Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Nguồn lực tài chính nào để hỗ trợ phục hồi kinh tế?
Hà Tâm - 30/11/2021 08:10
 
Dù đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ về lãi suất, cơ cấu nợ đã được ngành ngân hàng thực hiện, doanh nghiệp vẫn mong đợi một gói hỗ trợ lãi suất lớn để phục hồi tăng trưởng.

Tuy nhiên, dư địa chính sách tiền tệ quá hẹp khiến Ngân hàng Nhà nước hết sức thận trọng bơm tiền, bởi không muốn giẫm vào vết xe đổ. 

Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ vì Covid-19 và đang mong chờ nguồn vốn hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất. Ảnh: Đ.T

Chính sách tiền tệ khó nới lỏng nhiều thêm nữa

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong tháng 10/2021, có 7.346 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Bất chấp hàng loạt chính sách hỗ trợ về về tài khóa, tiền tệ, an sinh của Chính phủ, Covid-19 đang tiếp tục khiến nhiều doanh nghiệp, người dân kiệt quệ. Chính vì vậy, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng một chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế quy mô lớn chưa từng có. Tuy nhiên, nguồn lực nào để thực hiện gói hỗ trợ này đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7%, lạm phát 3,4 - 3,7%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ có thể đạt được nếu Việt Nam có được Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ quy mô lớn được các nước tung ra. Tại các nước phát triển, quy mô gói hỗ trợ lên 19,4% GDP, còn tại các nước mới nổi chiếm trung bình 7,51% GDP.

Tại Việt Nam, thực chi các gói hỗ trợ tài khóa năm 2020 chỉ tương đương 1,26% GDP. Còn nếu tính từ năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đạt khoảng 231.000 tỷ đồng (gần 3% GDP năm 2020 đã điều chỉnh).

Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ hầu như đã tận dụng hết mọi dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn đưa ra nhiều giải pháp chưa có tiền lệ. Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm và khó có thể hạ hơn nữa (thực tế mặt bằng lãi suất thấp đang khiến tiền gửi dân cư chảy ra khỏi ngân hàng). Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành 3 thông tư (Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14) chưa từng có tiền lệ về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí cho khách hàng.

Trước chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng phải tự nguyện cắt giảm mạnh nguồn lợi nhuận của chính mình để hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước đã “hy sinh” gần 30.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay để hỗ trợ khách hàng.

Mặc dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại vẫn khá tốt, song con số này không phản ánh sức khỏe thật của các ngân hàng, khi nợ xấu tiềm ẩn là rất lớn. Theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện đã tăng trở lại mức năm 2017, xấp xỉ 2% và dự báo sẽ trên 2% vào cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu gộp (tính cả nợ xấu tiềm ẩn) lên tới 7,1 - 7,7%. Đáng nói là, con số này sẽ không còn là “tiềm ẩn”, khi đến nửa cuối năm 2022, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ hết hiệu lực.

Trong bối cảnh trên, để hỗ trợ nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tín dụng ngành ngân hàng vẫn có thể mở rộng thêm, song không thể hoàn toàn nới lỏng. Tín dụng năm 2022, tính cả gói hỗ trợ lãi suất, chỉ tăng ở mức 13 - 14%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chương trình hỗ trợ của Chính phủ tới đây sẽ tập trung chính vào chính sách tài khóa. Hiện dư địa mở rộng chính sách tài khóa nước ta còn khá lớn, như thâm hụt ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực; có cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp; nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách nhà nước, lạm phát vẫn trong ngưỡng an toàn… Trong khi đó, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế như người mới ốm dậy, không có đủ lực để hấp thụ lượng vốn lớn, nên việc ép bơm tiền nhiều, tiền rẻ ra thị trường sẽ gây nguy hại cho nền kinh tế, giống như vết xe đổ gói kích cầu năm 2009.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, nếu Chính phủ cố ép giảm lãi suất, tăng bơm tiền ra nền kinh tế, sẽ có nguy cơ tiền chảy đến các kênh đầu cơ, tạo nên bong bóng giá tài sản. Tiền càng bơm mạnh, bong bóng càng phình to.

Lấy vốn ở đâu để không gây ra lạm phát?

Kinh nghiệm của các quốc gia trong triển khai chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cho thấy, hầu hết các nước dựa vào chính sách tài khóa: chấp nhận tăng nợ công, tăng thâm hụt ngân sách, hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, thúc đẩy đầu tư công, tăng bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Để có nguồn thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ có thể dựa vào một số nguồn như nguồn tiết giảm chi phí chi thường xuyên; nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; phát hành trái phiếu chính phủ trong nước; vay các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB đều đang có gói vay hỗ trợ phục hồi với điều kiện vay không quá khắt khe, lãi suất đang ở mức thấp); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư tư nhân…

Chính vì vậy, dù nhiều doanh nghiệp đang rất mong ngóng gói hỗ trợ lãi suất, song theo các chuyên gia, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai gói này rất thận trọng, do đã có bài học từ giai đoạn trước đây.

Cụ thể, năm 2009, gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD được tung ra, song GDP tăng không đáng kể, trong khi lạm phát tăng phi mã. Gói kích cầu năm 2009 chỉ có thể khiến GDP tăng từ mức 5,3% lên 5,89% năm 2011, song lại làm lạm phát nhảy từ 6,88% lên tới 18,58% năm 2011 (do tín dụng năm 2009 tăng trên 37%, tín dụng năm 2010 tăng 27%).

Tiền được bơm quá nhiều ra thị trường trong giai đoạn này không chỉ khiến kinh tế vĩ mô bất ổn, mà cả hệ thống ngân hàng cũng đứng trước bờ vực khủng hoảng. Giai đoạn năm 2011-2012, có 3 ngân hàng lâm vào tình trạng mất thanh khoản, buộc phải sáp nhập.

Chính vì vậy, mặc dù ủng hộ gói cấp bù hỗ trợ lãi suất, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ này phải được thiết kế thận trọng, dựa trên một số nền tảng.

Thứ nhất, gói hỗ trợ tín dụng này phải nằm trong tính toán hạn mức tín dụng hàng năm của Ngân hàng Nhà nước, không được đẩy vốn vào nền kinh tế quá nhiều.

Thứ hai, phải luôn song hành với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá (bơm tiền nếu quá lớn sẽ khiến lạm phát và tỷ giá tăng).

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán mức độ nợ xấu có thể chấp nhận được khi thực hiện gói cấp bù này, không để ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Gói cấp bù lãi suất khó có thể bơm ra ồ ạt, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng vì đã thấm thía bài học nợ xấu khiến các doanh nghiệp khó kỳ vọng tiền nhiều, vốn rẻ thời gian tới. Vậy doanh nghiệp có thể tìm vốn ở đâu để phục hồi kinh tế?

Từ nhiều năm nay, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực (143% năm 2020). Doanh nghiệp dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp mới đạt 14% GDP, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán mãi gần đây mới đạt 100% GDP.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường vốn nước ta mới chiếm hơn 1/3 vốn cung ứng cho nền kinh tế (so với mức bình quân 2/3 của các thị trường trong khu vực ASEAN). Chính vì vậy, thời gian tới, cần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, xây dựng thị trường vốn mạnh với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

“Lạm phát tại nhiều nước trên thế giới đang ở mức cao lịch sử, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên rủi ro nhập khẩu là rất lớn. Hiện nay, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải dừng chính sách nới lỏng tiền tệ, cho thấy áp lực điều hành chính sách tiền tệ rất lớn.

Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình, chứ không phải bằng tiền ngân sách. Khi nợ xấu tăng, các ngân hàng lại phải dùng nguồn lực của mình để xử lý nợ xấu. Nếu tình hình tài chính ngân hàng suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn hệ thống. Việt Nam cũng từng có bài học lớn do tăng trưởng tín dụng cao. Cho nên, nếu kích cầu không tính toán cẩn thận, lạm phát sẽ quay trở lại. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, song vẫn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như cả hệ thống để tránh tác động lan truyền”.

- Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu trước Quốc hội ngày 12/11/2021
Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Nhằm thích ứng, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp phù hợp trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì hỗ trợ tăng trưởng, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều cơ chế kinh doanh linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chung tay cùng cộng đồng thực hiện trách nhiệm xã hội với nhiều đóng góp thiết thực.

Để giới thiệu với công chúng về những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã thực hiện trong thời gian qua cũng như sắp tới, hôm nay, 30/11, Báo Đầu tư, với sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước, sẽ tổ chức Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, bội chi có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bội chi ngân sách năm 2022 có thể tăng thêm 1% nếu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư