Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Điểm nhấn CPI năm 2014
Minh Nhung - 28/12/2014 09:07
 
() Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 giảm 0,24%, cả năm tăng 1,84%, có thể rút ra 8 điểm nhấn đáng chú ý về diễn biến CPI trên cả nước trong năm 2014.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lạm phát 2014 chỉ 1,84%, thấp nhất 15 năm qua
Sẽ cập nhật quyền số tính lạm phát
Hai mặt của lạm phát thấp
Cơ hội nhìn từ lạm phát thấp
Kinh tế tiếp tục ấm dần

Thứ nhất, CPI năm 2014 tăng thấp nhất tính từ năm 2002, thấp xa so với CPI bình quân giai đoạn 2004 - 2013 (10,53%/năm).

Tuy CPI 2014 tăng thấp song cũng chưa thể chủ quan trong công tác điều hành

Thứ hai, CPI năm 2014 thấp xa so với kế hoạch (7%). Việc vượt kế hoạch về CPI thường rất khó khăn, không phải năm nào cũng đạt được, thậm chí hàng chục năm mới có một vài năm, bởi giá cả là tổng hòa của nhiều mối quan hệ, giữa nhận thức và dự báo của con người thường có khoảng cách so với quy luật khách quan.

Thứ ba, so với năm trước và so với kế hoạch năm nay, CPI tăng thấp hơn, trong khi tốc độ tăng GDP cao hơn, cán cân thương mại, cán cân thanh toán tiếp tục có số dư cao hơn... là kết quả “kép” tương đối toàn diện, không phải năm nào cũng đạt được, bởi lạm phát và tăng trưởng thường là cặp chỉ tiêu hiếm có sự đồng hành cùng một chiều, thậm chí còn dễ bị rơi vào vòng luẩn quẩn “tăng trưởng - lạm phát - thắt chặt - suy giảm - nới lỏng - tăng trưởng - lạm phát...” như đã xảy ra.      Xem tiếp trang 3

Thứ tư, CPI năm 2014 tăng thấp năm thứ 3 và theo dự kiến kế hoạch năm 2015, thì nhiều khả năng sẽ liên tục tăng thấp trong 4 năm. Đây là trạng thái có thể được coi là thoát khỏi chu kỳ lặp đi lặp lại “cứ một năm thấp, thì 2 năm cao” của thời kỳ 2004-2011.

Thứ năm, CPI tăng thấp đang là niềm vui của hầu hết các chủ thể trên thị trường, nhất là đối tượng có thu nhập thấp. CPI tăng thấp còn là điều kiện quan trọng để ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, làm tiền đề giảm lãi suất cho vay- một trong những yếu tố tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn, tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho của người sản xuất kinh doanh… Cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cũng có thể yên tâm hơn với việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung nhiều hơn vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện các mục tiêu cơ bản như ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế...

Thứ sáu, CPI năm 2014 và theo dự kiến kế hoạch năm 2015 thấp hơn nhiều tốc độ tăng tương ứng của GDP. Đây là điều hiếm thấy mà không phải năm nào trong hơn 10 năm qua cũng có thể đạt được và khi đạt được, thì thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của người tiêu dùng do tăng trưởng mang lại mới có được ý nghĩa thiết thực hơn.

Thứ bảy, khi CPI tăng thấp thì rất dễ xem xét các yếu tố tích cực và tiêu cực tác động tới nền kinh tế. Rõ nhất là quan hệ cung - cầu đã đảo chiều, từ cầu lớn hơn cung trong thời kỳ trước năm 2011 sang cầu nhỏ hơn cung từ năm 2012 đến nay. Do vậy, áp lực của yếu tố cầu kéo giảm xuống. Giá nhập khẩu tính bằng USD giảm, tỷ giá VND/USD tăng thấp (tăng 0,6%), nên giá nhập khẩu tính bằng VND giảm, đặc biệt là giá xăng, dầu đã giảm 13 lần trong năm; lãi suất vay ngân hàng giảm..., áp lực của yếu tố chi phí đẩy không lớn.

Thứ tám, “kết quả kép” của năm 2014, cũng cho thấy một điểm nhấn quan trọng nữa về tín hiệu khả quan của kế hoạch năm 2015, đặc biệt là mục tiêu kép: vừa tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiềm chế lạm phát ở mức thấp, vừa tăng trưởng cao hơn...

CPI 2014 tăng thấp song cũng chưa thể chủ quan trong công tác điều hành, vì theo dự kiến năm 2015, khó khăn về kinh tế vẫn còn nhiều, rõ nhất là nhập siêu lớn, nợ công có chiều hướng tăng và phần trả nợ nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn so với tổng thu, so với kim ngạch xuất khẩu...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư