Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dịch sởi vẫn đang tăng tại nhiều địa phương
D.Ngân - 25/10/2024 13:49
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần từ 14 đến 20/10 (tuần 42), Thành phố ghi nhận 131 ca sởi, tăng 23,3% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 42 là 1.192 ca. Các địa phương có số ca mắc cao bao gồm: Huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức.

Dịch sởi đang có tăng tại một số địa phương.

Hiện phần lớn các quận, huyện tại TP.HCM đã tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho 100% số trẻ trong danh sách quản lý; còn 2 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ 95% là quận 3 (khoảng 85%) và huyện Cần Giờ (hơn 94%).

Nguyên nhân số ca nhiễm bệnh sởi vẫn tăng có thể do vẫn còn trẻ tạm trú, biến động dân cư mới... chưa được thống kê hết. Ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh chủ động đưa con em đến trạm y tế gần nhất để được tiêm vắc-xin.

Thời gian gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 29 trường hợp mắc sởi, trong khi năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Dự báo từ giờ đến cuối năm, đầu sang năm, trên địa bàn có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc sởi. Điều kiện thời tiết hay những trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ là điều kiện gây gia tăng ca mắc sởi.

Bên cạnh đó, dịch sởi cũng đang có diễn biến phức tạp tại các địa phương như: Đắk Lắk, Cần Thơ, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

Đơn cử, theo báo cáo của ngành Y tế Thanh Hóa, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng mạnh từ trung tuần tháng 9 đến nay. Chỉ tính riêng trong tuần đầu của tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở nhiều nơi.

Các trường hợp mắc sởi chủ yếu từ 1-5 tuổi và dưới 9 tháng tuổi. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc là các trẻ chưa được tiêm vắc-xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vắc-xin chứa thành phần sởi.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai), trong tuần 42, toàn tỉnh ghi nhận 141 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị, tăng gần 50% so với tuần trước đó. Số ca mắc tăng ở thành phố Biên Hòa, các huyện Long Thành, Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca bệnh sởi trên toàn tỉnh là 628 ca, tăng 625 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, có nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi (9 tháng tuổi) cũng đã nhiễm bệnh sởi, nhiều khả năng do mẹ không có kháng thể kháng sởi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, tỉnh Đồng Nai đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella từ ngày 27-9.

Mục tiêu nhằm tiêm vắc-xin sởi cho hơn 81.400 trẻ từ 1-10 tuổi trong toàn tỉnh (không phân biệt thường trú, tạm trú) và hơn 2.000 nhân viên y tế có nguy cơ cao. Đến ngày 22-10, đã có khoảng 90% số trẻ trong độ tuổi đã được tiêm vắc-xin sởi.

9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 85 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, chủ yếu tập trung ở TP.Vũng Tàu và huyện Châu Đức).

Theo kế hoạch, ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi (bao gồm cả trẻ vãng lai) đang sinh sống, học tập trên địa bàn TP.Vũng Tàu và huyện Châu Đức chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin có thành phần sởi.

Số lượng trẻ dự kiến được tiêm vắc-xin sởi -rubella cho 2 địa phương nói trên là 1.546 trẻ, trong đó TP.Vũng Tàu có 1.095 em, số còn lại của huyện Châu Đức.

Thời gian triển khai chiến dịch này diễn ra từ ngày 25 đến 27/10/2024 tại 17 trạm y tế thuộc TP.Vũng Tàu và 14 trạm y tế thuộc huyện Châu Đức (trừ xã Bình Trung và Xà Bang).

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.

Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tin mới y tế ngày 12/10: Ngăn dịch sởi lây lan
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm/lần, tương tự như các năm 2014, 2019 khi số ca bệnh tăng đáng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư