Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
ĐHĐCĐ Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận tăng 23,8% lên gần 5.200 tỷ đồng trước thuế
Thùy Vinh - 29/04/2025 10:03
 
Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2025, với mục đích lợi nhuận 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2024.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố nội tại, các định hướng chiến lược lớn của Eximbank, môi trường kinh doanh năm 2025, Lãnh đạo ngân hàng trình Đại hội các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025. Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng, tương đương tăng 23,8% so với thực hiện năm 2024.

Cùng với đó, tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%; Huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; Dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%; Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch như trên, Ban Tổng giám đốc Eximbank đưa ra các giải pháp nhằm tăng trưởng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng bền vững - an toàn - hiệu quả. Trong đó, ngân hàng cải thiện NIM thông qua đẩy mạnh phân khúc ngân hàng bán lẻ, SME, tăng cường khai thác hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, gia tăng nguồn vốn không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn có chi phí thấp từ các tổ chức kinh tế và dân cư.

ĐHCĐ Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận tăng 23% lên gần 5.200 tỷ đồng trước thuế

Đồng thời, bám sát diễn biến thị trường, tận dụng cơ hội để tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn hoạt động, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu phát sinh; hoàn thiện mô hình xử lý nợ tập trung.

Đặc biệt, chuyển đổi số, ngân hàng số toàn diện tiếp tục là chiến lược quan trọng để Eximbank thực hiện các mục tiêu trên.

Trước đó, kết thúc 2024, Eximbank ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023, đây là mức cao nhất trong 35 năm qua.

Mặc dù các chỉ tiêu kế hoạch 2025 vừa được Eximbank công bố khá thách thức trong bối cảnh bức tranh kinh tế còn nhiều biến động. Các yếu tố như lãi suất, tỷ giá và rủi ro từ thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức không nhỏ cho ngành ngân hàng.

Song theo Eximbank, với kết quả vượt kế hoạch trong năm 2024 cùng những chuyển đổi từ nội tại tổ chức như cơ cấu cổ đông, định hướng chiến lược phát triển lấy khách hàng làm trọng tâm, tăng cường hệ thống quản trị rủi ro… cùng mục tiêu mở rộng thị trường và sức ảnh hưởng thương hiệu tại miền Bắc, là những tín hiệu lạc quan cho thấy dư địa phát triển của Eximbank còn nhiều.

Cũng tại Đại hội năm nay, cổ đông Eximbank sẽ bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ mới 2025 - 2030. Theo đó, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 đề cử có hai thành viên độc lập nhằm đảm bảo yêu cầu mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đảm bảo hoạt động của HĐQT độc lập, khách quan và minh bạch.

5 ứng viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ của Eximbank nhiệm kỳ này gồm 5 thành viên. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Anh, hiện là Chủ tịch HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 và bà Đỗ Hà Phương, Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách này là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.

Ông Phạm Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán và đã có 26 năm làm việc tại hệ thống GELEX. Ông từng là Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là CTCP Tập đoàn GELEX), từng đảm nhiệm thành viên HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ thống GELEX.

Hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh là Phó tổng giám đốc CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric), Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM). Được biết, ông Phạm Tuấn Anh sẽ từ nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống GELEX trước thời điểm đại hội Eximbank tiến hành bầu thành viên HĐQT nhằm đảm bảo đúng yêu cầu không cùng đảm nhận các chức vụ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. GELEX hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (sinh năm 1982). Bà Phạm Thị Huyền Trang có trình độ thạc sĩ tài chính ngân hàng, cao cấp lý luận chính trị. Bà từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng này như Phó giám đốc chi nhánh TP.Hà Nội, Trưởng phòng phê duyệt tín dụng, Phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng… Bà Trang cũng từng công tác tại Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Đèo Cả…

Ông Hoàng Thế Hưng là kỹ sư công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và giải pháp số. Ông Hưng từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Hiện, ông Hưng là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Bên cạnh danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ, Eximbank cũng công bố danh sách ứng viên Ban Kiểm soát được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận với 5 thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.

Ngoài ra, Eximbank cũng trình cổ đông thông qua tờ trình của HĐQT về việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Eximbank; thông qua tờ trình của HĐQT về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính của Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM… cùng các nội dung quan trọng khác.

Eximbank đề xuất room ngoại ở mức dưới 6%
Đề xuất được nêu trong tài liệu chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (mã CK:...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư