Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đề xuất vay 188 triệu USD ODA Hàn Quốc xây cầu Mỹ Thuận 2
Anh Minh - 17/10/2017 08:16
 
Do phía Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA chưa quan tâm đến Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nên Bộ Giao thông vận tải muốn vay vốn từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế, Hàn Quốc (EDCF) để triển khai sớm.
Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2
Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Theo đó, phần vốn vay từ EDCF qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc – Keximbank là 188,3 triệu USD, tương đương 4.288 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự kiến toàn Dự án 217,90 triệu USD tương đương 4.963 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (29,6 triệu USD, tương đương 675 tỷ đồng.

Bộ GTVT kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính Ngân sách nhà nước cấp phát 100% vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của dự án cho Bộ GTVT.

Được biết, Dự án có chiều dài 5,8 km với điểm đầu tại Km101+600 (theo lý trình điểm giao giữa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và dự án cầu Mỹ Thuận 2); điểm cuối tại Km107+405,58 (theo lý trình dự án cầu Mỹ Thuận 2, trùng với Km107+025,80 của dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ).

Tuyến song song với cầu Mỹ Thuận hiện tại, dự kiến nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu.

Đối với phần đường nối, Bộ GTVT đề xuất trước mắt đầu tư giai đoạn 4 làn xe hạn chế (giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m, tốc độ 100 km/h) với tốc độ 80km/h cho phù hợp với quy mô đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ đang triển khai, mặt cắt ngang là 17 m. Phần cầu trước mắt sẽ xây dưn 6 làn xe hạn chế với tốc độ 80km/h, mặt cắt ngang rộng 25m.

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, Bộ GTVT sẽ bắt tay vào chuẩn bị Dự án từ quý 4/2017 – 2020; thời gian thi công xây lắp kéo dài 3 năm (năm 2021 – năm 2023).

Cần phải nói thêm rằng, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 từng được Bộ GTVT đề xuất vay vốn ODA Nhật Bản, tuy nhiên hiện phía JICA chưa quan tâm đến dự án này mà tập trung xem xét dự án xây dựng cầu Đãi Ngãi.

Trong khi đó, hiện đoạn cao tốc từ thành phố HCM – Trung Lương đang khai thác, đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ đang triển khai thi công theo hình thức PPP, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Do đó, việc sớm đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 là rất cần thiết giúp nối thông tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ.

Trước tình hình cần triển khai xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 để kết nối cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, ngày 12/7/2017, Bộ GTVT đã làm việc với Quyền Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank) - ông Hong Young Pyo để kiểm điểm tình hình triển khai các dự án do EDCF tài trợ tại Việt Nam và Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 đã được hai bên thảo luận và thống nhất xem xét, đưa dự án vào danh mục đề xuất sử dụng vốn vay của Hàn Quốc trong kế hoạch tài trợ trong thời gian tới.

Đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng xây cầu Mỹ Thuận 2
Theo đề xuất mới nhất của Ban quản lý dự án (PMU) 7 trong tờ trình gửi Bộ GTVT, số tiền cần để xây dựng cầu dây văng Mỹ Thuận 2 là 5.535 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư