Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 15 tháng 02 năm 2025,
Đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn
Nguyễn Lê - 15/02/2025 11:08
 
Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 4 nhóm cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
.
Quốc hội nghe tờ trình Dự thảo Nghị quyết.

Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất chip bán dẫn mà chỉ có các cơ sở đóng gói và kiểm thử, sau khi thiết kế chip tại Việt Nam phải gửi sang nước ngoài để sản xuất làm mất rất nhiều thời gian (6-12 tháng), phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và tiềm ẩn rủi ro về an ninh chip bán dẫn.

Tiếp tục chương trình Kỷ họp bất thường lần thứ chín, sáng 15/2, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 4 nhóm cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Một, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chi tiêu tài chính; cơ chế hoạt động của tổ chức công lập và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Hai, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Ba, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu phục vụ các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng 5G, phát triển công nghiệp công nghệ số.

Bốn, thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia và phát triển hạ tầng số. 

Đề cập nội dung cơ bản của Nghị quyết, đối với hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ số chiến lược (bán dẫn), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu nội dung ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ.

Dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án và không quá 12.800 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiêm thử chip bán dẫn do Bộ Quốc phòng chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thực hiện theo chiến lược bán dẫn.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị không quy định tên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trong Nghị quyết của Quốc hội, mà chỉ nên quy định những cơ chế, chính sách chung, không quy định đối tượng cụ thể. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng các phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và tại một số cơ sở giáo dục đại học phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Về tổng thể, Ủy ban Khoa học. Công nghệ và Môi trường nêu rõ, các cơ chế, chính sách trên cơ bản chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật, nghị quyết hiện hành. Do vậy, việc Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách nói trên là có cơ sở pháp lý.

Với các cơ chế, chinh sách cụ thể, Dự thảo Nghị quyết quy định, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất. Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ nội hàm của quy định “được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất”đối với một, một số hay toàn bộ các nội dung được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm để bảo đảm cách hiểu thống nhất trong triển khai thực hiện.

Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Dự thảo Nghị quyết quy định tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.

Ủy ban thẩm tra đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước? Đồng thời, cần có quy định để xác định được tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đó đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học nhưng vẫn xảy ra rủi ro.

Chính phủ cũng đề xuất ưu đãi thuế cho hoạt dộng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Có ý kiến cho rằng không nên quy định ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vì đã được hưởng các ưu đãi trong việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phản ánh.

Trong các cơ chế, chính sách trong hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đề xuất hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G. Như, hỗ trợ tài chính để khuyến khích cho doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng 5G trong năm 2025 đạt tối thiểu 20.000 trạm BTS 5G từ nguồn thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thu được trong giai đoạn 2024-2027.

Mức hỗ trợ một trạm BTS 5G tính bằng 15% chi phí đầu tư bình quân thiết bị cho một trạm BTS 5G thực hiện trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông.

Số trạm BTS 5G được hỗ trợ là tổng s trạm BTS 5G doanh nghiệp đã nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/ 2025 đến 31/ 12/ 2025.

Ủy ban thẩm tra đề nghị có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh.

Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cung cấp thông tin nguồn thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có thể được sử dụng cho mục đích này theo Luật Viễn thông và Luật Ngân sách Nhà nước. Đề nghị làm rõ căn cứ quy định mức hỗ trợ 15% chi phí đầu tư bình quân thiết bị cho một trạm BTS 5G. Đồng thời đề nghị làm rõ nội dung hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G vì các doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh, dịch vụ viễn thông nên có thể tự đầu tư; đồng thời, có thể sử dụng từ nguồn của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích để hỗ trợ các doanh nghiệp này - báo cáo thẩm tra nêu. 

Ngay trong sáng nay (15/2), Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhiều giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành chip, bán dẫn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động triển khai nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công tư phục vụ hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư