Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Điểm danh nhiều dự án giao thông chậm tiến độ
An Nguyên - 16/09/2020 16:25
 
Thẩm tra việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực giao thông, cơ quan của Quốc hội chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển hạ tầng.
.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ 48, chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Thẩm tra việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực giao thông, cơ quan của Quốc hội chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển hạ tầng.

Đó là, chưa trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc – Nam như theo tiến độ yêu cầu. Việc giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Nhiều công trình trọng điểm giao thông chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra nêu rõ, trong 48 công trình trọng điểm giao thông vận tải mới vào khai thác, sử dụng 24 công trình. Hiện nay, còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó đang triển khai thi công 12 dự án và đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai 12 dự án.

Các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư được điểm danh tại báo cáo thẩm tra bao gồm: dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; 5 dự án đường sắt đô thị (Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi).

Công tác triển khai một số dự án mới vẫn còn chậm (Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP...), báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Hạn chế tiếp theo được nêu là việc quyết toán các công trình sau hoàn thành vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể là việc lập, trình báo cáo quyết toán của một số dự án chưa đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, bổ sung rất nhiều lần, thời gian bổ sung hồ sơ lâu…

Trong công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán, các chủ đầu tư chưa quan tâm giải quyết dứt điểm việc phê duyệt quyết toán theo các hạng mục độc lập hoàn thành dẫn đến việc quyết toán hoàn thành toàn bộ dự án của một số dự án kéo dài. Đối với các dự án BOT, cơ chế pháp lý chưa đầy đủ, thay đổi nhiều, dẫn đến còn một số nội dung chưa đủ điều kiện chấp thuận quyết toán.

Ủy ban thẩm tra nhấn mạnh, trong công tác phê duyệt quyết toán hạng mục giải phóng mặt bằng, các địa phương phê duyệt còn rất chậm (còn 20/68 dự án BOT chưa phê duyệt quyết toán giải phóng mặt bằng xong, gồm 22 địa phương, trong đó 24 tiểu dự án giải phóng mặt bằng chưa duyệt, 12 Tiểu dự án giải phóng mặt bằng chưa duyệt xong).

Một hạn chế nhiều lần được nhắc tới tại nghị trường cũng được Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu là công tác triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT chậm 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo của Chính phủ cho biết đến nay vẫn còn 4/19 trạm thu phí có bất cập, vướng mắc về vị trí đặt trạm chưa được xử lý, khắc phục, có thể phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn giao thông khi triển khai thu phí. Tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng còn chậm, Chính phủ thừa nhận.

Chính phủ thúc tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án giao thông trọng điểm
Các địa phương được yêu cầu khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam và một số dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư