Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới
Hoàng Nam - 13/09/2024 18:04
 
Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét.

Tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, nhất là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần đã cam kết là nhất định thực hiện.

Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Một góc thôn Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận - nơi dự kiến đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây.

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng những nội dung đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả từ Luật Điện lực trước đây cũng như đã được quy định tại các nghị định, thông tư, cần nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi, cập nhật trong dự thảo luật lần này; những nội dung chưa rõ, còn nhiều biến số thì nghiên cứu theo hướng quy định các nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định cụ thể như vấn đề giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật...

Đồng thời, Bộ Công Thương cần rà soát các vướng mắc của pháp luật liên quan trong việc phát triển các dự án điện để nghiên cứu, đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam, Luật Xây dựng...

Thường trực Chính phủ cũng đồng ý thành lập Tổ công tác để rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện do Bộ trưởng Bộ Công thương là Tổ trưởng.

Tổ công tác có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất các sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, hoàn thành trước ngày 20/9/2024 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8 theo quy trình một kỳ họp.

Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn được giao trực tiếp chỉ đạo theo thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác chủ động huy động lực lượng tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và dự án một Luật sửa nhiều Luật có chất lượng tốt nhất, khả thi; sau khi các luật được ban hành tạo thuận lợi triển khai các dự án điện theo Quy hoạch, Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát huy kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thành công dự án đường dây 500 kV mạch 3 vừa qua, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị phải huy động sức mạnh tổng hợp từ trung ương đến địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là triển khai các dự án, công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, các dự án truyền tải điện, nguồn điện, cần nghiên cứu, sửa đổi các luật theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền tối đa, các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; bố trí, phân bổ nguồn lực hợp lý; quy định trách nhiệm và thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra giám sát. cần nghiên cứu để phân cấp cho các bộ, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc theo quy hoạch và sản phẩm đầu ra.

Đối với các dự án đã được cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng cam kết, trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.

Về Đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi tại Kết luật số 76-KL/TW ngày 24 tháng 4 năm 2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Do đó, đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn xem xét giao ngay cho các đơn vị để triển khai. Đối với các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật.

Năm 2005, sau khi khảo sát, Trung ương chọn triển khai xây dựng hai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, với tổng công suất 4.000MW. Năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua, tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng.

Dự án dự kiến khởi trong năm 2014, sau đó thay đổi thời gian năm 2015. Đến tháng 11/2016, Quốc hội ra nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án.
Ninh Thuận: Khu vực nhà máy điện hạt nhân không phát triển dự án có thời hạn dài
Khu vực quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được định hướng không quy hoạch, không phát triển các dự án đầu tư có thời hạn dài,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư