Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đến với “vương quốc tỏi” Lý Sơn
Sơn Thắng - 06/06/2015 08:30
 
Huyện đảo Lý Sơn nằm về hướng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra), là địa phương nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những đảo tiền tiêu của tổ quốc, có vị trí địa chính trị và kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển biển đảo của cả nước.

Được mệnh danh là ”vương quốc tỏi”, bao đời nay, cây tỏi đã gắn liền với người dân đảo Lý Sơn. Hiện người dân trên đảo đang vào vụ trồng tỏi mới, năm nay do thời tiết diễn biến thất thường nên việc trồng tỏi chậm hơn so với mọi năm. Tận mắt chứng kiến người dân trồng tỏi mới hiểu được phần nào sự nhọc nhằn của người dân đất đảo. Lý Sơn có đặc điểm riêng là khô hạn mùa nắng, chịu nhiều dông bão về mùa mưa, bất lợi về thời tiết. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của vùng biển, đảo đã giúp người nông dân Lý Sơn sản xuất loại tỏi thơm ngon, được cả nước biết đến.

Đảo Lý Sơn có vẻ đẹp thanh bình, nước biển trong xanh với nhiều rạn san hô, rất thuận lợi để phát triển du lịch
Đảo Lý Sơn có vẻ đẹp thanh bình, nước biển trong xanh với nhiều rạn san hô, rất thuận lợi để phát triển du lịch

 

Chỉ rộng hơn 10 km2, song đi khắp đảo đâu cũng thấy tỏi. Tỏi được trồng ở cánh đồng, trên núi, dưới khe đá, nói chung chỗ nào tỏi phát triển được là người nông dân xuống giống. Đất đai ít, nên người dân Lý Sơn tận dụng mọi khoảnh đất trống, ngay cả mấy sườn núi dốc, dân Lý Sơn cũng làm đất, trồng tỏi theo kiểu bậc thang, giống như ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Người dân Lý Sơn ví cây tỏi là ”vàng trắng”, nhất là sau khi tỏi Lý Sơn được đăng ký thương hiệu. Nghề trồng tỏi cho thu nhập cao, giúp nhiều hộ nông dân Lý Sơn thoát nghèo. Một điểm lạ nữa ở Lý Sơn là trong các bữa ăn người dân đều kèm tỏi như ăn rau sống. Chỉ khác ở chỗ, đó là tỏi tươi, mùi không nặng như tỏi khô. Tỏi Lý Sơn được chế biến thành nhiều món ăn, thức uống, phổ biến nhất là rượu tỏi một tép (tỏi cô đơn). Tỏi cô đơn phát triển một cách tự nhiên, ngay cả người trồng cũng không thể tác động được. Do chỉ có một tép to thay vì nhiều tép nhỏ, nên tỏi cô đơn khá hiếm và giá của nó cao gấp hàng chục lần so với tỏi thường.

Theo báo cáo của UBND huyện đảo Lý Sơn, dân số toàn huyện hiện có trên 21.473 người với khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác. Trong các năm gần đây, được tỉnh Quảng Ngãi và Trung ương quan tâm cho đầu tư các tuyến đường chính trong huyện như: đường trung tâm, đường cơ động phía Đông Nam đảo lớn, kết hợp với kè chống sạt lở bờ biển, vừa phục vụ cho dân sinh vừa phục vụ cho quốc phòng. Cuối năm 2014, Tổng công ty Điện lực Miền Trung đã thi công tuyến cáp ngầm, hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn.

Không chỉ có tỏi, mà Lý Sơn còn nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử văn hoá, có tiềm năng lớn về du lịch. Đến Lý Sơn, du khách sẽ được hoà mình với biển xanh, cát trắng, leo núi ngắm toàn cảnh một vùng biển đảo bao la, giàu đẹp. Điều thu hút du khách lớn nhất là vẻ thanh bình và thiên nhiên nguyên sơ của hòn đảo. Nước biển tại đây luôn trong xanh với các rạn san hô nhiều màu sắc. Du khách có thể thả mình thư giãn trên những tảng đá lớn, nghe sóng vỗ, nghe tiếng gió thổi trên những ngọn dừa, hay ra những vùng nước biển trong vắt, chiêm ngưỡng đàn cá tung tăng bơi lội và những rạn san hô đầy màu sắc.

Ngoài ra, ở Lý Sơn còn các di tích như chùa Đục và chùa Hang trên núi Thới Lới. Chùa Đục được xây dựng trong một hang đá trên núi, bên ngoài cửa hang là tượng Phật Quan Âm cao 27 mét, với nét mặt hiền từ hướng ra biển. Chùa Hang được xây dựng trong hang động có chiều rộng khoảng 30 mét ăn sâu vào núi khoảng 25 mét theo kiểu hàm ếch. Leo lên đỉnh của ngọn núi Thới Lới, du khách có thể quan sát được cảnh vật xung quanh đảo, đón những ngọn gió mát rượi. Ở Lý Sơn còn có các lễ hội đặc sắc như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các di tích như mộ gió, âm linh tự... giúp ta hiểu thêm về truyền thống anh dũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của ông cha.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xác định xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh quốc phòng. Về kinh tế, sẽ theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ - thương mại, mà trọng tâm là du lịch. Phấn đấu trở thành một huyện đảo xanh, sạch, đẹp, là một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư trên đảo.

Quảng Ngãi đẩy tiến độ GPMB Khu kinh tế Dung Quất
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Ban quản lý KKT Dung Quất phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án tạm cư cho các hộ dân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư