Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Diễn biến mới tại Dự án BOT Quốc lộ 51: Đơn vị thi công “tố” chủ đầu tư
Anh Minh - 10/11/2016 07:53
 
Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) - chủ đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 51 bị đơn vị thi công tố là cố tình dây dưa thanh toán các khoản công nợ, dù thời hạn bảo hành công trình đã hết cách đây 2 năm.
TIN LIÊN QUAN

Cường Thuận IDICO tố BVEC chậm thanh toán 35 tỷ đồng

Trong văn bản vừa được gửi tới Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Bộ Xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO cho biết, họ đang bị BVEC chậm thanh toán khoảng 35 tỷ đồng.

Tại Dự án BOT Quốc lộ 51, Cường Thuận IDICO là một trong những đơn vị nhận thầu lớn từ BVEC, với 6 gói thầu xây lắp (01, 02, 04, 07, 14, 15).

Dự án BOT Quóc lộ 51 đã được nghiệm thu  hoàn thành từ năm 2012. Ảnh: A.M
Dự án BOT Quóc lộ 51 đã được nghiệm thu hoàn thành từ năm 2012. Ảnh: A.M

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Quốc lộ 51 đã được Bộ GTVT nghiệm thu hoàn thành, đảm bảo chất lượng và cho phép nhà đầu tư thu phí hoàn vốn từ tháng 8/2012. Thời gian bảo hành công trình các gói thầu xây lắp, trong đó có các gói thầu do Cường Thuận IDICO Cường Thuận thực hiện, cũng hết hạn cách đây 2 năm (2014).

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc Cường Thuận IDICO, nguyên nhân chính dẫn đến việc BVEC chưa thanh toán là do quá trình triển khai thực hiện, các cổ đông của BVEC đã không góp vốn theo quy định dẫn đến thiếu hụt dòng tiền.

Đặc biệt, theo nhà thầu này, BVEC không triển khai thanh toán theo quy định của Hợp đồng, mà tự tổ chức khoan kiểm tra mặt đường lấy kết quả hiện trạng nền mặt đường để nghiệm thu và khấu trừ số tiền còn nợ nhà thầu theo giá trị đo đạc hiện tại. Tuy nhiên, một lãnh đạo BVEC cho biết, nhà đầu tư thực hiện việc này là theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, tại Kết luận số 379/KL-TTr về công tác quản lý đầu tư xây dựng của BVEC và một số nội dung được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh liên quan đến Dự án, ngày 27/9/2016, Bộ Xây dựng cho biết, qua quá trình kiểm định bê tông nhựa bù vênh trong quá trình thanh tra tại các gói thầu 01, 02, 07, 14 đã phát hiện đa số mẫu khoan thiếu độ dày so với thiết kế. Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu nhà đầu tư tiến hành giảm trừ giá trị bê tông nhựa bù vênh thi công thiếu theo số liệu tính toán của BVEC.

Đối với công tác quản lý chất lượng thi công công trình, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, theo kết quả kiểm định lớp bê tông nhựa của tư vấn độc lập tại Gói thầu số 4, từ 45% đến 60% thành phần hạt không đạt yêu cầu, từ 38% đến 90% hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu, dẫn đến chất lượng mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Chiều dày lớp bù vênh bằng vật liệu bê tông nhựa thực tế mỏng hơn chiều dày thiết kế từ 44% đến 63% (tại các gói thầu 02, 07 và 14). Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã nghiệm thu khối lượng bù vênh theo khối lượng thiết kế, dẫn đến nghiệm thu sai tăng 16,196 tỷ đồng…

Phản bác yêu cầu trên, ông Nguyễn Xuân Quang cho biết, do Dự án đã đưa vào khai thác hơn 3 năm và hết thời hạn bảo hành, nên không thể lấy thời điểm hiện tại để khoan làm cơ sở nghiệm thu, giảm trừ tiền khối lượng đã thực hiện.

“Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại Kết luận số 379/KL-TTr về việc giảm trừ gói thầu đã thực hiện nêu trên”, đại diện nhà thầu cho biết.

Chiếm dụng vốn là có thật

Trong khi việc thanh toán cho Cường Thuận IDICO là nội dung sẽ phải cần đến một “trọng tài” độc lập để phân xử, thì nhiều nội dung trong công tác quản lý Dự án BOT Quốc lộ 51 đã được cả Bộ GTVT và Bộ Xây dựng cùng xác nhận là có sai sót lớn.

Theo kết quả rà soát của Bộ GTVT và Thanh tra Bộ Xây dựng, sai phạm lớn nhất tại Dự án bị “thổi còi” này chính là việc góp vốn chủ sở hữu. Cụ thể, theo quy định của Hợp đồng, đến tháng 8/2012, nhà đầu tư phải huy động đủ 100% số vốn chủ sở hữu là 307,576 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm quy định, nhà đầu tư mới góp được 73,05 tỷ đồng (đạt 23,8%), còn thiếu 234,52 tỷ đồng. Đến thời điểm tháng 10/2015, vốn góp của nhà đầu tư vẫn còn thiếu tới 192,168 tỷ đồng.

“Sai sót này thuộc về các cổ đông BVEC và các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ban quản lý Dự án 7 - đơn vị được giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Thanh tra Bộ Xây dựng quy trách nhiệm.

Liên quan đến việc thanh toán cho các đơn vị thi công, theo ghi nhận của Bộ GTVT, tổng giá trị hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký với các nhà thầu là 3.135,86 tỷ đồng; đã được nghiệm thu 2.918,29 tỷ đồng và đã thanh toán cho nhà thầu 2.834,68 tỷ đồng (đạt 97% giá trị được nghiệm thu).

Cho đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành (còn lại một số hạng mục phụ trợ địa phương không giải phóng được mặt bằng), nhưng qua quá trình kiểm tra, Bộ GTVT khẳng định, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa hoàn thành công tác thanh, quyết toán A-B. Lý do chủ yếu là do phần giá trị điều chỉnh giá và khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, nên doanh nghiệp dự án vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu.

Liên quan đến việc thực hiện Kết luận số 379/KL-TTr của Thanh tra Bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa yêu cầu Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư, tiến hành rà soát lại các nhà đầu tư tại thời điểm tháng 9/2016, báo cáo Bộ GTVT để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương kiểm điểm các tập thể, cá nhân do thiếu kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án trong việc góp vốn chủ sở hữu, điều chỉnh tổng mức đầu tư và nghiệm thu, bàn giao công trình không đúng quy định.“Yêu cầu nhà đầu tư khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót, giảm trừ giá trị dự án được nêu trong kết luận và kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng. Thực hiện việc kiểm toán vốn đầu tư dự án, trình Bộ GTVT thỏa thuận quyết toán vốn đầu tư dự án theo đúng quy định”, ông Đông yêu cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư