Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Điều chỉnh công suất Dự án Nhà máy thép Cao Ngọc
Sĩ Chức - 25/06/2013 10:59
 
Công ty cổ phần Luyện kim Thanh Hóa vừa có công văn số 43/TGĐ-DA gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị được điều chỉnh công suất dự án Nhà máy phôi thép Cao Ngọc (đóng tại xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) từ 250.000 tấn/năm xuống còn 125.000 tấn/năm và phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 sản xuất 125.000 tấn/năm gang tiêu chuẩn.
TIN LIÊN QUAN

Được biết, Dự án này đã khởi công từ quý III/2008, dự kiến đưa vào vận hành từ quý II/2010; có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.461 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng hơn 43ha,…

Hiện trường mặt bằng Dự án Nhà máy thép Cao Ngọc

Nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc theo hiệp định khung được ký kết giữa hai Chính phủ về cho vay ưu đãi nguồn mua (các thiết bị và nhà thầu do phía Trung Quốc đảm nhận).

Tuy nhiên, dự án đã rơi vào tình trạng “treo” trong thời gian dài.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã thực hiện được một số hạng mục như Nhà điều hành, khuôn viên… và khoảng 50% tường rào.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện Kim Thanh Hóa cho biết; tháng 3/2011, theo đánh giá kiểm toán của Bộ Tài chính, tổng mức đầu tư cho dự án phía chủ đầu tư đã thực hiện là hơn 297 tỷ đồng, đủ điều kiện để phía Trung Quốc giải ngân.

"Nhưng từ thời điểm đó đến nay, các nhà thầu phía Trung Quốc đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn triển khai dự án", ông Hùng nói.

Đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp, trong đó có đại diện phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện chủ đầu tư…qua đó, đề nghị phía Trung Quốc cho nhà thầu sang tiến hành dự án. Nếu đến ngày 30/6/2013, nhà thầu vẫn không thực hiện thì phía Chủ đầu tư đề xuất với Bộ Tài chính có biện pháp thay đổi nhà thầu...

“Nếu giảm công suất, chúng tôi sẽ chủ động vay phía ngân hàng trong nước để triển khai dự án. Dự kiến, mức đầu tư để hoàn thiện dự án ở công suất 125.000 tấn/năm có khái toán sơ bộ vào khoảng 370 tỷ đồng”. Ông Hùng cho biết thêm.

Hiện tại, với thị trường trong nước, các nguyên liệu để sản xuất thép chế biến như: gang (thép thô) để kéo cán, thép đúc các chi tiết máy, phôi nguyên liệu sản xuất thép,… vẫn đang có nhu cầu lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư