Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
ĐHĐCĐ Cơ Điện Lạnh 2024: Doanh thu 10.588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.409 tỷ đồng, tạm ứng cổ tức 15%
Duy Bắc - 29/03/2024 11:43
 
Sáng ngày 29/3, CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Phát biểu mở đầu ĐHĐCĐ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều biến động kinh tế thế giới và trong nước.

Trên thế giới, đó xung đột vũ trang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy như việc vận chuyển trên Biển Đỏ. Việt Nam vì thế chịu ảnh hưởng rất nhiều, giá nguyên vật liệu tăng cao so với trước, chi phí vận chuyển cũng đã tăng.

Về chính sách, có những chính sách thiếu nhất quán, có thêm các quy hoạch mới nhưng chậm triển khai. Đơn cử là Quy hoạch Điện VIII đã phê duyệt gần 1 năm, nhưng kế hoạch triển khai vẫn chưa thống nhất, giá điện chưa có.

Bất động sản và xây dựng 2-3 năm gần đây rất khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính. Năm qua, có nhiều sự vụ gây ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của khối tư nhân. Có nhiều dự án đầu tư công, nhưng giải ngân lại hạn chế, như TP.HCM quý I/2024 đặt mục tiêu giải ngân 10%, thì chỉ làm được 2-3%. Không đạt tiến độ xây dựng thì không thể giải ngân, do năng lực nhà thầu và nhiều lý do khác”, bà Thanh nhấn mạnh.

Lợi nhuận năm 2024 dự kiến tăng 10,1%

Bước sang năm 2024, Cơ Điện Lạnh đặt kế hoạch doanh thu 10.588 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.409 tỷ đồng, tăng 10,1% so với thực hiện trong năm 2023 và tạm ứng cổ tức năm 2024 với tỷ lệ tối đa là 15%.

Xét về cơ cấu theo lĩnh vực, năm 2024, Công ty lên kế hoạch lợi nhuận lĩnh vực năng lượng giảm 7,1%, về 1.220 tỷ đồng; lĩnh vực bất động sản dự kiến ghi nhận lãi 852 tỷ đồng, tăng 51,6% so với cùng kỳ; lĩnh vực cơ điện lạnh dự kiến ghi nhận lãi 166 tỷ đồng, tăng 19,4 lần so với cùng kỳ; và lĩnh vực nước sạch & môi trường dự kiến ghi nhận lãi 240 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ.

“Các nhà máy ở miền trung đang thiếu nước, tình trạng thiếu nước ở miền Bắc không diễn ra. Tuy nhiên, khó khăn của các nhà máy thuỷ điện liên quan tới vận hành. Trong đó, giá điện của Công ty là giá hợp đồng, mức giá tương đối thấp (giá điều tiết theo từng tháng)”, ông Huỳnh Thanh Hải, Tổng giám đốc Cơ Điện Lạnh nhấn mạnh khó khăn của lĩnh vực thuỷ điện trong năm 2024.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Công ty Cơ Điện Lạnh cho biết thị trường bất động sản năm 2023 được nhận định là đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu vào chu kỳ của sự ổn định. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ mất từ hai đến bốn quý nữa mới có thể dần phục hồi, vì vậy năm 2024 vẫn còn những khó khăn.

Tại dự án phát triển nhà ở thương mại khu dân cư phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình, Công ty dự kiến hoàn thành bàn giao nhà cho khách hàng cuối tháng 3/2024, hoàn thành việc bán 100% các sản phẩm nhà thấp tầng giai đoạn 1 và ghi nhận lợi nhuận năm 2024.

Ngoài ra, Công ty Cơ Điện Lạnh sẽ hoàn thành công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng và thực hiện thủ tục xin phép xây dựng đối với dự án khu dân cư xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; triển khai công tác thiết kế và hoàn thiện thủ tục xin phép xây dựng đối với dự án công trình thương mại cao ốc văn phòng tại phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức.

Đối với dự án toà nhà cho thuê e.town 6, Công ty Cơ Điện Lạnh cho biết dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng, hoàn thiện cơ bản vào cuối tháng 3/2024, trễ hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, từ quý II/2024, toà nhà dự kiến đưa vào khai thác với tổng diện tích cho thuê là 36.798 m2, tỷ lệ lấp đầy dự kiến ban đầu là 30%.

Được biết, trong năm 2023, Công ty Cơ điện Lạnh đặt mục tiêu tỷ lệ lắp đầy các tòa nhà văn phòng là 98,5%. Trong đó, dự kiến trong quý IV/2023, tòa nhà e.town 6 sẽ được đưa vào khai thác với tổng diện tích cho thuê là 36.798 m2 và giá thuê từ 29 USD/m2, tỷ lệ lắp đầy dự kiến ở mức 30% trong quý đầu tiên đưa vào hoạt động.

Như vậy, tòa nhà e.town 6 sẽ đưa vào khai thác trễ hơn kế hoạch, đồng nghĩa với việc có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ năm 2024 thay vì cuối năm 2023 như kế hoạch ban đầu.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Cơ Điện Lạnh thông qua kế hoạch cổ tức với tỷ lệ 25%. Trong đó, cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (trả trong tháng 4/2024) và cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 15%.

Đối với cổ tức bằng cổ phiếu, Cơ Điện Lạnh dự kiến phát hành thêm hơn 61,3 triệu cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2024.

Đang bán 1 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu

Về kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho nhân viên, Công ty cho biết đã gửi hồ sơ đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 5/3/2024 và đang chờ phản hồi.

Theo kế hoạch, Cơ Điện Lạnh dự kiến dùng hơn 1 triệu cổ phiếu quỹ để bán giá ưu đãi cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Tính tới 31/12/2023, Cơ Điện Lạnh đang ghi nhận đầu tư 47,62 tỷ đồng vào cổ phiếu quỹ, tương ứng sở hữu 1 triệu cổ phiếu quỹ. Như vậy, ước tính giá mua cổ phiếu quỹ trung bình là 47.248 đồng/cổ phiếu.

Phần thảo luận:

Phần thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh trả lời các câu hỏi của cổ đông

Hiện tại, CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh bất ngờ kéo dài hơn 6 tháng để thanh toán cổ tức tỷ lệ 20% cho cổ đông liên quan tới dòng tiền, xin hỏi hiện tại các đơn vị thành viên trong Cơ Điện Lạnh có thành viên nào gặp trường hợp khó khăn thu hồi công nợ của EVN nữa hay không, giải pháp nào để có thể thu hồi công nợ trong thời gian tới?

Theo quy định hoá đơn được chấp nhận, EVN sẽ phải thanh toán trong vòng 60 ngày, thời gian thanh toán năm 2023 đã kéo dài tới 90 ngày, nhà máy Thác Bà không giữ lại nhiều vì doanh thu không lớn, đối với nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh rất lớn, có thời điểm trên 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, có những lý do mà EVN giữ lại, EVN sẽ cam kết, hy vọng nợ của Vĩnh Sơn - Sông Hinh được thanh toán cơ bản, giảm một nửa trong tháng 4/2024.

“Thực ra, nguyên nhân sâu xa là EVN thiếu dòng tiền thanh toán, khi khách hàng khó khăn đặt ra tình huống Công ty phải thông cảm, nếu EVN không tăng giá điện sẽ không có cách nào để thanh toán được”, ông Thanh nhấn mạnh thêm.

Đánh giá thế nào về lĩnh vực năng lượng?

Riêng về nhiệt điện, Công ty đang còn tỷ lệ cổ phần lớn là Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC). Hiện tại, hai dây chuyền, 1 dây chuyền lỗi mất 28 tháng mới có thể vận hành lại, lỗi lớn là do điều hành. Việc dây chuyền mất 2,5 năm mới vận hành lại, tương ứng mất 400-500 tỷ đồng lợi nhuận, Công ty mất khoảng 100 tỷ đồng khi không hoạt động tại Nhiệt điện Phả Lại.

“Công ty đang lên kế hoạch thoái nhiệt điện và lựa chọn thời điểm để thoái. Thực ra nếu giữ để nhận cổ tức vẫn tốt, nhưng công ty muốn tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vì vậy vẫn lên kế hoạch thoái vốn tại đây”, bà Thanh cho biết thêm.

Cơ Điện Lạnh có kế hoạch IPO lĩnh vực điện không và kế hoạch phát triển lĩnh vực điện năng trong thời gian tới?

Công ty không có kế hoạch IPO lĩnh vực điện. Trong lĩnh vực điện nếu loại trừ nhiệt điện thì công suất không đáng kể, Công ty đang chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió (gần bờ và ngoài khơi). Cơ hội phát triển điện gió là cơ hội duy nhất, Công ty sẽ tính toán và sẽ dẫn thân vào lĩnh vực này.

“Thủ tục đầu tư nhiêu khê, các thông tư, nghị định chồng chéo lên nhau, liên quan nhiều Bộ ngành trong lĩnh vực năng lượng, chính vì chồng chéo, luật không rõ ràng nên dẫn tới khó khăn khi tham gia lĩnh vực năng lượng này”, bà Thanh chia sẻ thêm.

Về Quy hoạch Điện VIII, hiện tại đã hình thành 60 -70% về quy hoạch, tuy nhiên quy hoạch điện sẽ trao danh sách nhà đầu tư cho tỉnh, sau đó tỉnh sẽ chọn nhà đầu tư. Trong đó, tỉnh sẽ đánh giá lịch sử, tiềm năng và cơ chế đấu giá điện. Tuy nhiên, khả năng giá điện sẽ là đàm phán, vì vậy nhà đầu tư sẽ trình phương án đầu tư, vì vậy gây khó khăn trong quá việc phát triển dự án theo Quy hoạch Điện VIII.

Hiện tại, Công ty đang đi theo hướng triển khai dự án thí điểm với đối tác nước ngoài được Chính phủ đánh giá cao về đối tác nước ngoài.

“Năm nay là năm không thuận lợi về thuỷ văn, cao điểm về EI Nino, năm nay do gặp khó khăn tài chính vì vậy EVN dự kiến sẽ phải cố gắng tìm các nguồn thay thế để bù đắp bẳng giảm sản lượng nhóm thuỷ điện”, bà Thanh nhận định khó khăn trong lĩnh vực thuỷ điện năm 2024.

“Cổ phần hoá nhóm điện, chúng ta đang ở giai đoạn bán buôn cạnh tranh, hiện tại EVN đã thành lập ra các bên mua điện nhưng thực tế chỉ có một người mua điện duy nhất. Công ty vẫn phải nêu lên và phản ánh cho bộ ngành biết, Bộ Công thương dự kiến điều chỉnh giá điện, tình hình dự báo sẽ cải thiện trong năm 2025”, bà Thanh chia sẻ.

Bà Thanh chia sẻ kế hoạch tăng trưởng trong lĩnh vực điện: “Công ty muốn tăng trưởng 15%/năm trong lĩnh vực điện, muốn tăng trưởng trong ngành điện chỉ đến từ tăng công suất. Trong đó, có thể dùng bằng cách mua lại nhà máy đang vận hành, hoặc nhà máy đang xây liên quan các hồ thuỷ điện”.

“Khó khăn xây dựng nhà máy liên quan tới đền bù người dân sinh sống ở hai bờ sông, Công ty không ép người dân mà sẽ đền bù thoả đáng để triển khai dự án”, bà Thanh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, bà Thanh cũng cho biết Công ty không đầu tư nhiều vào năng lượng mặt trời, hiện tại chủ trương của nhà nước là tự sản, tự tiêu đối với dự án năng lượng mặt trời.

Riêng đối với điện gió, đây là lĩnh vực mũi nhọn, Công ty sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác triển khai dự án. Trong đó, Công ty sẽ tìm đối tác nước ngoài, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài mạnh về công nghệ, tài chính… để cùng Công ty phát triển lĩnh vực điện gió.

Đối với lĩnh vực cấp nước, liên quan tới an sinh xã hội, nhà nước vẫn muốn chiếm đa số. Đối với các dự án mới, Công ty dự kiến đầu tư nhưng phải liên kết và hợp tác với công ty nhà nước để phát triển lĩnh vực này. Trong đó, Công ty có dự án xử lý rác tận dụng nguồn nhiệt để phát điện, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực môi trường.

Đối với bất động sản cho thuê, năm 2023 là năm đầu tiên tỷ lệ trống hơn 5% (trước chỉ 2%), Công ty đã mất 20 tỷ đồng lợi nhuận do tỷ lệ trống.

Về kế hoạch khai thác dự án mới, bà Thanh cho biết: “Tới thời điểm hiện tại chỉ có 2 khách thuê e.Town 6 với 6.000 m2 (15% tổng diện tích sàn là 40.000 m2), tình hình cho thuê chậm hơn so với các toà nhà trước. Hiện tại, một số khách đang đặt vấn đề, công ty đang lên kế hoạch. Phấn đấu dự án có tỷ lệ lấp đầy 70% trong thời gian tới”.

“Khách cho thuê phải sau 3 tháng, năm nay dự án e.town6 phải khấu hao khi đưa vào vận hành, khấu hao khoảng 70 tỷ đồng/năm và trả lãi ngân hàng, trái phiếu cho việc đầu tư dự án? Dự án này Công ty sử dụng chủ yếu nợ vay và trái phiếu với lãi suất 8%/năm”, bà Thanh chia sẻ thêm.

Công ty mới mua một quỹ đất với diện tích 5.400 m2, diện tích cho thuê 35.000 m2 tại quận 9 (cũ), gần dự án The Global City, giữa năm 2025 sẽ khởi công và đưa vào vận hành năm 2027.

Đối với lĩnh vực nhà ở, Công ty mua dự án ở Thái Bình đã xây xong, Công ty đang bắt đầu bán hàng và sẽ trao giấy cho nhà đầu tư nếu mua. Trong đó, đối tượng là khách ở thành phố muốn mua nhà cho cha, mẹ ở quê.

Công ty con Cơ Điện Lạnh muốn thoái thêm 1,5 triệu cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại
Tập trung mảng năng lượng tái tạo, Công ty con của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE – sàn HoSE) tiếp tục muốn bán ra và giảm sở hữu tại CTCP Nhiệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư