Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Điện ảnh màu mỡ mà khó sống
Vũ Anh - 30/05/2013 07:38
 
hị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng khá cao, đạt mức tăng 15 - 20%/năm. Nhưng Khó khăn về địa điểm và giá thuê là những trở ngại lớn. Ngay cả mọi việc thuận lợi, cũng mất tới 7 -8 năm nhà đầu tư mới thu hồi được vốn.  

Thị trường nhiều cửa

Sau thời kỳ khủng hoảng kéo dài, đến nay, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn đang chập chững những bước đi đầu tiên.

Tuy nhiên, những cú hích của các nhà đầu tư Hàn Quốc cho thấy, thị trường vẫn còn nhiều cửa cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước khai thác.

Khi một quốc gia phát triển, thì nhu cầu phát triển kế tiếp sẽ là giải trí.

“Thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng khá cao, đạt mức tăng 15 - 20%/năm. Hiện nay, thói quen thưởng thức các tác phẩm điện ảnh ở rạp chiếu đã hình thành mạnh mẽ trong lớp người trẻ tuổi ở Việt Nam. Đó là một thuận lợi lớn của thị trường. Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian và kinh phí đầu tư vào thị trường này, nên hy vọng, thị trường sẽ tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng đó trong 5 - 10 năm nữa”, ông Brian Hall, Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông MegaStar phát biểu.

Những kỳ vọng của ông Brian Hall chắc sẽ thành sự thật, bởi lẽ, nhu cầu giải trí của người dân Việt Nam hiện còn quá thấp so với các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, thậm chí là Campuchia.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD, ở Hàn Quốc, người dân xem phim rạp bình quân 10 lần/năm, trong khi tại Việt Nam, con số này chưa tới 1 lần/năm. Đặc biệt, các cụm rạp hiện đại mới chỉ tập trung tại một số thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM, trong khi tại nhiều tỉnh, thành phố khác đã có hệ thống rạp chiếu phim điện ảnh rất sớm, nhưng lại đang bị bỏ trống. Đây được xem là dư địa lớn cho các nhà đầu tư.

Hơn nữa, các nhà đầu tư đã nhìn thấy những cơ sở thực tiễn để mạnh tay rót vốn. Thứ nhất, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), dân số Việt Nam sẽ đạt 90 triệu người trong năm nay và dân số trong giai đoạn 2014 - 2019 sẽ tăng 12%. Thứ hai, theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ dân số thành thị tại Việt Nam mới đạt 32,45%, còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thách thức về địa điểm và giá thuê

Theo thống kê của Galaxy, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 300 rạp chiếu phim, trong đó Hà Nội và TP.HCM có hơn 40 rạp, nhưng lại chiếm tới 80% doanh thu của toàn thị trường. Trong khi đó, số lượng rạp ở các tỉnh rất lớn, nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nên việc đưa phim về tỉnh gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến hậu quả là, thị phần doanh thu của thị trường các tỉnh ngày càng đi xuống.

Liên quan đến vấn đề đầu tư rạp chiếu phim, để có được một cụm rạp theo tiêu chuẩn tiên tiến, các nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 10 tỷ đồng/phòng chiếu. Như vậy, 1 cụm rạp có 5 phòng chiếu sẽ cần vốn đầu tư không dưới 50 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với việc xây dựng rạp là vấn đề địa điểm và giá thuê. Thông thường, vị trí các cụm rạp phải nằm ở các quận trung tâm, đông dân cư, có hạ tầng giao thông thuận lợi, mặt bằng rộng, sang trọng. Đây là cả một thách thức, khi cuộc chiến mặt bằng bán lẻ, trung tâm thương mại ở Việt Nam đang rất gay gắt, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM.

Ông Brian Hall cho hay, một trong những thử thách lớn nhất tại Việt Nam mà MegaStar phải đối mặt là việc tìm kiếm mặt bằng với giá cả phù hợp. Đến nay, MegaStar vẫn đang nghiên cứu và tìm kiếm cả trong và ngoài trung tâm thành phố.

Riêng với các doanh nghiệp trong nước, nếu không đầu tư thì sẽ tụt hậu, còn đầu tư thì phải bán vé với giá rất đắt, trong khi chất lượng phòng chiếu chắc chắn không thể bằng phòng chiếu nước ngoài, nên khó thu hút được khách xem để kinh doanh đạt hiệu quả.

Theo bà Trịnh Thanh Tâm, Giám đốc phát hành Galaxy Studio, nếu giá thuê thuận lợi, thì cũng mất tới 7 năm mới thu hồi được vốn đầu tư.

Đó là chưa kể đến những thách thức về số tiền chi phí cho thiết bị, ghế ngồi ngoại nhập chiếm 50% chi phí đầu tư, nên các khoản phí và thuế nhập khẩu phải đóng cũng là một con số đáng kể cho các doanh nghiệp đầu tư. Không những thế, công nghệ trên thế giới lại thay đổi rất nhanh, đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật, nâng cấp, nên rất tốn kém.

Như vậy, dù thị trường còn nhiều dư địa, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trụ vững. Chắc chắn, cuộc chơi luôn thuộc về những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, kinh doanh chuyên sâu và có chiến lược đầu tư lâu dài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư