Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Đề xuất nâng ga Thủ Thiêm thành ga đường sắt trung tâm
Bảo Như - 09/10/2023 08:11
 
Sở GTVT TP.HCM muốn quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm với vai trò là ga đường sắt trung tâm (railway terminal) của thành phố, cho cả đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP.HCM.
Phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ GTVT về phương án tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, hướng tuyến chung (đoạn qua địa bàn TP.HCM) được đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản phù hợp với nội dung quản lý không gian theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010).

Sở GTVT TP.HCM thống nhất phương án bố trí tuyến đi “song song” về phía Nam của đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phía bên phải đường bộ cao tốc theo hướng TP.HCM đi Đồng Nai). Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc Dự án cần được bố trí trong hành lang đã được quy hoạch và được quản lý ổn định dọc theo đường bộ cao tốc.

Để nghiên cứu, xác định cơ cấu tuyến đi trên cao/đi trên mặt đất (sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt), Sở GTVT TP.HCM đề nghị Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần cập nhật đầy đủ các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng, hoặc đã được quy hoạch. Từ đó tránh các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (trong việc xây dựng đường sắt ở các giai đoạn sau, có thể ảnh hưởng lớn đến việc khai thác đường bộ), và tránh những phát sinh, điều chỉnh trong giải pháp bố trí tuyến đường sắt khi triển khai thiết kế cụ thể hơn.

Liên quan đến vị trí và quy mô nhà ga, đề-pô, trạm bảo dưỡng kỹ thuật, Sở GTVT TP.HCM thống nhất vị trí ga Thủ Thiêm với tính chất giao thông “là ga đầu mối đường sắt xây dựng mới khổ 1.435 mm và có nhiệm vụ đón, trả hành khách lên, xuống, đón, phát tàu khách Bắc - Nam” và “là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác (tại quảng trường ga Thủ Thiêm bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga)”.

Về xác lập cụ thể quy mô ga Thủ Thiêm, Sở GTVT TP.HCM cho biết, Bộ GTVT đã có Thông báo số 124/TB-BGTVT ngày 14/4/2021 về kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Tại Thông báo số 124, lãnh đạo 2 bên thống nhất việc quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm sẽ do Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với Thành phố.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan sớm hoàn thành nội dung đã được thống nhất trên, tổ chức lập quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm như một trong những ga đường sắt trung tâm (railway terminal) của TP.HCM cho cả đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, có tổ chức kết nối đồng bộ và hiệu quả với tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM, giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm).

Liên quan đến vị trí quy hoạch đề pô cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo ý kiến của Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, có thể chuyển vị trí đề-pô (theo quy hoạch được đặt ở khu vực phường Long Trường phía TP.HCM) sang Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Sở GTVT TP.HCM - Cơ quan chuyên môn của TP.HCM nhận thấy phương án này là có cơ sở để xem xét.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các tư vấn (Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) phối hợp xây dựng rõ các tiêu chí so sánh ưu nhược điểm về các mặt kinh tế - kỹ thuật của từng phương án vị trí đề-pô, để có căn cứ thuyết phục nhất và đề xuất chính thức trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

“Hiện nay, TP.HCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh “Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” và Đồ án “Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040”. Do đó, đối với các phương án lựa chọn vị trí đặt đề-pô, đề nghị Bộ GTVT quan tâm giải quyết sớm, để thành phố kịp thời bổ sung, điều chỉnh (nếu có) các Đồ án Quy hoạch đang được triển khai”, công văn của Sở GTVT TP.HCM nêu rõ.

Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn số 8742/BGTVT – KHĐT gửi UBND TP.HCM để thỏa thuận phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận thành phố.

Theo Bộ GTVT, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/0/2023 của Bộ Chính trị, căn cứ định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501 , ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, hiện nay bộ này đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023, trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2023; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư