoàn Luxshare đầu tư thêm 2 dự án tại Nghệ An -
5 Đất đấu giá vùng ven Hà Nội dần “hạ nhiệt”
- Vietnam Airlines Group thuê thêm 4 máy bay phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
- Sandoz triển khai chương trình cộng đồng phòng chống đề kháng kháng sinh tại Việt Nam
- Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội rinh iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị