Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ĐHĐCĐ TTC AgriS: Mở rộng hệ sinh thái sản phẩm năng lượng giá trị dinh dưỡng cao
T.V - 26/10/2023 16:28
 
Đó là một trong những nhiệm vụ được Chủ tịch HĐQT TTC AgriS (mã CK: SBT) nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ niên độ 2023-2024 diễn ra chiều ngày 26/10 tại Tây Ninh.

Lãi trước thuế kỳ vọng tăng 18% lên mức 850 tỷ đồng

Phát biểu tại Đại hội, bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch TTC AgriS cho biết, niên độ 2022-2023 vừa qua là một niên độ không mấy thuận lợi cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, với tính chất của một ngành hàng thiết yếu, ngành công nghiệp thực phẩm vẫn đứng vững và chiếm vai trò nhất định trong rổ hàng tiêu dùng, nên Công ty vẫn tăng trưởng ổn định.

"Tôi xin mạn phép mượn câu nói nổi tiếng của ông Walt Disney: 'Khi bạn gặp khó khăn, hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất. Mọi người đều gặp khó khăn, nhưng chỉ có những người mạnh mẽ mới có thể vượt qua chúng'. Niên độ 2022-2023, mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố tiêu cực, song Công ty đã rất nỗ lực trong việc giữ vững thị phần, linh động trong công tác điều hành để thích nghi và phát triển trước bối cảnh thị trường đầy phức tạp, kiên định với các mục tiêu đã cam kết với Cổ đông và đã hoàn thành đạt được kết quả đáng ghi nhận", Chủ tịch Huỳnh Bích Ngọc nhấn mạnh.

Đại hội đồng cổ đông TTC AgriS chiều ngày 26/10.

Cụ thể, niên độ 2022-2023, doanh thu thuần của TTC AgriS đạt 24.743 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó đường vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 92%. Tuy nhiên, lãi trước thuế lại giảm 31% xuống còn 719 tỷ đồng và chỉ đạt hơn 83% kế hoạch lợi nhuận cả niên độ (850 tỷ đồng). Lãi ròng giảm tới 39% về mức 537 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất thị trường cũng như chi phí lãi vay tăng mạnh. Công ty cũng dự kiến chia cổ tức niên độ 2022-2023 với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu, tương ứng tổng chi 296 tỷ đồng. Bước sang niên độ 2023 - 2024, tỷ lệ dự kiến từ 5% - 7%/mệnh giá. 

Niên độ 2023-2024 (từ ngày 01/07/2023 - 30/06/2024), TTC AgriS dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ đường của Công ty sẽ giảm nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh. Dự báo giá đường nội địa có thể tiếp tục tăng nhẹ cùng với đà tăng mạnh của giá đường thế giới, cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu thời gian tới. Đối với các chỉ tiêu tài chính, SBT đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất giảm 17% so với cùng kỳ xuống còn 20.622 tỷ đồng. Lãi trước thuế kỳ vọng tăng 18% lên mức 850 tỷ đồng.

Cũng theo chia sẻ của bà Huỳnh Bích Ngọc, hiện hơn 8 tỷ người trên thế giới đang trải qua những tác động chưa từng có của quá trình biến đổi khí hậu. Với trách nhiệm của một trong những đơn vị phát triển nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và Đông Dương, TTC AgriS tự đặt cho mình sứ mệnh trở thành “Nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu khu vực” và cam kết: “Kiến tạo một nền Nông nghiệp hiện đại, bền vững và mang lại nguồn năng lượng dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên”. 

Còn theo báo cáo tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc TTC AgriS cũng cho hay, hiện tượng El Nino diễn ra sớm hơn so với dự báo trước đây là quý III/2023 ở châu Á và đầu quý IV/2023 ở châu Âu, điều này cho thấy dự báo sản lượng sụt giảm, thiếu hụt nguồn đường niên độ 2023-2024 có khả năng xảy ra rất cao ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc.

Để đảm bảo nguồn cung nội địa, Ấn Độ đã có kế hoạch cấm xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10/2023, động thái này diễn ra trong bối cảnh tình trạng thời tiết không thuận lợi làm giảm năng suất mía. Bên cạnh đó, giá dầu thô ở mức cao sẽ tác động đến việc chuyển hướng mía sang sản xuất Ethanol, đặc biệt tại Brazil.

Năm 2024, giá đường thế giới dự báo sẽ khó thấp hơn 20 - 21cent/pound (mức đỉnh vào tháng 4/2023 là 27 cent/pound). Đối với thị trường trong nước, ban lãnh đạo TTC AgriS cho biết, giá đường nội địa vẫn tiếp tục tăng nhẹ cùng với đà tăng mạnh của giá đường thế giới, cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu thời gian tới.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách chống trợ cấp chống bán phá sẽ góp phần gia tăng lợi thế cho sản phẩm đường nội địa. Điều này giúp nông dân an tâm phát triển vùng nguyên liệu và hạn chế tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch.

Lấy chiến lược kinh doanh "xanh" làm nền tảng phát triển

"Phát triển bền vững là chiến lược xuyên suốt trong hành trình phát triển của TTC AgriS, chúng tôi lấy chiến lược kinh doanh “XANH” làm nền tảng phát triển, lợi thế cạnh tranh và cung cấp cho thị trường các giải pháp năng lượng xanh từ sản xuất sạch", Chủ tịch TTC AgriS nói

Bà Ngọc cho biết thêm, trong hơn nửa thế kỷ hoạt động, Công ty đã không ngừng nghiên cứu và tập trung đầu tư vào “Chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn” để tối ưu hóa giá trị cây mía, tạo ra các sản phẩm cạnh đường và sau đường như: điện sinh khối, phân bón vi sinh, mật rỉ, nông sản từ bã mía...  

Niên độ qua 2022-2023, TTC AgriS đã chủ động triển khai Mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp - định hướng thị trường, định hướng sản phẩm thúc đẩy tư duy kinh tế nông nghiệp. Công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm thông minh, bền vững, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường quốc tế. 

Trước tình hình nguồn cung đường toàn cầu được dự đoán sẽ thiếu hụt trong niên độ 2023-2024, nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra bởi hiện tượng El Nino, làm giảm sản lượng, chất lượng mía và làm chậm tiến độ thu hoạch, tác động tiêu cực đến sản lượng đường toàn thế giới, nhưng theo bà Ngọc, đây sẽ là cơ hội và cả thách thức cho TTC AgriS trong Niên độ 2023-2024, Công ty đã định hướng và xây dựng toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm về giải pháp - dịch vụ - công nghệ - bền vững.

Bà Ngọc cũng cho hay, HĐQT TTC AgriS cũng đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho niên độ mới. Cụ thể, nhiệm vụ thứ nhất thì chuyển đổi thành công sang “Mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp: sản xuất - xuất nhập khẩu - thương mại dịch vụ nông nghiệp”, triển khai đồng bộ tại các quốc gia Việt Nam, Australia, Singapore, Lào, Campuchia, hướng đến việc tối đa hóa giá trị cho các đối tác tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững của Công ty.

Nhiệm vụ thứ hai là mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm năng lượng có giá trị dinh dưỡng cao, tận dụng các loại cây chủ lực như mía, dừa, chuối, gạo…, tốt cho sức khỏe, giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng - trên nền tảng tương tác chung, đa chiều, xuyên suốt về truy xuất nguồn gốc, dinh dưỡng và trao đổi.

Trong đó, nền tảng truy xuất nguồn gốc: Truyền tải thông điệp về chất lượng và các giá trị bền vững trong toàn bộ quy trình với sự tham gia của các bên liên quan trong chuỗi giá trị của TTC AgriS hướng tới mục tiêu lối sống xanh “Zero Waste”. Nền tảng dinh dưỡng: định hướng, thúc đẩy xu hướng dinh dưỡng hiện đại, bổ sung thực phẩm có nguồn gốc thực vật bên cạnh các loại đạm và chất dinh dưỡng thông dụng khác, nhằm thực hiện hóa mục tiêu đa dạng hệ sinh thái các nguồn dinh dưỡng.

Nền tảng trao đổi: Cung cấp cho các bên liên quan một nền tảng trao đổi tương tác đa chiều về sản phẩm dịch vụ, kiến thức, sáng kiến… tiến tới trao đổi trực tiếp sản phẩm thông qua nền tảng giao dịch “thực phẩm” của TTC AgriS. Trong đó, TTC AgriS cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng và phân tích giá trị dinh dưỡng một cách thông minh và tối ưu nhất.

Nhiệm vụ sau cùng và xuyên suốt cho niên độ 2023-2024 được bà Ngọc cho biết đó là với mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2035, TTC AgriS khai mở chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững toàn cầu, mang lại lợi ích cho các bên liên quan, cùng ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT TTC AgriS cũng cho hay, năm 2023, xây dựng định vị là Nhà cung cấp giải pháp nông nghiệp toàn diện, TTC AgriS chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản trị từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp - định hướng thị trường, định hướng sản phẩm, thúc đẩy tư duy kinh tế nông nghiệp thay cho tư duy sản xuất thuần túy.

TTC AgriS đang là điểm đến của các định chế tài chính hàng đầu khu vực khi chỉ trong vòng 1 tháng giữa năm 2023 (từ ngày 16/6-20/7/2023), Công ty liên lục thu hút vốn ngoại, huy động vốn lên đến 140 triệu USD từ các định chế tài chính quốc tế lớn như IFC, SMBC và gần đây nhất là Ngân hàng FCB cùng Nhóm các định chế tài chính lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư