Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điều chuyển linh hoạt giữa vốn nước ngoài và trái phiếu chính phủ
Mạnh Bôn - 20/10/2018 08:34
 
Tại Kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10 tới, Quốc hội sẽ thảo luận việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020. Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tổng vốn đầu tư công tối đa không nhất thiết phải nâng trên mức 2 triệu tỷ đồng, thì có thể xem xét theo hướng, cho phép kết hợp hài hòa, điều chuyển giữa nguồn vốn ODA và nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
TIN LIÊN QUAN

Nghị quyết 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 khống chế tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn là 2 triệu tỷ đồng. Theo ông, có nên nâng tổng mức đầu tư công?

Con số đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tối đa 2 triệu tỷ đồng, nhưng đúng ra là chỉ còn 1,62 triệu tỷ đồng, vì phải dành dự phòng chung 10% (200 tỷ đồng) và các bộ, ngành, địa phương phải dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn (180 tỷ đồng) đã được Quốc hội quyết định. Nguồn vốn đầu tư công huy động từ đâu, từng nguồn huy động bao nhiêu (vay trong nước, vay nước ngoài, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp), ai chịu trách nhiệm huy động, huy động bao nhiêu (ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương) đã được công khai. 

.
.

Trên cơ sở biết rõ tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động phân bổ, sử dụng hiệu quả cho những dự án ưu tiên và hạn chế bị động, mất cân đối trong bố trí vốn ngân sách. Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Số dự án khởi công mới giảm mạnh (trong cả giai đoạn chỉ còn 9.620 dự án, giảm khoảng 50% so với giai đoạn trước), đã cơ bản xử lý phần lớn nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020 và dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước. 

Xét trên tổng thể, việc phân vốn đầu tư công về cơ bản đã tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện theo từng thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, góp phần khắc phục dần tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc như trước đây. Vì vậy, không cần thiết phải nâng tổng mức đầu tư công tối đa trên 2 triệu tỷ đồng.

Vốn đầu tư công có ý nghĩa như vốn mồi thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội. Ông có cho rằng việc không nâng tổng mức đầu tư công sẽ tác động đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% giai đoạn 2016-2020?

Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 không thay đổi, nhưng trong số vốn này không tính các nguồn vốn mới phát sinh như nguồn để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội... Bên cạnh đó, do một số địa phương tăng thu, nên nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển sẽ tăng thêm. Nếu tính đầy đủ các khoản này, tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 sẽ vượt mức 2 triệu tỷ đồng.

Hơn nữa, dự kiến cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 97 - 98% kế hoạch, trong đó phần hụt thu lại rơi vào ngân sách trung ương, vì hầu hết các địa phương vượt thu. Nếu tăng tổng mức đầu tư công, sẽ gây áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước cho cả giai đoạn là không quá 3,9%GDP và phấn đấu giảm mạnh bội chi để đến năm 2020 bội chi không quá 3,5% GDP. 

Nhưng không tăng tổng mức đầu tư công thì nguồn vốn vay nước ngoài sẽ thiếu cân đối so với hạn mức 300.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, thưa ông?

Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 quy định, trong giai đoạn 2016 - 2020 sử dụng 300.000 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài. Ngay sau khi Quốc hội thông qua, đã phát hiện sự thiếu cân đối nguồn vốn nước ngoài so với  hạn mức do chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết, chưa tổng hợp đầy đủ số dự án sử dụng vốn ODA, chưa tính hết các dự án đã hoàn thành giai đoạn trước cần bố trí vốn để quyết toán trong giai đoạn này. Việc thiếu cân đối như vậy là một bài học cần phải rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau. 

Theo tính toán, tổng vốn nước ngoài dành cho đầu tư công giai đoạn này là khoảng 360.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 60.000 tỷ đồng so với hạn mức. Với số tiền còn thiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trình Quốc hội xử lý theo hướng, trong quá trình điều hành kế hoạch hằng năm cho phép Chính phủ kết hợp hài hòa, điều chuyển lẫn nhau giữa nguồn vốn ODA và nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhằm vừa bảo đảm nguồn vốn thực hiện các dự án vừa không vượt hạn mức 2 triệu tỷ đồng tổng mức đầu tư công cả giai đoạn, đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi đã được Quốc hội thông qua. 

Giai đoạn 2016 - 2020, sẽ lấy 250.000 tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp dành cho đầu tư công. Trong giai đoạn này, số tiền thu về từ thoái vốn dự kiến cao hơn con số 250.000 tỷ đồng rất nhiều. Theo ông, có nên sử dụng số tiền vượt thu đó để trả nợ nhằm giảm nợ công?

Số tiền ngân sách nhà nước thu về từ thoái vốn tại Habeco, Sabeco, Vinamilk, FPT, Vinare,  Nhựa Bình Minh… chắc chắn cao hơn con số 250.000 tỷ đồng rất nhiều. Số tiền vượt thu nếu dành toàn bộ cho đầu tư công là hướng đi đúng. Tuy nhiên, thay vì tăng khối lượng đầu tư công, vì phải dành dư địa cho các thành phần kinh tế khác tham gia, ngân sách nhà nước dùng số tiền vượt thu để trả nợ các khoản vay đến hạn, thay vì vay mới để trả nợ cũ, giảm khối lượng vay mới cả trong và ngoài nước dành cho đầu tư công. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong dài hạn, vì giảm được bội chi do ngân sách nhà nước không phải trả lãi vay hàng năm, giảm được nợ công.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư