Thứ Ba, Ngày 15 tháng 04 năm 2025,
ĐHĐCĐ ACB: Chia cổ tức 25%, lợi nhuận quý I đạt 20% kế hoạch năm
Thùy Vinh - 08/04/2025 10:25
 
Ngân hàng Á Châu - ACB (mã: ACB) trình cổ đông việc chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên gần 51.367 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận 23.000 tỷ đồng trước thuế

Sáng ngày 8/4, ACB tiến hành đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) trình kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Theo đó, về kế hoạch kinh doanh, năm 2025, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái.

ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% ước đạt 984.967 tỷ đồng.

ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% ước đạt 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ kỳ vọng đạt 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng là 673.596 tỷ đồng, tăng khoảng 16-18% so năm rồi. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, trong khi cuối năm 2024 là 1,49%.

Theo ACB, dự báo về năm 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn từ việc gia tăng rào cản thương mại và thuế quan... NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trong bối cảnh này, các chỉ tiêu tài chính tín dụng trong kế hoạch hoạt động năm 2025 mà HĐQT trình ĐHĐCĐ tiếp tục được xây dựng trên cơ sở điều kiện thị trường, cân bằng giữa mục tiêu tăng thị phần và kiểm soát chất lượng tài sản cũng như kiểm soát chi phí, đầu tư cho các dự án chiến lược, trọng tâm là chuyển đổi số và năng lực công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh của ACB.

Năm 2025 là khởi đầu của giai đoạn chiến lược 5 năm (2025 - 2030). Mục tiêu chủ yếu nhất của chiến lược này là duy trì khả năng sinh lời (ROE) tối thiểu 20% như trong 5 năm vừa qua và từng bước gia tăng khả năng này. Các mảng hoạt động liên quan đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tiếp tục là các động lực tăng trưởng chính. Điểm mới của chiến lược là đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho Khối Khách hàng doanh nghiệp, Khối thị trường tài chính và các công ty con để gia tăng kết quả hoạt động.

Hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận quý I

Cũng tại đại hội sáng nay, trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2025, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, nợ xấu của ACB có dấu hiệu tích cực đến quý I/2025 đã kiểm soát tốt nợ xấu, về mức 1,35% giảm từ 1,39%  đầu năm. Nợ xấu bắt đầu giảm nhẹ vào quý I và dự kiến kiểm soát tốt nợ xấu từ nay đến cuối năm. Về lợi nhuận dự kiến hoàn thành khoảng 20% kế hoạch năm. Chúng tôi dự kiến đây là dấu hiệu tích cực cho quý đầu năm nay.

"Nếu nói đến việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cả năm thì ACB vẫn kỳ vọng tăng trưởng tin dụng năm nay ở mức 16%. Bởi ACB có thể mạnh về tín dụng khách hàng cá nhân, SME và kỳ vọng thị trường bất động sản dần hồi phục, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp trong năm nay. Với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra trong năm nay, ACB cũng có cơ sở để kỳ vọng hoàn thành mục tiêu quy từng quý và quý đầu năm cũng đã khả năng nên ngân hàng có cơ sở để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, với mục tiêu trên 23.000 tỷ đồng trước thuế", ông Phát cho biết thêm. 

Tăng vốn lên gần 51.367 tỷ đồng

Đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2024 và còn lại từ các năm trước chưa chia là gần 23.634 tỷ đồng. Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với gần 11.167 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được Ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2025 với mức vốn sử dụng tương ứng là gần 12.842 tỷ đồng.

Với kế hoạch chia cổ tức trên, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng lên gần 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2025.

Tuy nhiên, một cổ đông ACB kiến nghị tại đại hội sáng nay cho rằng, không nên chia cổ tức bằng tiền mặt mà nên chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng lên vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. 

Trả lời câu hỏi trên của cổ đông ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, các năm trước, cổ đông của ACB cũng đã từng có kiến nghị nên chia cổ tức một phần bằng tiền mặt bên cạnh cổ phiếu và HĐQT Ngân hàng cũng đã cân nhắc để làm sao vốn cổ đông được tối ưu trong trung hạn và dài hạn chứ không thể trong 6 tháng hoặc một năm. ACB vẫn tăng vốn qua hàng năm.

Theo HĐQT ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đồng thời có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính, thích ứng với biến động của thị trường. ACB cũng dự kiến trình đại hội thông qua việc niêm yết trái phiếu ra công chúng trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

ACB năm 2024: Tăng trưởng bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả
ACB kết thúc năm 2024 với tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành nhờ quản trị rủi ro hiệu quả và chiến lược kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư