Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua:
Điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án cải tạo Quốc lộ 1A ; Hà Nội đầu tư làm bản đồ giao thông số
Hồ Hạ (tổng hợp) - 10/08/2019 14:24
 
Hơn 14.000 phòng học được đầu tư xây dựng trong năm học 2018-2019; Hà Nội đề xuất đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng bản đồ giao thông số, "chạy" ngay trong năm 2019; Đà Nẵng xúc tiến đầu tư về du lịch, thương mại với Indonesia… là những tin tức về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Hơn 14.000 phòng học được đầu tư xây dựng trong năm học 2018-2019

Năm học vừa qua, nhiều giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo đã được ngành giáo dục cùng các địa phương thực hiện có hiệu quả.

Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và lồng ghép các nguồn vốn khác, năm học vừa qua các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung 14.308 phòng học. Trong đó, một số tỉnh có số lượng phòng học bổ sung lớn như: Bắc Giang với 1.271 phòng, Vĩnh Phúc 1.178 phòng; Thanh Hóa 1.820 phòng, Thừa Thiên Huế 1.176 phòng học...

Việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục... cũng được ngành giáo dục các địa phương tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để chú trọng triển khai.

Đến cuối năm học 2018-2019, tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cơ bản đã được khắc phục theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 38.165 công trình nước sạch và 60.000 nhà vệ sinh được xây mới trong năm học vừa qua.

Dù đã được quan tâm nhưng trên do điều kiện kinh tế khó khăn nên nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp của một số địa phương còn hạn hẹp. Một số nơi, việc đầu tư lại còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao.

Tính đến hết năm học 2018 - 2019, tỷ lệ phòng học kiên cố của cả nước vẫn ở mức thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,9%. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố ở mức rất thấp là: Hà Giang 53,2%; Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Đắk Nông 54,7%; Bình Phước 52,5%; Sóc Trăng 48,1%.

Việc phát triển hệ thống trường, lớp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do địa bàn dân cư thưa thớt, không tập trung, giao thông không thuận lợi. Cơ sở vật chất trường học của một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.

Xác định tăng cường cơ sở vật chất là một nhiệm vụ chính của năm học 2019 - 2020, nhất là khi chỉ còn một năm nữa là chương trình phổ thông mới sẽ được triển khai, ngành giáo dục và đào tạo nhận thức rằng, đây là bài toán khó, cần sự quan tâm và chung tay vào cuộc của các cấp bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.

Hà Nội đề xuất đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng bản đồ giao thông số, "chạy" ngay trong năm 2019

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt đề cương xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý điều hành giao thông. Dự kiến kinh phí thực hiện đề cương khoảng gần 2 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong điều kiện giao thông thường xuyên ùn tắc, việc ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng một bản đồ số về giao thông ở thời gian thực là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp người tham gia giao thông có thể biết được tình hình giao thông trên các tuyến đường dự kiến di chuyển, qua đó đưa ra lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp.

Theo đó, Bản đồ giao thông số được đề xuất trên cơ sở bản đồ dùng chung của TP. Hà Nội, được tích hợp thông tin cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, có tích hợp các lớp thông tin tiện ích như trạm xăng, cơ sở y tế, điểm du lịch… cho phép người tham gia giao thông có thể tiếp cận gần nhất nơi các tiện ích cần đến. Từ đó, phân loại được lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đường đó và đưa ra các cảnh báo về ùn tắc giao thông.

Bản đồ giao thông số cũng tích hợp dữ liệu các điểm đỗ xe, bãi trông giữ xe, bến xe khách, điểm đón trả khách. Thông tin các điểm trên sẽ được số hóa bằng việc bấm điểm tọa độ, kết hợp với hình ảnh và thông tin biểu giá các điểm đỗ.

Căn cứ trên vị trí định vị cho người dùng, hệ thống tự động đưa ra thông tin các điểm đỗ gần nhất, nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe. Thiết kế hệ thống có tính mở có thể tích hợp với dữ liệu camera giao thông trên địa bàn.

Sở Giao thông vận tải cũng sẽ xây dựng hạng mục bao gồm Web và App cho mobile, cho phép người dân có thể khai thác dữ liệu, truy cập và khai thác thông tin nhằm đưa ra các khuyến nghị cho người dân tham gia giao thông biết được tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải, tổng mức đầu tư dự án gần 2 tỷ đồng đã bao gồm thuế VAT. Thời gian thực hiện trong năm 2019. Chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Hà nội, đơn vị thực hiện là Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị tại tòa nhà số 1 - Kim Mã.

"Với ứng dụng này, người dùng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn lộ trình di chuyển riêng để tránh những điểm, tuyến đường có mật độ giao thông cao, góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông", tờ trình của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.

Đà Nẵng xúc tiến đầu tư về du lịch, thương mại với Indonesia

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức Diễn đàn Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Việt Nam - Indonesia. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) Đà Nẵng 2019.

Indonesia tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng với mong muốn tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch với Việt Nam...

Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Hồ Kỳ Minh cho biết, trong những năm qua, với các chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng giao lưu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng kể, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp thành phố không ngừng cải thiện.

Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 1,6 tỷ USD, giai đoạn 2011-2018 tăng trung bình 12,2%/năm; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2018 ước đạt 1,4 tỷ USD, giai đoạn 2011-2018 tăng trung bình 8,6%/năm.

Riêng với thị trường Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng sang Indonesia còn khá khiêm tốn, khoảng 300.000 USD/năm với các mặt hàng xuất khẩu chính là thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em. Đà Nẵng nhập khẩu từ Indonesia khoảng 3 triệu USD/năm với các mặt hàng nguyên phụ liệu may mặc.

Nhận định về tiềm năng hiện hữu, có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu giữa thành phố Đà Nẵng và Indonesia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của 2 bên. Vì vậy, việc tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư; trao đổi, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đà Nẵng và doanh nghiệp Indonesia là rất cần thiết.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Ibnu Hadi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Indonesia tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường trọng điểm của Indonesia, hiện có 33 tập đoàn Indonesia đến Việt Nam. Đặc biệt, về phát triển du lịch, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đang ngày càng thu hút khách du lịch indonesia.

Bên cạnh đó, hiện nay, Indonesia và Việt Nam đang triển khai hai đường bay thẳng kết nối các thành phố như Jakarta và TP.HCM. Đầu năm 2019, chuyến bay từ Indonesia đến Đà Nẵng cũng đã đi vào hoạt động, cho thấy những cơ hội tốt cho việc thúc đẩy du lịch hai nước phát triển. “Trong thời gian tới, tôi mong muốn sẽ có nhiều hợp tác trong du lịch, để số khách Indonesia đến Việt Nam có thể tăng lên 100.000, đồng thời cũng sẽ có 100.000 người Việt đến với Bali và nhiều thành phố của chúng tôi” – ông Ibnu Hadi kỳ vọng.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, lượng khách du lịch từ Việt nam đến Indonesia năm 2018 được ghi nhận là 75.682 khách, con số này chưa đạt 1% trong tổng số khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong năm. Mặt khác, khách du lịch Indonesia đến Việt Nam được ghi nhận với con số 87.941 khách trong năm 2018.

Cũng tại diễn đàn, Ban điều phối đầu tư Indonesia cũng đã có lời mời các doanh nghiệp Việt Nam đến tham gia Hội chợ thương mại Indonesia lần thứ 34 với chủ đề “Hướng đến phục vụ thế giới” vào tháng 10/2019. Phía Indomesia sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án cải tạo Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

Thủ tướng vừa quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ và bổ sung danh mục, mức vốn các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định điều chỉnh giảm 1.602,819 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư và kế hoạch vốn các năm: 2016, 2017, 2018, 2019 tương ứng của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Đồng thời, Thủ tướng bổ sung 719,74 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho một số các dự án.

Thủ tướng cũng cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 420,003 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư từ số vốn điều chỉnh giảm kế hoạch các năm: 2016, 2017, 2018 ở trên đến 31 tháng 12 năm 2020 để thực hiện các dự án được bổ sung vốn.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các đơn vị liên quan danh mục dự án và mức vốn trái phiếu Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch giai đoạn 2014 - 2016 và kế hoạch các năm: 2016, 2017, 2018 và 2019 và danh mục dự án bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định trên; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; đồng thời, khẩn trương rà soát quy mô, thiết kế bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đầu tư, hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án trong danh mục được bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan rà soát các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, xác định số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư để bổ sung cho các dự án sử dụng vốn dư đợt 3 theo Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư đã được giao cho các dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; giao chi tiết danh mục dự án và mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định ở trên sau khi các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư sau khi các dự án này được giao vốn theo quy định.

Tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Bộ Nông nghiệp & PTNT lên 3.900 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh trong nội bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổng số là 2.303 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 sau khi điều chỉnh tổng số là 3.900 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn điều chỉnh cho các dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 điều chỉnh cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài  chính trước ngày 15/8/2019.

Hà Tĩnh triển khai mới 8 dự án về khu đô thị tổng vốn trên 7.000 tỷ đồng

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho thấy, đơn vị này đang làm thủ tục cho UBND tỉnh để tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án khu đô thị với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.586 tỷ đồng.

Theo đó, 8 dự án đô thị gồm: Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ - Thạch Bình - TP Hà Tĩnh (3.687 tỷ đồng); dự án khu dân cư tổ 6, tổ 7 - phường Đậu Liêu - thị xã Hồng Lĩnh (317 tỷ đồng); dự án khu nhà ở, dịch vụ thương mại thị trấn Đức Thọ (1.169 tỷ đồng); dự án khu đô thị ven Sông Hội - Cẩm Xuyên giai đoạn 2 (878 tỷ đồng); dự án khu dân cư đô thị Cánh Buồm - Sông Trí - thị xã Kỳ Anh (135 tỷ đồng); dự án khu dân đô thị Bắc Phố Châu 1 - thị trấn Phố Châu - Hương Sơn (791 tỷ đồng); dự án khu dân cư tại tổ dân phố Trần Phú - thị trấn Thiên Cầm - Cẩm Xuyên (53 tỷ đồng); khu dân cư tại nút giao thông đường tránh QL1A - Cẩm Vịnh (555,8 tỷ đồng).

Đại diện UBND TP Hà Tĩnh cho hay, từ đầu năm đến nay, TP Hà Tĩnh triển khai thực hiện tổng 68 dự án và các công trình thuộc chương trình mục tiêu (trong đó 48 dự án chuyển tiếp, 19 dự án khởi công mới), hiện đã hoàn thành 15 dự án.

Trong đó, thành phố này đã tập trung triển khai các công trình hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại II, chỉnh trang hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới, hạ tầng các vùng quy hoạch dân cư, công trình mục tiêu, công trình sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác...

53 dự án còn lại vẫn đang được TP Hà Tĩnh triển khai thi công còn lại tập trung ở các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi; hạ tầng quỹ đất; các dự án vốn vay của Bộ Tài chính; công trình mục tiêu... Bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì hiện nay, việc thi công các dự án gặp một số khó khăn. Đặc biệt, vấn đề vướng GPMB đất ở, đường điện; chưa có nguồn vốn bố trí chi trả là những điểm “nghẽn” làm chậm tiến độ các công trình.

Theo lãnh đọa thành phố, việc đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh được thực hiện phù hợp với hệ thống các quy hoạch; đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở góp phần phát triển đô thị theo chiến lược, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cũng như tạo ra môi trường sống tốt cho người dân địa phương…

Trong một diễn biến khác, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh thì hiện nay đơn vị này đang gửi báo cáo lên UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đối với 2 dự án lớn, gồm: Dự án thành phố giáo dục quốc tế Hà Tĩnh dự kiến tổng mức đầu tư 1.459 tỷ đồng của Tập đoàn Nguyễn Hoàng và dự án Nhà máy đốt rác thải phát điện tại thị xã Hồng Lĩnh của Công ty China Conch Venture Holdings Limited và Công ty TNHH TM & DV vận tải Viết Hải (tổng mức đầu tư dự kiến 1.150 tỷ đồng).

Đồng thời, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ triển khai và khó khăn, vướng mắc của các dự án; báo cáo tình hình theo tháng để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu phương án xử lý kịp thời.

Quảng Trị sẽ triển khai 5 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn

Ngày 9/8, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2076/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án Xây dựng thí điểm mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đề án có mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản, được thiết lập nhằm tạo ra sản phẩm thực phẩm an toàn và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng và triển khai thành công 5 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng, với các sản phẩm chủ yếu: Thịt lợn, thịt gà, rau, thủy sản khai thác, nước mắm.

100% tổ chức cá nhân tham gia chuỗi được tập huấn, tuyên truyền, đào tạo nâng cao kiến thức và thực hành tốt về an toàn thực phẩm trong xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện các mô hình trong đề án thí điểm đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy triển khai sản xuất, kinh doanh an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 2 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2020 – 2021.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất của cơ sở; Tự nguyện tham gia và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phương tiện, thiết bị cần thiết để đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh. Thông tin đầy đủ, chính xác về các vấn đề an toàn thực phẩm được phát hiện trong toàn bộ chuỗi sản xuất  kinh doanh lương thực, thực phẩm để truy xuất nguồn gốc.

Quảng Trị sẽ có Nhà máy chế biến sản xuất nông lâm sản công suất 5 tấn dược liệu/năm

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Quyết định số 2027/QĐ-UBND về việc cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH XiKa thực hiện dự án Nhà máy chế biến sản xuất nông lâm sản.

Dự án có mục tiêu đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến nông lâm sản với công suất 4.500 lít rượu/năm, 2 triệu lít nước giải khát/năm, 5 tấn dược liệu/năm. Địa điểm thực hiện dự án tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), diện tích sử dụng hơn 4.500 m2, tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến đến quý II/2021, dự án sẽ đi vào hoạt động.

UBND tỉnh cũng yêu cầu phía nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định đã cam kết; Tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ đã cam kết, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; Tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện , quy định đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện là kinh doanh rượu theo quy định của các văn bản pháp lý có liên quan trước khi tổ chức đầu tư kinh doanh…

UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao trách nhiệm cho các Sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, giúp đỡ nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án kịp thời, có hiệu quả, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án theo quy định.

Bảo hiểm liên kết đầu tư "lên ngôi"
6 tháng đầu năm, dự báo nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn sẽ chiếm tỷ trọng xấp xỉ 70% tổng doanh thu khai thác phí mới của thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư