Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Đề xuất tăng tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu lên 7.496 tỷ đồng
Bảo Như - 17/12/2023 08:24
 
Sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 dự kiến tăng khoảng 1.610 tỷ đồng so với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2022.
Công nhân thi công Dự án thành phần 1 của Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1.(Ảnh: TTXVN).
Thi công Dự án thành phần 1 của Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1.(Ảnh: TTXVN).

Bộ GTVT vừa có tờ trình số 14364/TTr – BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Được biết, Tờ trình số 14364 được gửi đi sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo thẩm định số 9800/BC-BKHĐT ngày 23/11/2023 về kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1; ý kiến giải trình của UBND 2 tỉnh: Tiền Giang và Đồng Tháp.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 là 7.496 tỷ đồng tăng 1.610 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được phê duyệt tại Quyết 11 định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Có hai nguyên nhân chính khiến tổng mức đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 phải điều chỉnh tăng.

Cụ thể, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng 1.022 tỷ đồng chủ yếu do thay đổi về đơn giá bồi thường đất, cây trồng, vật kiến trúc và chính sách hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, Dự án thành phần 1 tăng khoảng 165 tỷ đồng theo phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt; Dự án thành phần 2 tăng khoảng 857 tỷ đồng theo Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chi phí xây dựng, thiết bị dự kiến tăng 644 tỷ đồng, trong đó, Dự án thành phần 1 giảm khoảng 34 tỷ đồng sau khi cập nhật giá trị hợp đồng xây dựng đã ký, đã bao gồm cả khối lượng bổ sung đường gom dân sinh; Dự án thành phần 2 tăng khoảng 678 tỷ đồng do bổ sung đường gom dân sinh, hiệu chỉnh giải pháp chi tiết về xử lý đất yếu cho phù hợp với kết quả khảo sát địa chất công trình và thiết kế, tối ưu hơn các hạng mục công trình.

Có 2 nội dung tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 giảm chi phí đầu tư là chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (giảm 14 tỷ đồng) và  chi phí dự phòng giảm 42 tỷ đồng.

Về khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT kiến nghị bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027.

Cụ thể, Dự án thành phần 1 bố trí tổng số là 3.640 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.155,8 tỷ đồng, gồm vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương là 1.410,8 tỷ đồng, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 745 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 chuyển tiếp bố trí khoảng 1.484,2 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 bố trí tổng số là 3.856 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.941 tỷ đồng, gồm Nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương đã bố trí 872 tỷ đồng, nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 459 tỷ đồng, nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 1.610 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 chuyển tiếp bố trí khoảng 915 tỷ đồng.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 và phân cấp cho UBND các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần.

Trên cơ sở chủ trương đầu tư được duyệt, Bộ GTVT đã bàn giao hồ sơ để UBND các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang thực hiện các công việc tiếp theo.

Đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Quyết định số 180/QĐ-UBND-HC ngày 13/2/2023 phê duyệt Dự án thành phần 1, khởi công ngày 25/6/2023 và đang triển khai xây dựng; UBND tỉnh Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành công tác nghiên cứu lập dự án đầu tư và một số thủ tục có liên quan.

Tuy nhiên do tác động của các nguyên nhân tăng đơn giá bồi thường, hỗ trợ và địa chất công trình xuất hiện lớp đất yếu có chiều sâu lớn dẫn đến tăng kinh phí, làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 2 được duyệt.

“Theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019, Dự án thành phần 2 có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi phê duyệt dự án đầu tư”, Bộ GTVT cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư