Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Địa phương muốn tăng phân cấp quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Khánh Linh - 30/10/2021 16:27
 
Tăng phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu địa phương đối với quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất là để giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Quốc hội Bắc Giang phát biểu trong Phiên thảo luận trực tuyến chiều 30/10

Địa phương muốn tăng phân cấp

“Đề nghị Quốc hội phân cấp cho cấp tỉnh quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất với đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt”, đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu.

Cơ sở của đề xuất này, theo đại biểu, là dựa trên cả mong muốn của các địa phương và logic. Vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đều đã được Chính phủ phê duyệt, khi chuyển đổi lại phải xin Thủ tướng Chính phủ là không phù hợp, chưa kể phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí.

“Thời gian vừa qua, do quy định phải xin ý kiến của Chính phủ, nên để làm nhanh, nhiều địa phương chia nhỏ dự án, để đảm bảo dưới 10 ha đất lúa, dẫn tới tình trạng khu đô thị, khu dân cư, dự án manh mún, thiếu kết nối hạ tầng. Tôi tin chắc, nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp này, việ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ này sẽ tốc độ hon, hiệu quả hơn, kéo theo đầu tư công, huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng”, đại biểu Thịnh phân tích.

Ông Thịnh cũng cho rằng, đây cũng là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, ghi dấu ấn của Quốc hội, Chính phủ.

Cùng với đề xuất này, đại biểu Thịnh cũng đề nghị cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế giám sát để đảm bảo hiệu quả của cơ chế phân cấp.

Cũng để đảm bảo việc thực thi hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị khống chế thời gian Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố trước 31/12/2021, để làm cơ sở cho các địa phương có cơ sở phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

“Sau khi Quốc hội phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia, Chính phủ phải hoàn tất nhiệm vụ trên, nếu không địa phương không có căn cứ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Thịnh làm rõ.

.
Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Lấn cấn tăng đất khu công nghiệp

Việc tăng diện tích đất cho khu công nghiệp theo đề xuất của Chính phủ cho gia đoạn 2021-2030, lên tới trên 210.000 ha, tăng 120.000 ha so với năm 2020) khiến nhiều đại biểu lo ngại về tính khả thi và hiệu quả. Vì giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (thực hiện trên 90.000 ha trong số 191.420 ha, mới đạt hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48.400 ha), khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp.

Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa cho rằng, nên tăng diện tích đất cho khu kinh tế, cả khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu, còn đất cho khu công nghiệp cần được tính toán lại. Lý do là diện tích đất tại khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu là gần tương đương nhau, nhưng tỷ lệ lấp đầy tại khu kinh tế ven biển tương đối cao, cần tiếp tục mở rộng thêm, trong khi tỷ lệ lấp đầy tại khu kinh tế cửa khẩu rất thấp.

“Việc không thực hiện hết ở giai đoạn 2011-2020 cho thấy quy hoạch kế hoạch chưa đi vào thực tiễn, nên cần đánh giá tính khả thi, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển của đất nước”, đại biểu Hải băn khoăn.

Trong tờ trình của Chính phủ, tỷ lệ này dựa trên mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp chiếm 40% GDP, nên cần tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% trong đó có đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải.

Trong cuộc thảo luận tại tổ trước đó, các đại biểu cũng đặt vấn đề là đối với các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp thì không được mở mới các khu công nghiệp, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng phần chưa lấp đầy thế nào để đáp ứng nhu cầu, cần có đánh giá, tổng kết đối với chính sách này.

Ví dụ, đất khu công nghiệp tuy có xu hướng tăng nhiều, nhưng nhu cầu thuê còn rất lớn, như tại TP.HCM giá thuê đất khu công nghiệp rất cao, nhưng nguồn cung không đủ, do đó cần tiếp tục mở rộng thêm. Tuy nhiên, có vùng mở đất khu công nghiệp không hiệu quả.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, đối với quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp cần bảo đảm tính liên kết vùng, không nên quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp theo từng tỉnh.

Cho dù về mặt nguyên tắc, nên sử dụng đất nông nghiệp không hiệu quả để xây dựng khu công nghiệp, tuy nhiên, trong quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp còn cần cân nhắc các yếu tố khác như hạ tầng nước sạch, giao thông, vị trí gần cảng biển…Nếu làm khu công nghiệp không bảo đảm những yếu tố này thì sức cạnh tranh thấp, không thể phát huy được. Đi kèm khu công nghiệp, còn cần tính đến diện tích cả khu đô thị để bố trí chỗ ở cho các lao động, chuyên gia...

10 năm tới, đất dành cho khu công nghiệp tăng 120.000 ha
Diện tích đất khu công nghiệp dự kiến đến năm 2030 là 210.930 ha , tăng 120.100 ha so với năm 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư