Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Dệt may sản xuất hiệu quả hơn nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ
Thế Hải - 09/07/2019 15:05
 
Hiệu quả sản xuất của ngành dệt may sẽ được nâng cao nhờ vào việc ứng dụng công nghệ vào nhiều khâu của quá trình sản xuất, giúp giảm chi phí nhân công và tăng trưởng bền vững.
việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, sẽ giúp ngành dệt may có thể sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên.
Việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, sẽ giúp ngành dệt may có thể sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên

Hội thảo "Sản xuất hiệu quả hơn với trợ giúp kỹ thật số trong ngành dệt may" do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Viện Công nghệ công nghiẹp Hàn Quốc (Kitech) đồng tổ chức đã diễn ra sáng ngày 9/7 tại Hà Nội.

Hội thảo đã giới thiệu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chia sẻ kiến thức và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn như Tập đoàn CLO Visual, Công ty Youth Hitech, CTCP TNG, Tập đoàn Li& Fung... cũng hiện diện tại Hội thảo để cùng chia sẻ quan điểm đầu tư công nghệ trong ngành dệt may.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas cho rằng, việc áp dụng tự động hóa, giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, sẽ giúp ngành dệt may có thể sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho để tăng khả năng cạnh tranh.

“Việc áp dụng công nghệ in 3D cho phép tạo ra các sản phẩm phù hợp với từng cá thể sử dụng, thỏa mãn tối đa nhu cầu người dùng, qua đó làm lãng phí cho nhà sản xuất. Đặc biệt, năng suất lao động cao nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ cũng tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập tốt hơn, giúp ngành dệt may bứt phá, thoát khỏi “bẫy” thâm dụng lao động nhưng thu nhập lại thấp”, ông Cẩm cho biết.

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương (Bộ Công thương) công bố năm 2018 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình; 10% công nghệ thấp.

Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình. Hiện, hơn một nửa số máy dệt kim tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã được sản xuất trên 15 năm, chất lượng xuống cấp, tiêu thụ điện năng lớn và hiệu suất sử dụng thấp.

Đối với thiết bị dệt kim của doanh nghiệp trong nước tuy chiếm trên 55% tổng số máy dệt kim tại Việt Nam, nhưng lại chủ yếu là máy dệt kim phẳng dùng dệt len, màn tuyn, tất. Số máy dệt kim tròn dùng cho dệt vải rất ít, chỉ chiếm khoảng 6% và hầu hết là máy cũ, chỉ để dệt vải cung cấp cho thị trường nội địa.

Dệt may vốn được nhận định là một trong những ngành hưởng nhiều lợi ích khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi. Thực tế, trong 10 năm qua, ngành đã đón được xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước xung quanh về Việt Nam, xuất khẩu của ngành theo đó cũng tăng hàng chục lần, dự kiến đạt 40 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu dệt may vẫn dựa vào sản xuất gia công và nhân công giá rẻ. Các chuyên gia cho rằng, 2 yếu tố này không bền vững. Bởi theo quy luật chung, sản xuất gia công sẽ chuyển dịch về các quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ hơn, trong khi chi phí cho lao động của Việt Nam ngày một tăng.

Hơn nữa, Cách mạng công nghiệp 4.0 với trình độ công nghệ tự động hóa cao, sử dụng robot trong sản xuất đang được ứng dụng ngày một rộng rãi. Các khâu trong sản xuất, lưu thông cũng được liên kết với nhau nhờ internet nên chi phí quản lý, thiết kế giảm đáng kể. Như vậy, nhân công giá rẻ không còn là lợi thế.

Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp dệt may, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, chi phí nhân công rẻ thôi chưa đủ mà phải có công nghệ mới hỗ trợ để tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

"Công nghệ số và tự động hóa đang thay đổi, tác động trực tiếp và nhanh chóng lên một số ngành sản xuất, trong đó dệt may không ngoại lệ. Nếu các doanh nghiệp không chú ý tới cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ số và tự động hóa, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ sớm bị loại ra khỏi thị trường", Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Doanh nghiệp công nghệ rầm rộ triển khai các dự án khủng
Nhiều dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp công nghệ triển khai thời gian gần đây nhằm đón trước xu thế phát triển đột phá trong cuộc cách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư