Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
ĐHĐCĐ Petrosetco: Thay 3 lãnh đạo; Kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn vào cuối năm 2024
Duy Bắc - 14/06/2024 12:36
 
Sáng ngày 14/6, Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET - sàn HoSE) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, thay đổi lãnh đạo và một số tờ trình quan trọng khác.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 lần 2, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, Trưởng ban Kiểm soát cho biết Đại hội ghi nhận 42 cổ đông tham dự trực tiếp và được uỷ quyền tham dự, chiếm 58,4% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, vì vậy Đại hội đủ điều kiện tổ chức (Đại hội lần 1 không đủ điều kiện tổ chức do chỉ có 36,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự).

Ông Vũ Tiến Dương, Tổng giám đốc nhận định về thị trường, đối với lĩnh vực phân phối, Petrosetco cho biết năm 2024 là thời điểm thay mới thiết bị của các sản phẩm điện thoại, laptop sau vùng đỉnh năm 2021. Cùng với chiến lược mở rộng phân phối thêm nhiều sản phẩm mới thông qua hợp tác với các hãng nhiều tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Việt Nam, cộng với việc tái cơ cấu triệt để danh mục sản phẩm kém hiệu quả, tập trung vào nhóm các sản phẩm chủ lực.

“Thị trường điện tử năm 2024 dự báo giữ vững và tăng trưởng so với năm 2023”, ông Dương nhấn mạnh thêm.

Ngoài ra, cũng trong năm 2024, Petrosetco cho biết sẽ tập trung vào việc quản lý chặt chẽ tài chính, kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho để giảm thiểu rủi ro về biến động tỷ giá cũng như tối ưu hoá hiệu quả nguồn vốn vay, đảm bảo dòng tiền kinh doanh được vận hành hiệu quả; tăng cường huy động vốn thông qua việc tìm kiếm và tận dụng các nguồn vốn khác nhau, từ vốn tự có đến vốn vay ngân hàng hoặc đối tác đầu tư.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 theo lĩnh vực (Nguồn: Tài liệu Đại hội)
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 theo lĩnh vực. (Nguồn: Tài liệu Đại hội)

Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, Petrosetco lên kế hoạch doanh thu 18.540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 205 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện trong năm 2023. Trong đó, cơ cấu lợi nhuận trước thuế lĩnh vực dịch vụ phân phối dự kiến tăng 64,9%, lên 160 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ cung ứng và hậu cần tăng 100%, lên 26 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ đời sống tăng 7,1%, lên 30 tỷ đồng; và dịch vụ bất động sản đi ngang 44 tỷ đồng.

Không trả cổ tức năm 2023 và thay đổi hàng loạt lãnh đạo

Cũng tại Đại hội, Petrosetco đã thông qua không trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông nhưng trích 1,98 tỷ đồng vào quỹ khen thưởng phúc lợi (tại ĐHĐCĐ năm 2023, Công ty trình cổ đông tỷ lệ trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ tối đa là 10%).

Về nhân sự, Petrosetco thực hiện miễn nhiệm 3 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Trịnh Thanh Cần, ông Nguyễn Quý Thịnh và ông Nguyễn Đức Minh. Ngược lại, sẽ bầu bổ sung 3 thành viên mới gồm ông Nguyễn Như Long, ông Hồ Minh Việt và bà Phạm Thị Hồng Điệp.

Điểm đáng lưu ý, trước đó, ngày 1/2/2024, Petrosetco cho biết nhận được thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Quý Thịnh, thành viên HĐQT độc lập Petrosetco vì đã có hành vi nhận hối lộ, phạm vào Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Về ứng viên mới vào Hội đồng quản trị, theo tìm hiểu, ông Nguyễn Như Long sinh năm 1985, trình độ chuyên môn là Kỹ sư công nghệ vật liệu tại Đại học Bách khoa TP.HCM và Thạc sĩ Kỹ thuật và Quản lý sản xuất tại Đại học Nottingham (Vương quốc Anh). Trong đó, từ năm 2017 tới nay, ông Long đang là Tổng giám đốc tại Tập đoàn Unis.

Ông Hồ Minh Việt sinh năm 1977, trình độ chuyên môn Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Pacific Western. Trong đó, từ tháng 8/2017 tới nay là Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí; và từ tháng 4/2021 tới nay là thành viên HĐQT CTCP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí Biển.

Và bà Phạm Thị Hồng Điệp sinh năm 1974, trình độ chuyên môn Thạc sỹ Quản trị kinh doanh và Marketing. Trong đó, hiện nay bà là Phó tổng giám đốc tại Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí; thành viên HĐQT tại CTCP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí Biển; thành viên HĐQT tại CTCP Hội tụ Thông minh; thành viên HĐQT tại CTCP Phân phối sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kinh doanh Văn phòng Dầu khí; và Giám đốc Công ty TNHH Nghỉ dưỡng Quốc tế Vịnh Hoà Emerald Bay.

Phần thảo luận:

Ông Vũ Tiến Dương, Tổng giám đốc trả lời nhóm câu hỏi đầu tiên:

Câu 1: Lợi nhuận quý I giảm nhẹ 0,8%, về 39,38 tỷ đồng và mới hoàn thành 19,2% kế hoạch năm. Tuy nhiên, nhìn vào kế hoạch lợi nhuận trước thuế theo lĩnh vực, lĩnh vực dịch vụ phân phối lên kế hoạch tăng tới 64,9%, lên 160 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ cung ứng và hậu cần tăng 100%, lên 26 tỷ đồng, cơ sở nào để Ban lãnh đạo tự tin lợi nhuận hai lĩnh vực trên tăng mạnh?

Ông Dương, năm 2023 rất khó khăn nhưng năm 2024 có nhiều tình tiết khởi sắc về thị phần, tình trạng bán phá giá đã kiểm soát, vì vậy biên lợi nhuận ngành phân phối sẽ cải thiện, năm 2024 công ty còn ký thêm các nhãn hàng để gia tăng doanh thu và lợi nhuận, vì vậy Công ty đặt kế hoạch dựa trên tình hình chung của thị trường.

"Trong 6 tháng đầu năm tình hình vẫn chưa tăng trưởng rõ, công ty kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn giai đoạn cuối năm 2024", ông Dương chia sẻ thêm.

Câu 2: Quý I/2024, Công ty ghi nhận dòng tiền âm 718,6 tỷ đồng, trong khi trước đó năm 2022 và năm 2023 cũng liên tục âm dòng tiền, vậy vì sao công ty liên tục duy trì dòng tiền âm và liệu việc liên tục gia tăng tồn kho và khoản phải thu khi nợ vay ngày một lớn có gặp rủi ro khi sức tiêu thụ yếu?

Tồn kho công nợ tăng do quy mô doanh thu tăng, dòng tiền âm do công ty muốn tối đa hoá lợi hoá tài chính.

Được biết, tính tới cuối quý I/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 13,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 601,4 tỷ đồng, lên 5.128,2 tỷ đồng và bằng tới 234,5% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 2.186,6 tỷ đồng).

Câu 3: Trong Báo cáo tài chính quý I/2024, khoản phải thu ngắn hạn khác tăng từ 209,5 tỷ đồng lên 822 tỷ đồng nhưng Công ty không thuyết minh, Ban lãnh đạo có thể chia sẻ biến động này là gì và khoản mục này tăng để làm gì?

Khoản phải thu khác tăng chủ yếu hỗ trợ cho các nhãn hãng, hỗ trợ khách hàng.

Câu  4: Ngày xưa khi có được hợp đồng phân phối sản phẩm Apple đã tạo động lực tăng trưởng cho Công ty, vậy việc Apple tiếp tục bán sản phẩm trực tiếp tại Việt Nam đã tác động như thế nào tới Công ty, liệu Công ty còn lợi thế cạnh tranh, hay bị khống chế giá trần?

Apple mở bán online không ảnh hưởng do bán giá rất cao, bản thân Apple không can thiệp vào giá thị trường Việt Nam. Trong đó, giá bán sản phẩm năm 2023 của nhà bán lẻ thấp hơn cả giá của Apple, vì vậy việc mở bán online không ảnh hưởng tới thị trường.

Ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT trả lời nhóm câu hỏi thứ hai:

Câu 5: Kế hoạch với dự án Thanh Đa?

Công ty vẫn làm việc với đối tác nhưng triển khai còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Câu 6: Tại sao năm 2023 không chia cổ tức?

Năm 2023 kinh doanh rất khó khăn đối với ngành bán lẻ, năm 2023 không thuộc chu kỳ thay thế thiết bị, các hãng tập trung quá cao vào nhu cầu giai đoạn Covid … làm doanh thu và lợi nhuận toàn ngành sụt giảm, Công ty muốn giữ lại một phần lợi nhuận năm 2023 để các công ty con có thể chủ động nguồn vốn dài hạn, dần giảm bảo lãnh công ty mẹ với các công ty.

Câu 7: PVN có kế hoạch thoái vốn tại Petrosetco?

Khả năng rất cao, muộn nhất là hết năm 2025 sẽ thoái vốn khỏi Petrosetco.

Câu 8: Một thành viên HĐQT dính lao lý và một thành viên từ nhiệm có ảnh hưởng tới công ty?

Trong thời gian qua có một lãnh đạo dính lao lý, Công ty quan niệm ai làm người đó chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Công ty, trong 2 năm qua ngoài yếu tố khách quan thị trường, yếu tố nội bộ công ty không cùng văn hoá, tầm nhìn dẫn tới quyết sách không kịp thời dẫn tới ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.

Sắp tới thay mới 3 thành viên, Công ty có thể phát huy tình thần đoàn kết và văn hoá công ty, đợt thay này có thể tác động tích cực tới Công ty. Sau năm 2025 sau khi thoái vốn nhà nước, hai động lực này sẽ giúp công ty ngày càng tốt.

“Công ty sẽ cố gắng 6 tháng cuối năm tạo động lực mới để tạo lợi nhuận tốt hơn bù lại giai đoạn nửa đầu năm chưa tích cực, tạo tiền đề cho năm 2025 sẽ cao hơn”, Chủ tịch Phùng Tuấn Hà nhấn mạnh.

Lãnh đạo Petrosetco muốn bán ra 2 triệu cổ phiếu trước thềm Đại hội cổ đông lần 2
Hơn 5 tháng mua vào cổ phiếu, một Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET - sàn HoSE) đã muốn bán ra toàn bộ 2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư