Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 08 tháng 08 năm 2024,
Đề xuất miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển khu vực Hải Phòng đối với hàng hóa đi đường thủy
Anh Minh - 13/07/2024 10:48
 
Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đề xuất miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa tại các cảng biển khu vực Hải Phòng.
ontainer hàng nhập tại khu vực cụm cảng Hải Phòng lên ICD Tân Cảng - Quế Võ
1 sàn lan chở container hàng nhập tại khu vực cụm cảng Hải Phòng lên ICD Tân Cảng - Quế Võ.

Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc tiếp tục kiến nghị miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển tại khu vực cảng biển Hải Phòng.

Theo đó, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị HĐND thành phố Hải Phòng xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa đến cảng biển của Thành phố.

Ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, hiện hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa về khu vực cảng Hải Phòng chiếm khoảng 15% - 20% tổng lượng hàng thông qua cảng; tỷ lệ đảm nhận của vận tải đường thuỷ nội địa tại khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,5% - 1,8%.

Trong khi đó, tại khu vực cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ việc kết nối giữa đường thuỷ nội địa và cảng biển rất tốt, hàng hoá không bị thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển nên tỷ lệ hàng vận chuyển container bằng đường thuỷ nội địa đạt 70 – 80%.

Theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, vào đầu tháng 12/2022, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 21/2-16/NQ – HĐND quy định giảm 50% mức thu phí đối với hàng hoá của đối tượng nộp phí khi vào cảng và dời cảng bằng phương tiện thuỷ nội địa hoạt động trên các tuyến đường thuỷ.

Việc duy trì mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP. Hải Phòng như hiện nay đối với phương tiện thuỷ nội địa đã làm tăng đáng kể chi phí vận tải; đồng thời làm tăng chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

“Việc áp dụng phí này không khuyến khích hàng hoá được vận tải bằng đường thuỷ nội địa, giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ và chưa thúc đẩy phát triển giao thông đường thuỷ nội địa”, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đánh giá.

Trên thực tế, các phương tiện vận tải thuỷ nội địa chỉ sử dụng các tuyến đường thuỷ tự nhiên, hàng hải kết nối đến cảng biển (chủ yếu do các đơn vị của Bộ GTVT quản lý, thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo điều kiện hoạt động) và hệ thống cầu, bến trong cảng biển (chủ yếu do doanh nghiệp cảng biển đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động), không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển (như hệ thống cầu, các tuyến đường bộ, cầu vượt tại các nút giao thông do địa phương quản lý, đảm bảo điều kiện hoạt động).

Đồng thời, các phương tiện vận tải thuỷ nội địa khi làm hàng tại các cảng biển đã nộp các loại phí, lệ phí hàng hải cho Cảng vụ và giá dịch vụ cầu cảng cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển.

Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển có vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành giao thông vận tải, hàng năm đóng góp khoảng 19% sản lượng hàng hóa vận chuyển và hơn 20% lượng hàng hóa luân chuyển của toàn ngành giao thông.

Tuy nhiên để duy trì và phát huy vai trò của vận tải đường thủy nội địa trong thời gian tới, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của vận tải thủy nội địa. Phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa chỉ sử dụng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông, không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng của địa phương trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

Chính vì vậy, việc hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy phải đóng thêm phí này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy.

“Nếu được cơ quan có thẩm quyền miễn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, sẽ giảm giá thành vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, tác động tích cực đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vận tải, hàng hóa sẽ chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên đường bộ”, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam phân tích.

Phát triển hạ tầng KCN gần cảng biển nước sâu tại Hải Phòng: “Bệ phóng” cho ngành logistics
Hạ tầng khu công nghiệp (KCN) gần cảng biển chính là tiền đề để Hải Phòng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, logistics, công nghiệp phụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư