Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
ĐHĐCĐ Thực phẩm G.C: Đặt kế hoạch lợi nhuận tăng gần gấp đôi trong năm 2024
Hoài Sương - 12/04/2024 17:35
 
Năm 2024, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt gần 573 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, tăng lần lượt là 21% và 98% so với năm 2023.

Ngày 12/4, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (Mã GCF - sàn UPCoM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tại TP.HCM.

Năm 2023, tổng tài sản của GCF đạt 672 tỷ đồng, doanh thu thuần là 475 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 41,5 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong 4 năm gần nhất từ 2020 - 2023 là 31%.

Ngoài ra, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp từ hai nhà máy tăng 66%, khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của doanh nghiệp giảm 1% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn tăng 4%.

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (Mã GCF - sàn UPCoM) ngày 12/4.

Năm 2024, GCF đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt gần 573 tỷ đồng, tăng 21% so với kết quả năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, tăng 98% so với năm trước. Với mục tiêu trên, doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu và tiền mặt, tương đương hơn 42 tỷ đồng.

Song song đó, GCF dự kiến phát hành tối đa 1,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm phát hành trong vòng 1 năm kể từ ngày phương án được phê duyệt.

Đối tượng phát hành là các lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt, người lao động có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Toàn bộ cổ phiếu ESOP phát hành thêm sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Số vốn thu được tương đương 15 tỷ đồng sẽ được dùng phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của GCF. Nếu hoàn tất cả 2 đợt phát hành trên, vốn điều lệ của GCF sẽ tăng từ gần 307 tỷ đồng lên gần 372 tỷ đồng.

Chia sẻ về mục tiêu gia tăng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C thông tin, trong những năm qua, GCF đã đầu tư vùng nguyên liệu, có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành nguyên liệu tốt hơn, giúp biên lợi nhuận gộp tăng trưởng. Do đó, doanh nghiệp mạnh dạn đặt mục tiêu lãi gấp đôi trong năm 2024.

“Năm 2024, GCF sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng 2 nhà máy chính tại Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt và Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn Nhiệt đới - Saigon Tropical Drinks. Việc mở rộng giúp tăng công suất gấp đôi vào đầu năm 2025, dự kiến sản lượng sản xuất tăng tương ứng 150%, giúp tăng doanh thu”, ông Nguyễn Văn Thứ chia sẻ thêm.

Đặc biệt, GCF đã đầu tư thành công các hoạt động từ việc cấy mô cây nha đam trong phòng thí nghiệm đến việc đưa cây cấy mô ra và nhân giống. Dự kiến trong 2024 - 2025, doanh nghiệp sẽ cung ứng hàng chục triệu cây nha đam cấy mô, giúp người nông dân trồng trọt hiệu quả hơn và giảm giá thành.

Theo ông Thứ, cũng trong năm nay, doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển thông qua việc tái định vị GCF là doanh nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm.

Bênh cạnh áp dụng công nghệ cao vào ngành nha đam, sắp tới, GCF sẽ mở rộng công nghệ cao tương ứng với ngành thạch dừa. Ngoài ra, Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt và Công ty cổ phần Nắng và Gió đều đã được cấp chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Lê Hoành Sử, Thành viên HĐQT độc lập GCF cho biết, chi phí sản xuất đầu vào hiện nay đa phần đều đã tăng, từ nguyên vật liệu, lao động đến sử dụng vốn… Do đó, việc áp dụng công nghệ cao sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm giá thành, tạo ra những giải pháp đột phá để tạo lợi nhuận trong những năm tiếp theo.

Liên quan đến câu chuyện chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE, Chủ tịch HĐQT GCF cho biết doanh nghiệp có kế hoạch trong quý I/2025 nếu đủ điều kiện.
Trong năm 2023, GCF đã có văn bản đến các cổ đông là không thực hiện chuyển sàn. Nguyên nhân là do, hoạt động này chưa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp ngay lập tức.
Tuy nhiên, GCF đang cân nhắc giải pháp nộp hồ sơ lên HoSE trong năm 2025 hay chờ đến 2026 sẽ tự động chuyển sàn. Bởi, cơ cấu cổ đông tổ chức đang chiếm tỷ trọng trên 80%, trên 10% là cổ đông nhỏ, chính vì thế GCF cho rằng việc niêm yết ngay lên HoSE chưa mang lại lợi ích cho cổ đông.
ĐHĐCĐ FPT: Công bố chiến lược giai đoạn 2024-2026, đẩy mạnh đầu tư vào AI, Automotive, chip bán dẫn, Cloud
ĐHĐCĐ thường niên 2024 FPT đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, như đặt mục tiêu tăng trưởng 17,5% về doanh thu và 19,2% về lợi nhuận trước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư