Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Dịch bệnh COVID-19 tác động đến xã hội thế nào?
Nguyễn Lê - 23/03/2020 15:41
 
Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định sơ bộ về tác động của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực xã hội.

Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 63,26%...

Đó là thông tin được Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo một số ý kiến nhận định sơ bộ về tác động của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực xã hội, vừa được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43, khai mạc sáng 23/3.

Khái quát các tác động chung, Ủy ban đánh giá, trong ngắn hạn doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… sẽ bị tác động mạnh.

Dẫn báo cáo sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nêu con số có 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019); 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khi dịch có diễn biến phức tạp trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh (tập trung vào các lĩnh vực dệt may; dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải; dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; xuất khẩu hàng nông, thủy sản).

Trong trung hạn và dài hạn, báo cáo nêu rõ, các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi và đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh COVID-19. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Cần chi 9.000 tỷ đồng  

Riêng đối với lĩnh vực y tế, Ủy ban phản ánh, một số cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo vi rút SARS-Cov2. Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn.

Khó khăn nữa là trong danh mục dự trữ quốc gia mới chỉ có thuốc phòng, chống dịch bệnh, mà chưa có một số trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc dịch bệnh nên nếu dịch lan rộng, số người mắc nhiều sẽ ảnh hướng lớn đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và có nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ cán bộ y tế. Trên thực tế, ngành y tế trong thời gian chống dịch vừa qua đã xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang y tế.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc đặt mua các thiết bị y tế như máy thở, máy xét nghiệm, máy X-quang, Kit test xét nghiệm COVID-19… do nguồn cung khan hiếm và giá bị đẩy lên cao.

Tác động tiếp theo được nêu là số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội như Bạch Mai, Thanh Nhàn, Việt Nam-Cu Ba… số lượng bệnh nhân đến khám giảm 30%-50%.

Việc này, theo Ủy ban, một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến khoảng 240 bệnh viện tự bảo đảm chi tiền lương từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài có thể tác động đến kinh phí hoạt động của các cơ sở y tế thực hiện tự chủ về tài chính.

Trong trường hợp khi số ca mắc COVID-19 tăng cao sẽ có ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế do chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 khá lớn.

Cụ thể, Ủy ban cho biết, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động cân đối ngân sách địa phương chi cho phòng, chống dịch để hạn chế phụ thuộc vào nguồn trợ cấp từ ngân sách trung ương. Theo báo cáo của Bộ Y tế tổng hợp từ 50 tỉnh, thành phố, kinh phí ước tính chi cho phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng; các bộ, cơ quan trung ương khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.

47.100 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp

Về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban cho biết, trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 47.100 người, tăng 63,26% so với tháng 1/2020 (khoảng 29.800 người).

Liên quan đến tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có trên 500.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài làm việc tại tại 36/188 quốc gia, vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm bệnh. Tại 3 thị trường lao động chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chưa có người lao động Việt Nam nhiễm bệnh. Trong quý I/2020 chỉ có 1.297 lao động về nước .

Nhìn chung, lao động Việt Nam tại nước ngoài vẫn tham gia làm việc bình thường, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn y tế tại nước làm việc và qua khảo sát chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này. 

Ngoài đánh giá tác động, Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hình thức ghi nhận, biểu dương kịp thời, phù hợp những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế - tuyến đầu của chống dịch, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể… và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.

Kiến nghị tiếp theo là quan tâm việc phân bổ, điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế nhằm đáp ứng trong cả trung hạn và dài hạn để tăng cường năng lực bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng. 

Xúc động, bất ngờ với bài thơ về niềm tin mùa Covid-19 của Chủ tịch DOJI
Chịu khó khăn chung khi “bão” Covid-19 ập tới, song nhiều doanh nhân Việt không bi quan, không kêu ca mà vẫn thể hiện sự chia sẻ với cộng đồng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư