Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Để xứng danh "thành phố đáng sống", Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu
Nguyễn Lê - 27/06/2022 12:12
 
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, để trở thành thành phố đáng sống, trước hết Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu.
.
KTS Trần Ngọc Chính phát biểu tại phiên thảo luận  (Ảnh: Phước Tuần).

Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng sống là chủ đề phiên thảo luận thứ hai của Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 27/6.

Những vấn đề được đặt ra trong phiên này là cơ chế, chính sách để Đà Nẵng khai thác tối ưu lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, không gian phát triển, từ đó vượt lên danh xưng là thành phố đáng sống, trở thành nơi “đại bàng” làm tổ, nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không gian phát triển đô thị Đà Nẵng trong tầm nhìn phát triển chuỗi đô thị thông minh, kết nối đô thị Việt Nam và quốc tế 2030-2045 cũng là vấn đề được bàn thảo tại đây.

Tham gia thảo luận trong phiên này, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, khi nói đến Đà Nẵng cần nói đến quy hoạch trước một bước.

Cũng như nhiều ý kiến trước đó, ông Chính nhấn mạnh, Đà Nẵng không chỉ đẹp, có biển, mà về phong thủy còn tựa vào dãy Trường Sơn nhìn ra biển. Bên cạnh đó,  Đà Nẵng còn được nói đến nhiều bởi vẻ đẹp sông Hàn, bởi những cây cầu, những festival,… Nhưng, theo ông Chính, ở đây cần đánh giá vai trò của người dân và lãnh đạo thành phố hết sức sáng tạo và mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nếu để trở thành thành phố đáng sống thì KTS Trần Ngọc Chính cho rằng trước hết Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Hiện danh sách 10 thành phố đáng sống của thế giới chưa có tên Đà Nẵng, thành phố này mới chỉ có biển lọt vào top biển đẹp toàn cầu, ông Chính nói. 

Theo vị kiến trúc sư này thì cần xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đáng sống không chỉ cho người Việt Nam mà cả doanh nhân, tỷ phú thế giới, có biệt thự để người ta mang du thuyền sang đây sống. Và muốn thế, theo ông Chính cần hoàn thiện quy hoạch đô thị Đà Nẵng hoàn chỉnh, không chỉ là thành phố du lịch mà còn là thành phố đô thị loại 1 của miền Trung và Tây Nguyên, có vai trò vực dậy kinh tế miền Trung và mang tầm thế giới.

Vấn đề nữa, theo ông Chính, Đà Nẵng cần có bản sắc của đô thị biển. Đà Nẵng có núi, sông, rừng xen kẽ tạo thành bức tranh thủy mặc tuyệt tác nhưng đã phù hợp với đô thị toàn cầu chưa, là vấn đề cần phải bàn.

Vị kiến trúc sư có nhiều năm gắn bó với Đà Nẵng cũng cho biết, cách đây 10 năm ông đã đề cập một số nội dung để phát triển thành phố, nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa làm được.

Nhắc lại khuyến nghị của chuyên gia Lương Hoài Nam về mở rộng sân bay Đà Nẵng, ông Chính cũng cho rằng sân bay Đà nẵng không thể đáp ứng yêu cầu của giới tỷ phú và người dân thế giới. Cần đưa nhà ga T2, T3 sang phía đông, có đường hầm ra sân bay, biến sân bay Đà Nẵng thành điểm đến của thế giới, nhưng hiện nay chưa có dự án nào để nâng cấp sân bay này, ông Chính sốt ruột.

Ông Chính cũng lưu ý nhu cầu của giới thượng lưu là phải có du thuyền, mà Đà Nẵng có rất nhiều cơ sở có thể phục vụ. Cảng Tiên Sa ngoài phục vụ tàu du lịch 5.000 khách có thể phục vụ du thuyền, từ đó đi sâu vào trong sông Hàn.

Ngoài ra, theo ông Chính quan trọng hơn là hệ thống giao thông tốt, giao thông hiện nay có vẻ trơn tru nhưng chưa có phương án giao thông hiện đại, tốc độ nhanh, kết nối các thành phố như metro. Trong khi Đà Nẵng còn có miền Trung, Hội An, cần kết nối.

Để Đà Nẵng thành thành phố đáng sống, KTS Trần Ngọc Chính còn cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ để khai thác tài sản thiên nhiên vô giá là Sơn Trà, để du khách có thể biết đến 1 Đà Nẵng từ trên cao.

Ngoài ra, Đà Nẵng cần có một công viên thuỷ cung mang tính quốc tế, phải điều chỉnh lại kiến trúc ven sông Hàn, phải có nhiều hơn cây xanh và công viên, theo ông Chính.

Dẫn dắt phiên thảo luận, TS Trần Đình Thiên nói, xứng danh thành phố đáng sống là cuộc đua mang tính toàn cầu và tin rằng Đà Năng sẽ làm được điều đó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư