Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điện tử hóa hoạt động hải quan
Thái Bình (HQ Online) - 18/06/2015 10:54
 
Với chiến lược đầu tư hợp lý, đến nay, ngành Hải quan đã cơ bản “điện tử hóa” các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
 Hoạt động tại Trung tâm quản lý vận hành hệ thống CNTT Hải quan - nơi kiểm soát, theo dõi toàn bộ các dữ liệu khai báo XNK (qua phương thức điện tử) của các DN.
Hoạt động tại Trung tâm quản lý vận hành hệ thống CNTT Hải quan - nơi kiểm soát, theo dõi toàn bộ các dữ liệu khai báo xuất nhập khẩu (qua phương thức điện tử) của các doanh nghiệp.

Khoảng 50.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước chắc hẳn không còn xa lạ gì với việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Và thủ tục hải quan điện tử chỉ là một trong rất nhiều hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đã được “điện tử hóa” và “phủ sóng” rộng khắp của cơ quan Hải quan.

Theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện nay việc ứng dụng CNTT đã được thực hiện rộng rãi, toàn diện trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Hải quan như: Giám sát quản lý về hải quan; quản lý, thu thuế xuất nhập khẩu; quản lý rủi ro; kiểm tra sau thông quan; chống buôn lậu…

Đến thời điểm hiện tại ngành Hải quan đã được đầu tư trang bị một hạ tầng CNTT hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Nếu như năm 2000 toàn Ngành mới chỉ có 25 máy chủ, 487 máy trạm, 145 máy in thì đến nay con số này đã nâng lên 1.300 máy chủ các loại, 10.520 máy trạm và 3.550 máy in, đảm bảo mỗi CBCC đều có máy tính nối mạng để làm việc.

Dẫn ra những con số, những chỉ tiêu nêu trên để thấy được quy trình ứng dụng cũng như mức độ phức tạp của hệ thống CNTT ngành Hải quan. Và điều này đang góp phần đắc lực vào tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đại diện Cục CNTT và Thống kê Hải quan đưa ví dụ: Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử (trên Hệ thống VNACCS/VCIS) giúp cho doanh nghiệp được thực hiện thủ tục hải quan 24 giờ trong tất cả các ngày trong tuần (24/7); đơn giản hóa yêu cầu nộp, xuất trình bộ hồ sơ hải quan trên cơ sở cho phép áp dụng chứng từ điện tử, chữ ký số; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan của hệ thống thủ tục hải quan điện tử nhanh (chỉ từ 1 đến 3 giây); trên cơ sở áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, gần 60% bộ hồ sơ hải quan được thông quan ngay và doanh nghiệp có thể lấy hàng tại các cảng… Những tiện ích này giúp doanh nghiệp giảm chi phí do không phải thực hiện hồ sơ giấy, đồng thời tăng cường khả năng kết nối, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thủ tục hải quan điện tử đã tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế của một cơ quan Hải quan hiện đại, làm tiền đề cho việc triển khai các cam kết quốc tế và cải cách thủ tục hành chính chung của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Đối với công tác quản lý trong nội bộ ngành Hải quan, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng giúp tiết giảm đáng kể chi phí quản lý hành chính. Điển hình như công tác quản lý thu thuế, trước khi ứng dụng CNTT phục vụ công tác lưu giữ, chứng từ, sổ sách nộp thuế, các đơn vị Hải quan phải sử dụng khoảng 30.000 quyển sổ (sổ thanh toán đối tượng nộp thuế) để theo dõi nợ thuế của doanh nghiệp, đó là chưa kể đến các loại sổ chi tiết, tổng hợp tài khoản các báo cáo kế toán bằng giấy... Nhưng sau khi chuyển sang lưu giữ toàn bộ ở dạng điện tử đã loại bỏ được số lượng sổ sách đồ sộ này.

Có thể nói, công tác ứng dụng CNTT trong lĩnh vực Hải quan đã được triển khai ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, tạo thuận lợi cho cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn công tác quản lý của cơ quan Hải quan, tạo ra những bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính.

Góp phần quan trọng nhất vào việc xây dựng, vận hành hệ thống CNTT đồ sộ của ngành Hải quan cả về quy mô máy móc, trang thiết bị, cũng như cơ sở dữ liệu như đề cập ở trên chính là đội ngũ những “hiệp sỹ” CNTT ngành Hải quan. Từ nhiều năm qua, để phục vụ chủ trương hiện đại hóa hải quan, lãnh đạo Tổng cục Hải quan luôn chú trọng xây dựng một lực lượng CBCC làm việc trong lĩnh vực CNTT mạnh về cả số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn Ngành đã hình thành được đội ngũ khoảng 400 CBCC (cả ở Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan địa phương) đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đủ năng lực đảm nhận các nội dung phức tạp, triển khai các dự án lớn. Trong đó Cục CNTT và Thống kê Hải quan được xem là đơn vị chủ công.

Lãnh đạo Cục tâm sự: Nhằm đảm bảo yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong ngành Hải quan, với chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị luôn chủ động xây dựng và phát triển nguồn nhân lực CNTT và thống kê hải quan không chỉ trong nội bộ đơn vị mà đã phát triển cho toàn Ngành, đảm bảo nguồn nhân lực để triển khai các ứng dụng lớn về CNTT như thủ tục hải quan điện tử; Cơ chế một cửa quốc gia...  Bên cạnh đó, Cục cũng đảm bảo công tác tập huấn, đào tạo để CBCC toàn Ngành có trình độ tin học và sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong công tác nghiệp vụ.

Song song với thực hiện nhiệm vụ trong Ngành, quá trình triển khai, vận hành các hệ thống CNTT, Cục CNTT và Thống kê Hải quan cũng dành sự quan tâm, hỗ trợ nâng cao nguồn lực về CNTT của hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Hải quan Hà Nội "tăng ga" nhắm tốp đầu ASEAN
Hải quan Hà Nội vừa đặt ra mục tiêu đến 2020 thời gian thông quan hàng hóa ngang bằng với các nước tiến tiến trong khối ASEAN.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư