Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 04 tháng 11 năm 2024,
Diện mạo mới của Hà Tĩnh trong “nét vẽ” quy hoạch đô thị
Hương Việt - 16/11/2020 12:07
 
Tốc độ đô thị hóa của Hà Tĩnh đang tăng nhanh và mở rộng về quy mô theo hướng hiện đại, từng bước hiện thực hóa mục tiêu là một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.
Khu du lịch Vinpearl Cửa Sót là một trong những điểm nhấn của bức tranh phát triển du lịch Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Khu du lịch Vinpearl Cửa Sót là một trong những điểm nhấn của bức tranh phát triển du lịch Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng

Nét vẽ mới từ không gian đô thị trung tâm…

Đến nay, TP. Hà Tĩnh có 80,58% diện tích phủ kín quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết 1/2.000. Ngoài ra, Thành phố đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, quy hoạch hệ thống cây xanh đường phố, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới cho 5 xã, quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc tại 5 phường nội thị...

Khu đô thị kiểu mẫu Vinhomes, khu đô thị Bắc Thành phố, Vinhomes NewCenters, hạ tầng đường bao phía Tây… là những “nét vẽ” hiện đại trong bức tranh không gian đô thị của TP. Hà Tĩnh. Sự hiện diện của các công trình này không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch Hà Tĩnh trong mối tương quan với lợi thế phát triển giai đoạn tới, phải làm rõ lợi thế phát triển quan trọng nhất của Hà Tĩnh là gì? Cần nuôi dưỡng lợi thế đó như thế nào? Cần điều kiện gì để khai thác và phát huy tốt nhất lợi thế đó? Liệu trong giai đoạn tới, lợi thế con người Hà Tĩnh (trí tuệ, tài năng kinh doanh và thực lực doanh nghiệp “gốc” Hà Tĩnh) có nổi trội hơn lợi thế cảng biển?...

PGS-TS. Trần Đình Thiên

Ông Dương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh đánh giá: “Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng có vai trò rất quan trọng. Đây là tiền đề cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang và phát triển đô thị. Thời gian qua, TP. Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, một lượng lớn đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chương trình phát triển đô thị… đã được triển khai”.

Cũng nhờ “thông” quy hoạch, TP. Hà Tĩnh đã đón được nhiều dự án đầu tư của “sếu đầu đàn” như: Dự án Thành phố Giáo dục quốc tế (Tập đoàn Nguyễn Hoàng), khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền kéo dài, Công viên trung tâm và Đô thị Lam Hồng Garden Park, Khu đô thị Hàm Nghi (Vingroup), Khu đô thị sinh thái Nam Cầu Phủ, Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Yên…, góp phần hoàn chỉnh, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của đô thị trung tâm.

Lãnh đạo TP. Hà Tĩnh cho biết, địa phương đang nghiên cứu phát triển không gian đô thị về phía Tây, theo 3 hướng chính. Trong đó, trục đường Phan Đình Phùng - Hàm Nghi là trục tổng hợp trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại, văn hóa - thể thao, kết nối với các đầu mối giao thông liên vùng.

Trục Tây Bắc - Đông Nam nối liền Quốc lộ 1 tập trung các hoạt động buôn bán, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và giáo dục - đào tạo, kết nối với các đô thị khác trong vùng. Trục đường Ngô Quyền có quỹ đất lớn, đóng vai trò phát triển phụ trợ, cung cấp các dịch vụ đô thị và mở rộng không gian đô thị, tiến tới khai thác cảnh quan các dòng sông…

Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh trong những năm qua có bước phát triển nhanh, bởi Hà Tĩnh đang là “thỏi nam châm” hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ và bất động sản…, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020, Hà Tĩnh liên tục đón nhận những dự án bất động sản quy mô lớn, như: Dự án Khu đô thị phía Nam TP. Hà Tĩnh, Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ, Dự án Khu đô thị Hàm Nghi (quy mô 136,8 ha, vốn đầu tư 1 tỷ USD) ở phía Tây TP. Hà Tĩnh…

“Xác định đô thị hóa là động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa, trong đó, trọng tâm là rà soát hệ thống quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh. Đối với các quy hoạch đã không còn phù hợp (đã điều chỉnh cục bộ trên 15% so với quy mô diện tích lập quy hoạch ban đầu), sẽ được điều chỉnh sớm, bài bản để đáp ứng yêu cầu phát triển”, ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Đến bức tranh đô thị hóa phía Nam

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thân thiện với những không gian đáng sống, kinh tế đô thị phát triển hài hòa là những điểm nhấn của bức tranh phát triển đô thị phía Nam tỉnh Hà Tĩnh trong tương lai. Trong quá trình phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III, thị xã Kỳ Anh đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông - nền tảng của hạ tầng đô thị.

Các tuyến đường trục ngang thuộc Khu kinh tế Vũng Áng đã được đầu tư xây dựng như: đường Khu đô thị trung tâm - Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh (giai đoạn II) với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, Khu đô thị Kỳ Long - khu công nghiệp đa ngành (giai đoạn II) với tổng mức đầu tư 168,7 tỷ đồng… Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng xã hội, các khu dân cư đô thị được quy hoạch đồng bộ, tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị trẻ.

Nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn và thu hút nhà đầu tư, mới đây, thị xã Kỳ Anh đã chính thức khởi động Dự án Tiểu đô thị động lực thị xã Kỳ Anh, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), tổng mức đầu tư hơn 55 triệu USD với 3 hợp phần quan trọng.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho hay, sau 5 năm tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp của Kỳ Anh đã giảm đáng kể, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng nhanh; quy mô nền kinh tế từ 17.502,5 tỷ đồng trong năm 2015 tăng lên 37.045,4 tỷ đồng trong năm 2020...

Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng, bắt đầu thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Các cơ sở công nghiệp tại địa phương sản xuất ổn định, có mức tăng trưởng khá.

Chia sẻ về công tác hoạch định phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh khẳng định, mục tiêu cốt lõi của phát triển đô thị là phải nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, theo đó, chế độ an sinh xã hội, việc làm, thu nhập bình quân của người dân chính là thước đo phát triển cho đô thị phía Nam Hà Tĩnh.

“Thị xã Kỳ Anh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và khai thác có hiệu quả đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt qua địa bàn, trục đường ven biển Xuân Hội - Vũng Áng để khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, thị xã đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, từng bước ngầm hóa hạ tầng điện, viễn thông đảm bảo mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu của thành phố trong tương lai...”, ông Nguyễn Hoài Sơn nói.

Phấn đấu đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Hà Tĩnh đưa chỉ tiêu mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của các tỉnh Bắc Trung bộ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, để làm được điều đó, toàn Đảng bộ tỉnh cần quyết tâm thực hiện các mục tiêu, định hướng đã xác định với 4 trụ cột, 3 nền tảng, 3 đô thị, 1 trung tâm, 3 hành lang; có giải pháp, cách làm phù hợp, lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; phát triển văn hóa, tạo môi trường, điều kiện cho nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từ đó tạo nên “sức mạnh mềm” trong tương lai.
Hợp long cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh
Ngày 13/10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Lễ hợp long công trình cầu Cửa Hội thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối 2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư