Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế
Nguyễn Lê - 02/12/2021 17:50
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin về gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.
.
Chủ nhiệm Ủy  ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại cuộc họp báo chiều 2/12/2021. (Ảnh - Duy Linh).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết gói hỗ trợ này sẽ là một trong 5 nội dung được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư tại cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, chiều muộn 2/12.

Một trong những mục tiêu của Diễn đàn là để làm rõ thêm các căn cứ để thiết kế gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc.

Quan trọng là hiệu quả

Nhiều ý kiến cả chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi để có một gói hỗ trợ đủ lớn về quy mô và đủ dài về thời gian. Vậy dự kiến gói này sẽ quy mô bao nhiêu % GDP và sẽ lấy nguồn từ đâu? -  Phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Trả lời, ông Vũ Hồng Thanh cho biết gói hỗ trợ này sẽ là một trong 5 nội dung được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

"Hai năm qua tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng toàn cầu, cả cung và cầu đều đứt gãy, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời. Trước diễn biến của dịch bệnh vẫn phức tạp, việc đặt ra gói hỗ trợ tiếp theo để phục hồi và hỗ trợ kinh tế hết sức cần thiết. Tuy nhiên, gói này Chính phủ chưa trình sang, ngày mai, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra, nhưng hiện nay tài liệu chưa có", ông Thanh nói.

Vẫn theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, với tinh thần từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia đã bàn nhiều về nội dung này, Diễn đàn sẽ nghe ý kiến để xem gói này nên thế nào.

Ông Thanh cũng cho biết, có ý kiến chuyên gia cho rằng, gói này chỉ tập trung vào hai năm 2022 - 2023 và mỗi năm bội chi có thể tăng thêm 1% GDP, theo tính toán của chuyên gia thì nợ công vẫn an toàn.

Song, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, tập trung cả cung và cầu, tập trung vào  các ngành trọng tâm. "Còn  về độ lớn, độ dài của gói này, thì Diễn đàn cũng nhằm xác định sẽ sử dụng tài khoá bao nhiêu và tiền tệ bao nhiêu. Có ý kiến nói kinh nghiệm quốc tế thì tài khoá 65%, còn tiền tệ 35%, ở Việt Nam thì chính sách vừa qua thì tài khoá 72 % và tiền tệ 28% thì cũng gần với quốc tế", ông Thanh nói và nhấn mạnh dư địa chính sách tài khoá vẫn nhiều hơn.

Về nguồn của gói hỗ trợ, ông Thanh nhấn mạnh phải cân nhắc, trên cơ sở vay và có khả năng trả nợ, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo cả sức hấp thụ của nền kinh tế.

Không sợ tăng trần nợ công, quan trọng là sử dụng hiệu quả, đưa vào đâu, mục đích gì, hiệu quả ra sao mới là vấn đề quan trọng. Quốc hội cũng đã yêu cầu phải quản lý rủi ro, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách, chống tham nhũng, lợi ích nhóm ở gói hỗ trợ này, ông Thanh nói.

Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam

Tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đã thông tin một số nội dung trọng tâm của Diễn đàn.

Một là, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch Covid-19 và kết quả.

Hai là, làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của Covid-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;

Ba là, đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo. Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.

Diễn ra cả ngày 5/12, Diễn đàn được chia thành 2 phiên.

Phiên toàn thể buổi sáng: Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.

Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề, chuyên đề 1 về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”,  ông Sơn cho biết. 

Nguồn lực tài chính nào để hỗ trợ phục hồi kinh tế?
Dù đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ về lãi suất, cơ cấu nợ đã được ngành ngân hàng thực hiện, doanh nghiệp vẫn mong đợi một gói hỗ trợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư