Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
“Điểm tựa” khám chữa bệnh từ xa
Dương Ngân - 22/08/2021 07:30
 
Khám chữa bệnh từ xa đang là điểm tựa để tránh đứt gãy quá trình khám chữa bệnh trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Trung tâm điều hành khám bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: BV
Ảnh minh họa

Cứu cánh cấp tốc

Khi thấy con xuất hiện một vết loét trên lợi, chị Đặng Thị Thu Hồng (Dương Nội, Hà Đông) rất lo lắng, muốn đưa con đi khám để điều trị kịp thời. Tuy vậy, do tình hình Covid-19 phức tạp, chị đã chọn cho con khám online.

Sau một hồi tìm kiếm, chị Hồng gọi điện thoại video (video call) qua ứng dụng MedOn và nhận được sự trợ giúp từ bác sĩ Ngô Thị Thu Hà, chuyên khoa răng - hàm - mặt (Bệnh viện Đa khoa Medlatec). Bác sĩ thăm khám qua hình ảnh và kê một loại thuốc bôi, hướng dẫn con cách đánh răng nhẹ nhàng, súc miệng bằng nước muối kèm theo lời dặn, sau 3 ngày, nếu vết loét không giảm, thì gọi lại cho bác sĩ để kiểm tra.

Phát biểu tại lễ công bố Kết nối nền tảng Telehealth tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện và ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc đưa nền tảng Telehealth vào hoạt động có vai trò lớn, giúp tuyến dưới có thêm kiến thức, đội ngũ y bác sĩ cùng người bệnh tự tin hơn trong điều trị và quan trọng nhất là kịp thời tận dụng “giờ vàng” cứu chữa người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, từ đó, giảm tối đa các ca tử vong. Về lâu dài, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ sớm, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân”.

Chị Hồng thở phào nhẹ nhõm, vì con được bác sĩ tư vấn tận tình và được điều trị kịp thời, không phải đối diện với nỗi lo lây nhiễm Covid-19 khi tới các cơ sở y tế.

Được biết, dịch vụ khám bệnh video call qua ứng dụng MedOn đã được Bệnh viện Đa khoa Medlatec áp dụng một thời gian và đem lại những hiệu quả tích cực. Bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe từ xa với khung giờ linh hoạt theo dạng hỏi - đáp hoặc video call trực tuyến. Các chuyên gia của Bệnh viện sẽ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu; tư vấn dựa trên kết quả xét nghiệm của khách hàng;  đưa ra lời khuyên bất cứ lúc nào khách hàng có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, dịch vụ khám chữa bệnh qua video đang được nhiều cơ sở ứng dụng. Từ 9h sáng ngày 12/8, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức tổ chức tư vấn, khám bệnh qua điện thoại, video call cho bệnh nhân mắc các bệnh lý không liên quan đến Covid-19.

Theo TS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên người bệnh ở các tỉnh khó có thể đến bệnh viện khám bệnh. Các bệnh nhân có bệnh mãn tính, phải tạm thời khám chữa bệnh tại địa phương hoặc sử dụng đơn thuốc mới sẽ gặp nhiều khó khăn.  Vì vậy, Bệnh viện cung cấp 30 số điện thoại di động đại diện cho 30 chuyên khoa hoạt động thường trực 24/24 giờ để tư vấn, khám bệnh miễn phí qua điện thoại, video call cho bệnh nhân.

Hoạt động này giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, người nhà bệnh nhân có thể chăm sóc sức khỏe cho người thân theo từng bệnh lý đặc thù, tránh đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong những tình huống không cần thiết, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhưng cũng không để bệnh nhân trở nặng mới đưa đến bệnh viện, làm lỡ thời gian vàng điều trị.

Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế cũng triển khai mô hình tư vấn - khám chữa bệnh miễn phí qua video call. Bệnh nhân chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, truy cập website, fanpage của Bệnh viện (bvydhue.com.vn) và chọn chuyên khoa cần khám là có thể giao tiếp với 12 bác sĩ của 12 phòng khám về ngoại tiêu hóa, tim mạch, ngoại thần kinh, ung bướu, da liễu, phụ sản, nhi khoa, ngoại chấn thương, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt…

Xu thế tất yếu

Ngoài video call trên các ứng dụng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc khám bệnh từ xa qua Zalo, Viber cũng khá phổ biến. Thông qua cuộc gọi, bác sĩ sẽ nhìn hình ảnh, trao đổi, tư vấn cho bệnh nhân về việc cần khám trực tiếp, nhập viện, hay chỉ cần xử trí bằng thuốc thông thường.

Theo bác sĩ Đình Văn Huy, Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), khám bệnh trực tiếp vẫn là tốt nhất, nhưng trong mùa dịch, khám bệnh từ xa có thể giúp bệnh nhân, thân nhân người bệnh nắm tình hình bệnh ban đầu, sau đó sẽ có bước xử trí tiếp theo.

“Có những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể tư vấn điều trị tạm thời để bệnh nhân chưa phải đến bệnh viện ngay. Còn khi thấy bệnh nhân đang ở tình trạng nặng, cần can thiệp gấp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhập viện để được khám và điều trị”, bác sĩ Huy nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn một năm triển khai Chương trình Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Teleheath), đã có hơn 200 bệnh viện thường xuyên tham gia hội chẩn với gần 600 buổi hội chẩn; hơn 200 buổi đào tạo chuyên môn đã được tổ chức; 35 ca tư vấn phẫu thuật từ xa; hơn 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên hệ thống.  

“Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào quản lý và khám chữa bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thông qua nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca bệnh Covid-19 chuyển biến nặng, giúp xử lý kịp thời và tận dụng được thời điểm vàng để chữa trị cho bệnh nhân.

Các y, bác sĩ tại các bệnh viện đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết, Teleheath là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.

Liên quan tới việc đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa, mới đây, lễ công bố Kết nối nền tảng Telehealth tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện và ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã diễn ra tại Hà Nội.

Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối Telehealth, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến và kịp thời xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.

Startup giúp người dân lấy số khám bệnh từ xa
Thay vì xếp hàng chờ ở bệnh viện, người bệnh có thể nhắn tin qua điện thoại hay đăng ký trên website lấy số thứ tự vào phòng khám.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư