Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Dệt may bối rối về thủ tục khi vào TPP
Gia Huy - 29/10/2015 08:40
 
Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức hoàn tất việc đàm phán, ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi được hưởng nhiều ưu đãi từ TPP đem lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn bối rối về những thủ tục khi TPP chính thức được áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty May Thành Hưng (huyện Hóc Môn TP.HCM) thắc mắc, Công ty ông đang có hợp đồng với các công ty của Nhật Bản. Theo hợp đồng thì xuất xứ hàng hóa được tính theo hiệp định đã ký giữa Việt Nam - Nhật Bản. Với hiệp định này thì hàng dệt may được áp dụng kê khai xuất xứ từ vải, nhưng khi vào TPP, xuất xứ lại tính từ sợi. Như vậy, khi đó hợp đồng của công ty ông và đối tác Nhật Bản sẽ áp dụng xuất xứ từ vải hay sợi?

.

Trả lời câu hỏi này, bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa thuộc Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại, vậy doanh nghiệp cần so sánh xem hiệp định nào có lợi thì làm. Hiện tại, liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản có 3 hiệp định, đó là Việt Nam - Nhật Bản, Asia - Nhật Bản và TPP,  vậy thì tùy theo đối tác muốn thực hiện hiệp định nào thì hai công ty thực hiện làm giấy chứng nhận xuất xứ đó. Mục đích của các hiệp định là thuận lợi hóa quá trình xuất khẩu, tạo điều kiện tốt nhất để nhà nhập khẩu nhận hàng và được hưởng ưu đãi thuế quan và họ yêu cầu gì thì mình làm phần đó.

Bà Đoàn Thị Văn, đại diện một công ty dệt may tại TP.HCM phân vân, trong TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự cấp chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, từ trước tới nay công ty bà chưa thực hiện điều này, như vậy, khi TPP được thực hiện thì doanh nghiệp cần làm những gì để có thể tự chứng nhận xuất xứ?

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu giải thích, việc tự cấp chứng nhận xuất xứ, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu, doanh nghiệp không phải thông qua các cơ quan chính quyền, mà tự các doanh nghiệp sẽ cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình.

Mới đây, Việt Nam đã thực hiện quy tắc này bằng việc triển khai dự án thí điểm số 2 của ASEAN về tự chứng nhận xuất xứ. “Tự chứng nhận xuất xứ là doanh nghiệp tự cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của mình khi xuất khẩu qua nước khác, nhưng có rất nhiều điều kiện đính kèm. Đó là việc các doanh nghiệp phải đạt được lượng kim ngạch xuất khẩu nhất định trong một khoảng thời gian nào đó, chứ không thể áp dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu ít nhưng cũng đòi tự chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, hồ sơ của doanh nghiệp đó trong một thời gian dài phải hết sức “sạch sẽ”, không có vi phạm gì”, bà Thùy cho biết.

Trước những câu hỏi từ các doanh nghiệp dệt may về việc, khi tham gia TPP họ sẽ được hưởng lợi gì và phải làm gì để được hưởng lợi từ TPP. Ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) cho rằng, TPP sẽ là cú huých lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi ra sao thì cần phải phân tích cụ thể. Cái hưởng lợi trước tiên có thể nhìn thấy là giảm thuế. Số lượng bán hàng và số lượng cung cấp, số lượng đơn hàng cũng sẽ tăng lên nhờ thủ tục thông thoáng.

Đại diện VCOSA cũng cho rằng, hiện nay ngành dệt may vẫn chưa được quan tâm đúng mức từ chính sách, quy hoạch nguồn nguyên liệu… “Chính phủ cần sớm có chiến lược phát triển ngành này, bởi đây là ngành mà Việt Nam có lợi thế nhất khi gia nhập TPP”, ông Giang nói.

Doanh nghiệp ngoại đang thống lĩnh dệt may
Tính đến cuối năm 2015, năng lực sản xuất sợi của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2014, đạt 990.000 tấn, do hàng loạt dự án FDI mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư