Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sớm bắt nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới
Hà Nguyễn - 17/11/2021 08:37
 
Kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với những rủi ro lớn, cần tiếp tục duy trì và tăng cường động lực tăng trưởng, để có thể sớm bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Dấu hiệu phục hồi thể hiện rõ khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2021 tăng gần 20%. Ảnh: Đ.T

Rủi ro cuối năm

Việc cán cân thương mại của Việt Nam bất ngờ đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu 125 triệu USD, chứ không phải là nhập siêu 1,45 tỷ USD như ước tính trước đó trong 10 tháng đầu năm đã góp thêm một bằng chứng cho thấy xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế, sau khi Chính phủ quyết định mở cửa dần kinh tế, xác định sống chung, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

Mặc dù vậy, báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ. Rủi ro lớn nhất là dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam còn thấp. Những ngày gần đây, số ca mắc mới, đặc biệt là các ca mắc trong cộng đồng, liên tục gia tăng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Khi dịch bệnh còn căng thẳng, khó có thể kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trả lời chất vấn Quốc hội mới đây đã chia sẻ thẳng thắn rằng, với ông, phục hồi có nghĩa là mọi hoạt động xã hội, kinh tế phải như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.

Nhìn trên góc độ đó, kinh tế Việt Nam còn một khoảng cách không nhỏ để chạm tới sự phục hồi. Thậm chí, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay, như Chính phủ báo cáo Quốc hội, cũng là một thách thức lớn.

“Giải ngân vốn đầu tư công chậm là một thách thức đối với việc hoàn thành mục tiêu cả năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Năm ngoái, giải ngân vốn đầu tư công tích cực đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%. Còn năm nay, 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm là hoạt động của khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cần thời gian nhất định để hồi phục sau đại dịch; thu - chi ngân sách vẫn đối diện với nhiều thách thức; rủi ro nợ xấu tăng cao; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế bị chậm lại; khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới, đặc biệt là khả năng của doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA/UKVFTA, CPTPP và đón đầu cơ hội từ Hiệp định RCEP còn chưa chắc chắn.

Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế thời gian gần đây đã liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 đạt 3,78%, giảm 2,72 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4/2021. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam còn khoảng 2 - 2,5% năm 2021.

Khả năng tăng trưởng bao nhiêu trong năm nay còn phụ thuộc vào 1,5 tháng trước mắt, Việt Nam liệu có tận dụng được cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hay không.

Sớm bắt nhịp đà phục hồi

Trong khi kinh tế Việt Nam vẫn đang vật lộn với khó khăn, thì kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi khá rõ nét, sau khoảng thời gian tê liệt kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ đạt mức 5,6-5,9%, nhờ sự phục hồi nhanh của những khu vực và nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…

ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy và giờ là thời điểm để kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi.

Để kinh tế Việt Nam sớm bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã có nhiều động thái nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế thông qua xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, sớm nhất, chương trình này cũng sẽ chỉ được Quốc thảo luận trong tháng 12 tới trong một cuộc họp chuyên đề riêng, để đầu năm 2022 có thể thực hiện.

Có nghĩa rằng, kinh tế năm 2021 “chốt hạ” ở mức nào hoàn toàn phụ thuộc vào những nỗ lực trong hiện tại và dựa vào các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã ban hành.

Trong báo cáo kinh tế vừa công bố, WB tỏ ra khá lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Sau khi viện dẫn một loạt chỉ số kinh tế vĩ mô 10 tháng, như chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9 và chỉ thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 19,1% so với tháng 9, vượt xa mức tăng 4,4% của tháng trước; lạm phát đang ở mức 1,8%; dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng 14,2%..., định chế tài chính này cho rằng, sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy và giờ là thời điểm để kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi.

Tuy nhiên, theo WB, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và tăng cường động lực tăng trưởng, nhằm phục hồi nền kinh tế. Các biện pháp được WB đề xuất là thực thi chính sách tài khóa chủ động, như miễn giảm thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công… để tăng tốc phục hồi; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và duy trì hợp lý các biện pháp xét nghiệm và cách ly để tránh nguy cơ một làn sóng dịch bệnh mới. Điều rất quan trọng là, phải theo dõi chặt chẽ áp lực lạm phát trong bối cảnh nhu cầu trong nước phục hồi và giá năng lượng trên thế giới tăng, cũng như tiếp tục theo dõi “sức khỏe” của khu vực tài chính.

Có một điểm khá tích cực là, hiện tại, ở khu cực Đông Nam Á, làn sóng Covid-19 đã dịu đi và các nhà máy đã mở cửa trở lại, nối lại một số mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đi liền với đó, kinh tế Việt Nam cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động, giá cước vận tải tăng cao và nguy cơ các đợt bùng dịch trở lại là những rủi ro không nhỏ. Để “về đích” năm 2021, việc làm sao vượt qua các rủi ro này được xem là điều kiện tiên quyết không chỉ với kinh tế Việt Nam.

Nhìn trong ngắn hạn, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh mục tiêu giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Còn trong dài hạn, nền kinh tế chắc chắn phải trông chờ vào Chương trình Tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023, mà Chính phủ đang xây dựng. Dù chương trình này phải năm sau mới có hiệu lực thi hành, song trong hiện tại, thông tin về Chương trình cũng đã góp phần thổi “luồng sinh khí mới” vào nền kinh tế.

ICAEW: Kinh tế Việt Nam dự kiến bứt phá lên 7,5% vào năm 2022
Theo Báo cáo Dự báo Kinh tế Toàn cầu mới nhất của ICAEW và Oxford Economics, tăng trưởng kinh tế một số quốc gia Đông Nam Á giảm trong quý III/2021,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư