Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dệt may và dư địa tăng trưởng tại EU khi EVFTA có hiệu lực
Thế Hoàng - 16/07/2020 09:09
 
EU chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới với nhu cầu hàng may mặc tăng 3%/năm nhưng Việt Nam hiện chỉ chiếm 2,2% thị phần với kim ngạch năm 2019 đạt gần 4,5 tỷ USD.
Dư địa tăng trưởng của dệt may tại EU còn nhiều, nhưng bài toán hóc búa là thỏa mãn quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế 0%.
Dư địa tăng trưởng của dệt may tại EU còn nhiều, nhưng bài toán hóc búa là thỏa mãn quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế 0%.

Chỉ còn chục ngày nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực, mở đường cho nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam tiến sang EU và tận dụng cơ hội giảm thuế. Với quy mô xuất khẩu gần 5 tỷ USD/năm sang EU, ngành dệt may sẽ làm thế nào để thỏa mãn tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA để được giảm thuế?

Trong bản báo cáo mới phân tích về ngành dệt may và cơ hội với EVFTA, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, dư địa tăng trưởng xuất khẩu của dệt may tại EU còn nhiều.

EU hiện chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới với nhu cầu hàng may mặc tăng 3%/năm nhưng Việt Nam hiện chỉ chiếm 2,2% thị phần.

Các đối thủ chính của Việt Nam tại EU đều có lợi thế vượt trội về thuế quan như: Bangladesh và Campuchia được miễn thuế theo chương trình EBA, Pakistan được miễn thuế theo chương trình GSP+. Việt Nam đang hưởng thuế GSP tiêu chuẩn: 2-6,4% với hàng sợi và vải; 9,6% với hàng may mặc cùng với Ấn Độ. Trung Quốc là đối thủ lớn nhất nhưng chịu thuế MFN và đang giảm tăng trưởng để bảo vệ môi trường.

Theo EVFTA, 43% mặt hàng được loại bỏ thuế nhập khẩu ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại được giảm thuế về 0% theo lộ trình 4,6 và 8 năm.

Sợi và vải được giảm thuế về 0% ngày khi EVFTA có hiệu lực nhưng do sợi và vải chỉ chiếm 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU, lợi ích thuế quan đối với toàn ngành là không đáng kể.

Khi EVFTA có hiệu lực, ưu đãi GSP sẽ chấm dứt và thuế nhập khẩu vào EU dành cho Việt Nam sẽ cao hơn mức 9,6% hiện tại trong năm đầu tiên. Nhóm B5 và B7 chiếm 77% tổng giá trị hàng may mặc sẽ không được hưởng lợi ngay trong năm 2020. Nhóm B3 sẽ hưởng lợi ngay nhưng lợi ích cho toàn ngành không đáng kể do chỉ chiếm 6% tổng giá trị hàng may mặc.

Theo VDSC, cơ hội rất lớn nhưng ngành dệt may chưa thể tận dụng được. "Khả năng tận dụng ưu đãi từ EVFTA phụ thuộc khả năng chuyển đổi nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc sang nội địa hoặc Hàn Quốc, Nhật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may phải chọn được nhà cung cấp đáp ứng được các yêu cầu về giá, mẫu mã, chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng. Trong khi đó vải Việt Nam còn kém về chất lượng, mẫu mã và sản lượng thấp".

Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần liên kết xây dựng các tổ hợp sản xuất theo chuỗi Sợi – Dệt – Nhuộm – May để đáp ứng quy định về xuất xứ của thị trường, vừa đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và sức cạnh tranh với các cường quốc dệt may khác.

Tiềm năng hưởng lợi lớn nhất là các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nhiều vào EU và/hoặc tự xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên vật liệu tốt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư