Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo (Thái Bình) đón Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Mạnh Tùng - Phương Liên - 21/10/2017 10:48
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội chùa Keo vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ đón được tổ chức vào Lễ hội chùa Keo mùa thu từ ngày 29/10 đến 3/11/2017 (tức ngày 10/9 đến 15/9 âm lịch).

Trước đó, tháng 9/2012, Chùa Keo đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, chùa ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được Không Lộ xây dựng từ năm 1067 tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng.

Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn, đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, sau dựng lên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng lên chùa Keo - Thái Bình. Việc dựng chùa mới được bắt đầu từ năm 1630, hoàn thành năm 1632, theo phong cách kiến trúc thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thế kỷ XVII, XVIII và năm 1941.

Chùa Keo Thái Bình.
Chùa Keo Thái Bình.

Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m². Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc".

Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông, một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê, cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau.

Tầng một có treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.

.
.

Ban tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội mùa thu chùa Keo năm nay diễn ra từ ngày 29/10 đến hết ngày 3/11/2017 ( tức ngày 10/9 đến 15/9 âm lịch). Ngày 29/10, từ 7h đến 11h sẽ diễn ra Lễ Khai chỉ tại tòa Giá Roi - một nghi lễ đặc biệt và linh thiêng.

Buổi tối cùng ngày là lễ khai mạc và đón bằng công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội chùa Keo cùng chương trình nghệ thuật sử thi “Diệu huyền chùa Keo Thái Bình” được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình và Truyền hình Quốc Hội.

Các ngày tiếp theo là hoạt động lễ Phật, lễ Thánh và rước kiệu Thánh ra Tam quan ngoại và vào Đền Thánh, vào nội tự chùa – một lễ rước độc đáo ở Chùa Keo.  

Bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi dân gian đặc sắc như kéo co, biểu diễn võ thuật, thi têm trầu cánh phượng, chọi gà, đập niêu, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô bắt vịt, thi hát văn,…

Năm nay Lễ hội chùa Keo có nét mới đó là Hội chợ thương mại du lịch chùa Keo được tổ chức tại doanh nghiệp Anh Quỳnh.

Để lễ hội diễn ra thành công, ban tổ chức lễ hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo huyện Vũ Thư đã tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như công tác tổ chức. Đến nay, cơ bản mọi việc đã hoàn tất, sẵn sàng đảm bảo cho lễ đón di sản và lễ hội an toàn, trang trọng, văn minh xứng với một Di tích quốc gia đặc biệt và một lễ hội Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đền Đồng Bằng (Thái Bình) đón Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Di tích lịch sử văn hóa Đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 1986 và tháng 8/2003, Tổng cục du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư