Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần có lộ trình
Hoàng Minh - 03/03/2022 11:50
 
Việt Nam đang có một vài ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động của đề xuất này một cách cẩn trọng.

Trong bối cảnh như hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, đối với những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp (chẳng hạn đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng, trong đó có thuốc lá) cần tính toán kỹ các tác động kinh tế - xã hội, lưu tâm tới cả những hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương (công ăn việc làm, công nhân, nông dân...) trước khi đưa ra quyết định.

Ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian hồi phục sau đại dịch.

Nuôi dưỡng nguồn thu

Tại phiên họp chuyên đề tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với lộ trình mở cửa từng bước nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải bảo đảm nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho thấy, trong năm 2022, Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đơn cử biến chủng Omicron mới, hay quá trình lạm phát toàn cầu. Do đó, muốn kinh tế tăng trưởng 6-6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cần phải có thêm gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa, hoàn phí, hoàn thuế đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Như vậy, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, với một số ngành, giữ nguyên chính sách thuế ổn định như hiện tại cũng nằm trong gói giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ cần cân nhắc trong giai đoạn này.

Thực tế việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Với các chính sách thuế, việc duy trì chính sách hiện hữu trong 2-3 năm tới là một trong những giải pháp bền vững được các chuyên gia kinh tế ủng hộ vì giúp Chính phủ nuôi dưỡng nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều này cũng phù hợp với Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong đó dự án thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được xem xét để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật 2023-2025.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1/2022 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tăng thuế là vấn đề rất phức tạp, phải đánh giá tác động cẩn trọng. Bởi nếu như tăng thuế tiêu thụ thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá. Vì nếu, chỉ tăng mà không chống được buôn lậu thì sẽ phản tác dụng, dẫn đến kích thích buôn lậu thuốc lá, lúc đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá có khi còn cao hơn ma túy, giá thuốc lá lên quá cao sẽ đẩy buôn lậu lên.

Thuế tăng, thuốc lá lậu tăng, thất thu thuế tăng

Cuối năm 2021 và giai đoạn trước khi bước vào Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tức ngay sau khi Việt Nam tái mở cửa, tình hình buôn lậu thuốc lá ngay lập tức diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều điểm nóng trên suốt các tuyến biên giới, đặc biệt ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang...

Vận chuyển thuốc lá lậu trên quốc lộ 91.    Ảnh: Lê Toàn

Trong nước, khảo sát một vòng thị trường cũng cho thấy thuốc lá lậu ngày càng dễ dàng tiếp cận hơn, giá cả cạnh tranh hơn, nhất là những sản phẩm nhập lậu từ 15.000 đến 30.000/bao.

Một số ý kiến cho rằng, bất chấp thực trạng thuốc lá lậu vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, Việt Nam vẫn nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để vừa tăng thu ngân sách, giảm cầu và giảm các thiệt hại, hệ lụy khác về mặt xã hội. Tuy nhiên, những gì các quốc gia khác như Malaysia, New Zealand, Philippines, đang trải qua cho thấy tăng thuế sẽ dẫn đến hệ lụy tất yếu là tăng thuốc lá lậu và thất thu thu ngân sách tăng cao.

Tiêu hủy thuốc lá lậu. Ảnh: Lê Toàn

Theo ước tính, lượng thuốc lá lậu tại Việt nam chiếm khoảng 20% thị phần, tương đương khoảng 20 tỷ điếu, dẫn đến thất thu thuế khoảng hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh tăng theo các đề xuất hiện nay sẽ dẫn tới tăng đột biến giá của sản phẩm sản xuất hợp pháp, khiến bản đồ thị phần của ngành thuốc lá thay đổi. Tổng sản lượng tiêu thụ của ngành được dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Thuốc lá lậu sẽ lấn sân, thị phần thuốc lá lậu có thể sẽ tăng lên đến 30% - 40% và sẽ còn gia tăng mạnh hơn trong tương lai.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh phương thức thu thuế, nếu có, nên được Quốc hội và Chính phủ thảo luận và chuẩn bị trong giai đoạn 2023 - 2025, khi tác động của dịch Covid-19 đã hạ nhiệt, doanh nghiệp đã hồi phục và sẵn sàng trở lại đường đua nhằm cạnh tranh với hàng lậu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư