Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, kêu gọi người dân tự khai báo
Thùy Giang - 02/02/2021 13:37
 
Theo Bộ Y tế, ở những nơi có bệnh nhân F0 ở Hà Nội cần lấy mẫu 100% hộ gia đình trong diện hẹp, ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, F2.
Dich COVID-19 dien bien rat phuc tap, keu goi nguoi dan tu khai bao hinh anh 1Bộ Y tế xác định các địa phương có dịch cần tiến hành truy vết thần tốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đợt dịch COVID-19 lần thứ ba có tốc độ lây lan rất nhanh. Bộ Y tế xác định các địa phương có dịch cần tiến hành truy vết thần tốc F1, nhanh chóng bao vây, dập dịch, lấy lại địa bàn an toàn.

“Coi các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh”

Hà Nội là đô thị lớn và là một trong 3 địa phương dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

Dịch bệnh ở Hà Nội xuất hiện nhanh, trong vòng 5 ngày tính từ ngày 27/1 đến nay đã ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh và chu kỳ lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4. Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã hoàn thành một số lượng lớn các mẫu xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ như F1, F2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội tăng cường công tác truyền thông các hướng dẫn phòng chống dịch cho người dân, kêu gọi người dân về từ vùng dịch tự khai báo y tế, triển khai tổ cộng đồng “đi từng ngõ gõ từng nhà.”

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội lưu ý ở những nơi có bệnh nhân F0 cần lấy mẫu 100% hộ gia đình trong diện hẹp, bàn giao đối tượng cho y tế địa phương, ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, F2.

Hà Nội cần thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, bằng nội lực của mình trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất tại chỗ thực hiện tốt công tác chống dịch bệnh.

Về đợt dịch lần này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế rất quan ngại về tình hình dịch của Hà Nội. Nguyên nhân là do đợt dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn.

Ông Long cho rằng Hà Nội cần chống dịch quyết liệt hơn. Những nguy cơ này đòi hỏi phải hành động nhanh hơn, nếu không thì tốc độ lây nhiễm của virus sẽ rất nhanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: “Hà Nội vừa thực hiện truy vết, vừa phải khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn… Chúng ta phải chặn nguồn lây. Nếu không, tốc độ lây nhiễm sẽ gia tăng.”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng lần này phải coi các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh. Từ đó truy ra F2 và coi F2 gần như F1.

Dich COVID-19 dien bien rat phuc tap, keu goi nguoi dan tu khai bao hinh anh 2Khu làm xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

“Chúng tôi đồng ý cách ly F2 ở nhà, nhưng phải thực nghiêm ngặt và có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Vì vậy, Hà Nội phải ra khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các tỉnh... Đặc biệt, trong công tác truy vết phải làm nhanh, tránh bỏ lọt được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Quảng Ninh truy vết thần tốc đến F4

Đến nay, theo báo cáo, toàn tỉnh Quảng Ninh đã truy vết được gần 55.679 trường hợp từ F1-F4, trong đó F1 có 1.374 trường hợp; lấy mẫu xét nghiệm được 17.172 mẫu, kết quả 30 ca dương tính, 13.770 ca âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh dừng tiếp nhận người bệnh và giải phóng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa Hạ Long, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh nhằm mở rộng Bệnh viện số 2; thiết lập Bệnh viện số 3 tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long với 250 giường bệnh, đảm bảo công tác thu dung, điều trị, cách ly, điều trị người bệnh COVID-19 và các đối tượng F1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi nhân dân từ vùng dịch về khai báo y tế.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã điều động, tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương thiết lập vùng phong tỏa cách ly y tế; hỗ trợ điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn môi trường để sớm khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh...

Các chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh với các biện pháp quyết liệt mau lẹ, chuẩn xác trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó bước đầu chặn được đà lây lan ghê gớm của dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định ngay từ khi xuất hiện dịch, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã ngay lập tức vào cuộc một cách quyết liệt nhất và đến nay, cơ bản đã khống chế được dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Với diễn biến của dịch vẫn đang rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn rất lớn, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nhanh chóng thiết lập cơ chế khai báo y tế toàn dân để xác định nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; phải xác định củng cố lực lượng phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn cho những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.

Mục tiêu đặt ra là Quảng Ninh nhanh chóng, chủ động dập tắt triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng; giảm thiểu số ca mắc mới; giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn và đặc biệt phấn đấu không có ca tử vong.

An Phát Holdings hỗ trợ 1,35 tỷ đồng cho Hải Dương chống dịch Covid-19
Tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 1,35 tỷ đồng cho hơn 5.500 người dân tại 4 khu cách ly, gồm: TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và huyện Kim...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư