Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điểm tên những doanh nghiệp mất lãi vì tỷ giá
 
Tỷ giá USD so với các đồng tiền khác tăng mạnh trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu lợi nhuận quý III/2015 của nhiều doanh nghiệp. Bởi lẽ, không ít doanh nghiệp đang có các khoản vay bằng ngoại tệ “khủng”.
Những doanh nghiệp đang có khoản vay ngoại tệ lớn là PPC, BT2, BTP, PVD, PVT, VOS, VNA, HT1, BCC…
Những doanh nghiệp đang có khoản vay ngoại tệ lớn là PPC, BT2, BTP, PVD, PVT, VOS, VNA, HT1, BCC…

Nếu như cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến nhờ khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đánh giá trên các khoản vay gốc ngoại tệ, thì quý III năm nay, tình hình đang thay đổi theo hướng ngược lại.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, trong quý III/2015, lợi nhuận của Công ty đạt thấp hơn so với hai quý đầu năm, trong đó tỷ giá đồng Yên (JPY) tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Sơn chia sẻ, ước tính trong quý III/2015, PPC chịu lỗ tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng, nên mức lợi nhuận trong kỳ nếu có cũng không đáng kể. Về sản lượng, PPC ước đạt khoảng 1,4 tỷ Kwh trong quý III, nâng mức sản lượng 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 4,6 tỷ Kwh. Hiện PPC đang có khoản nợ hơn 25 tỷ JPY và ước tính, lợi nhuận của Công ty có thể biến động tăng/giảm hơn 500 tỷ đồng mỗi năm nếu đồng JPY biến động trong khoảng cộng trừ 10%.

Một số doanh nghiệp ngành điện có các khoản vay bằng ngoại tệ lớn cũng bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Chẳng hạn, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), hiện doanh nghiệp này đang phải gánh chịu sự biến động của hai ngoại tệ USD và EUR, khi có khoản nợ lên đến 134,8 triệu USD và 123,2 triệu Euro. Theo quy định của Bộ Tài chính, các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá được ghi nhận sau từng quý. Do đó, con số lỗ tỷ giá chênh lệch ngoại tệ sẽ được hạch toán ngay trong quý III/2015.

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cũng là doanh nghiệp có nguồn vay bằng ngoại tệ lớn, nhưng chủ yếu bằng đồng won (KRW). Như các ngoại tệ nêu trên, tỷ giá KRW/VND có biến động tăng trong thời gian qua, điều này sẽ tác động đến lợi nhuận quý III/2015 của BTP. Được biết, khoản nợ vay của BTP là 683,2 tỷ đồng, trong đó các khoản vay gốc ngoại tệ đến từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trị giá 33,7 tỷ KRW, tương đương 617 tỷ đồng và khoản vay từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam trị giá hơn 3 triệu USD (66,2 tỷ đồng).

Không ít doanh nghiệp khác có khoản vay bằng ngoại tệ, nhưng do có nguồn thu ngoại tệ bù đắp nên ảnh hưởng đến lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND tăng là không nhiều. Nằm trong số này có Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT)...

Hiện PVD đang có khoản nợ khoảng 610 triệu USD, tương đương với khoản lỗ do chênh lệch do tỷ giá tăng từ các khoản nợ khoảng trên 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVD giao dịch hoàn toàn bằng USD nên Công ty được lợi từ các khoản thu nhập bằng USD. PVD cho biết, trong quý III/2015, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 567 tỷ đồng, nâng mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm lên 1.579 tỷ đồng.

Đối với PVT, nhằm hạn chế rủi ro từ biến động tỷ giá, Công ty đang nỗ lực giảm các khoản vay bằng ngoại tệ. Đại diện PVT cho hay, hiện tại, Công ty đã giảm được đáng kể khoản vay bằng ngoại tệ, từ 250 triệu USD năm 2011 xuống còn 120 triệu USD. Công ty đặt kế hoạch mỗi năm trả 23 - 24 triệu USD. Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển được PVT ký kết trong nhiều hợp đồng được quy định bằng đồng USD, nên Công ty có nguồn thu ngoại tệ để thanh toán nợ.

Các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển cũng có khoản vay lớn bằng đồng USD. Thống kê sơ bộ cho thấy, các công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức 0,87 lần, có công ty lên đến 3,7 lần. Các công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) cao có thể kể đến CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), D/E là 2,2 lần, trong đó tại thời điểm 31/12/2014 có gần 167 triệu USD vay nợ; CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) có D/E là 3,7 lần, trong đó khoản vay ngoại tệ tại ngày 31/12/2014 là gần 27 triệu USD…

Các doanh nghiệp xi măng cũng đang gặp bất lợi khi “gánh” các khoản vay lớn bằng đồng EUR để phục vụ đầu tư dây chuyền sản xuất châu Âu. Trong đó, phải kể đến CTCP Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) khi Công ty đang có khoản nợ khoảng 70 triệu Euro, hay CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đang có khoản nợ vay dài hạn 56 triệu Euro…

Có thể thấy, rủi ro tỷ giá đang tác động đến lợi nhuận quý III/2015 đối với nhóm doanh nghiệp có nợ vay gốc ngoại tệ. Theo một số dự báo, biến động tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn theo chiều hướng không có lợi đối với nhóm doanh nghiệp này.

Trong các ngày 12/8 và 19/8, Ngân hàng Nhà nước 2 lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mỗi lần thêm 1%, lên 21.890 VND/USD; đồng thời nới biên độ giao dịch USD/VND từ +/-1% lên +/-2% và lên +/-3%. Với biên độ mới, mức giá trần là 22.547 VND/USD và mức giá sàn là 21.233 VND/USD. Hiện tại, tỷ giá là 22.450 - 22.510 đồng/USD (mua-bán), tăng hơn 5% so với đầu năm.
Cơ chế tỷ giá nào cho Việt Nam?
Với tình hình kinh tế hiện nay, cùng với các cam kết hội nhập, Việt Nam nên tính đến việc xây dựng kế hoạch chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư