Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dịch sởi: Nguyên nhân và lưu ý phòng, chống
Tầm Như - 16/02/2014 18:47
 
 Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi hiện đã xuất hiện ở 24 tỉnh, thành. Một số trường hợp đã tử vong. Nguyên nhân dịch sởi một phần là do thời tiết giá lạnh vừa qua. Dưới đây là những lưu ý phòng chống dịch sởi, điều trị bệnh sởi. Có nên ngâm quất cảnh làm thuốc trị ho?

Nguyên nhân dịch sởi

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi hiện đã xuất hiện ở 24 tỉnh, thành. Đặc biệt, có 3 trường hợp tử vong (một ca ở Hà Nội và hai ca ở Yên Bái).

Theo bác sĩ Nam, nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng một phần do trời lạnh. Thời tiết lạnh là môi trường hoạt động lý tưởng của siêu vi. Ngoài ra, có thể một số bệnh nhi sởi chưa được chích ngừa hoặc chích ngừa chưa đủ liều do tâm lý sợ tai biến vắc xin của phụ huynh thời gian qua.

Bác sĩ Nam khuyên phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, rửa tay sạch sẽ để tránh bị lây bệnh. Khi bị bệnh, nếu không nặng nên điều trị ở nhà, chưa cần nhập viện để tránh bị lây chéo.

Bệnh sởi có các triệu chứng: Sốt từ 38 – 39 độ C, Chảy nước mắt, đỏ mắt; chảy nước mũi; ho khò khè; phát ban đỏ. Bệnh sẽ bớt khi trẻ đỡ sốt, các ban đỏ chuyển qua sậm màu.

Dù vậy, khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường như sốt cao không hạ, ho, khó thở, tiêu chảy thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng Khoa nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, lần đầu tiên trong 3 năm qua số bệnh nhân sởi tại TPHCM tăng cao đột biến.

Hiện tại, Khoa nội A của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có tới 25 ca sởi nặng phải điều trị nội trú, cao gấp 3 lần ngày thường. Khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận thêm từ 5 – 7 ca bệnh sởi mới nhập viện.

Độ tuổi bệnh nhân sởi tại đây nhỏ nhất từ 6 tháng, lớn nhất là ngoài 30 tuổi.

Sau 3 năm, dịch sởi bùng phát trở lại

Năm 2010, bệnh sởi im ắng nhờ chiến dịch tiêm phòng vắc xin rất quyết liệt của ngành y tế. Tuy nhiên, sau 3 năm, ngay đầu năm mới, sởi đã bùng phát trở lại.

Giải thích nguyên nhân tại sao hầu hết mọi người đã được chích ngừa bệnh sởi mà vẫn bị bệnh (đây là một bệnh được chích ngừa trong chương trình tiêm chủng quốc gia), bác sĩ Vinh cho rằng có thể do việc bảo quản vắc xin không tốt, làm giảm hiệu lực phòng bệnh. Ngoài ra có thể do cơ địa của một số người không đáp ứng với vắc xin chích ngừa.

Dịch sởi bùng phát một phần do thời tiết lạnh. Cần lưu ý cách điều trị bệnh sởi
Dịch sởi bùng phát một phần do thời tiết lạnh (Ảnh: TTXVN)

Còn tại phòng khám của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, rất đông trẻ được phụ huynh đưa đến khám. Trong đó, đa phần là trẻ bị sốt phát ban.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, hiện tại khoa có 24 bé đang nằm viện điều trị sởi, chiếm 1/4 trên tổng số ca bệnh nhiễm, trong đó có 5 trường hợp sởi nặng bị biến chứng sang phổi.

Lượng bệnh nhi bị sởi như vậy là rất đông so với mọi năm. Thông thường khoa này chỉ có rải rác 2-3 ca sởi phải nhập viện điều trị.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, lượng trẻ nhập viện điều trị sởi cũng đang rất cao so cùng kỳ những năm trước.

Dịch sởi có thể điều trị tại nhà

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện tại khoa này có hơn 30 trẻ đang nằm viện điều trị sởi. Bình thường, số trường hợp trẻ phải nhập viện để điều trị bệnh này chỉ vài ba ca.

Các bác sĩ nhận định, sởi là bệnh có thể điều trị tại nhà. Vì thế, đa phần chỉ những ca nặng, có nguy cơ biến chứng cao, chuyển biến bệnh phức tạp mới chỉ định nằm viện.

Do đó, số lượng trẻ đang nằm viện điều trị sởi chỉ là một phần nhỏ trong tổng số lượng trẻ mắc bệnh trên thực tế.

Trước đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi.

Cục Y tế dự phòng nhận định, dịch bệnh sởi đang có nguy cơ lan rộng và diễn biến phức tạp, do thời tiết Đông Xuân lạnh ẩm thuận lợi cho bệnh phát triển. Bên cạnh đó, việc người dân gia tăng giao lưu đi lại thời gian Tết Giáp Ngọ vừa qua cũng gây nguy cơ lây lan dịch.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi.

Qua xét nghiệm, nhiều trường hợp dương tính với sởi. Hà Nội có 30 trường hợp, TP HCM 138 trường hợp, tỉnh Yên Bái 253 trường hợp (1 trường hợp tử vong), tỉnh Lào Cai có 120 trường hợp và tỉnh Sơn La có 80 trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch.

Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng yêu cầu giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát diễn biến của dịch sởi; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các gia đình có bệnh nhân sởi cần lưu ý, tìm hiểu kỹ những lưu ý về phòng, chống dịch sởi và điều trị bệnh sởi để chủ động, làm chặt chẽ, không hoang mang.

(Tổng hợp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư