Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Điều gì làm nên sự phát triển bền vững của những thương hiệu đi cùng năm tháng?
Mai Phương - 01/06/2016 13:08
 
Cạnh tranh hội nhập đồng nghĩa với việc xóa bỏ cơ chế bảo hộ, độc quyền, các doanh nghiệp phải khẳng định được chất lượng sản phẩm - dịch vụ, bắt kịp thị hiếu, thậm chí dẫn dắt xu hướng tiêu dùng. Đó là lý do thị trường trong nước đã chứng kiến sự khởi sắc và cả những đợt thoái trào của các thương hiệu nội địa sau hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam chính thức chuyển đổi mô hình kinh tế.

Không có nhiều khác biệt trong công thức thành công chung của các doanh nghiệp: “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”. Trong đó “Nhân hòa” được đánh giá là yếu tố bắt nguồn từ năng lực nội tại của doanh nghiệp. Đội ngũ nhân sự mạnh mẽ với phương thức quản lý tối ưu chính là nền tảng phát huy các cơ hội đưa doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với thị trường.

Từ một nước thiếu đường phải nhập khẩu, Việt Nam đã chủ động cân đối cung cầu đường và tìm kiếm kênh xuất khẩu. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc ngành đường từ thập niên 1990 với sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, ngành đường vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức, từ vùng nguyên liệu, tình trạng đường lậu, diễn biến hạn hán phức tạp đến việc đón chờ mốc giảm thuế suất nhập khẩu đường đến năm 2018. Quan sát quá trình ấy, doanh nghiệp ngành đường đã làm gì để chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh?

.
Ông Đặng Văn Thành (bên phải) tại lễ trao Chứng nhận bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp cao của Tập đoàn

Quá trình này không thể không nhắc tới Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), TTC đã tham gia mạnh mẽ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp mía đường như Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa nay là Biên Hòa - Ninh Hòa, Đường Phan Rang nay là Biên Hòa - Phan Rang, cũng như mua lại phần vốn Mía đường Bourbon Tây Ninh từ Tập đoàn Bourbon Pháp, nay là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS). Từ một cơ sở sản xuất cồn và mật rỉ ra đời năm 1979 với 100 triệu đồng vốn điều lệ, đến nay, ngành mía đường TTC đã nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu hợp tác trồng mía lên gần 50.000 ha và tiến hành nhiều giải pháp nổi bật trong hoạt động.

Kết thúc quý 3 niên độ 2015-2016, Công ty BHS và TTCS là hai trong số ít các doanh nghiệp ngành đường ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng từ hiệu quả tái cấu trúc toàn diện trong bối cảnh nhiều nhà máy đường trong nước phải tạm ngưng hoạt động, riêng BHS đạt kết quả lũy kế 03 tháng của niên độ là 211 tỉ đồng, cao nhất trong lịch sử 47 năm hoạt động. Tháng 5/2016, TTCS đã phát hành thành công trái phiếu với tổng giá trị là 1.000 tỉ và BHS cũng đã công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu sắp tới trị giá 500 tỉ đồng. Điều này được thị trường đánh giá là bước đi thành công, không chỉ tăng cường nguồn vốn mà còn khẳng định được uy tín doanh nghiệp khi các yêu cầu của việc phát hành trái phiếu vô cùng khắt khe.

Đó chỉ là một trong số những kết quả dễ thấy về hiệu quả hoạt động ngành đường TTC. Ngoài mía đường, Tập đoàn này sớm tăng cường sự hiện diện tại các lĩnh vực đầu tư như bất động sản, du lịch và đến nay là tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, giáo dục… tất cả đều với với thông điệp là “nhà đầu tư chuyên nghiệp”. TTC đang định hình những bước tiến vững chãi của Tập đoàn kinh tế tư nhân với phương châm “Người thực - Việc thực”, thể hiện qua kết quả kinh doanh tích cực của các đơn vị, qua khoản đóng góp vào Ngân sách Nhà nước một năm khoảng 500 tỉ đồng, tuy nhiên, riêng niên độ 2015-2016 thì Công ty Đường Biên Hòa đã đóng thuế lên tới gần 600 tỉ đồng (do có khoản thuế nhập khẩu đường thô); và qua các hoạt động vì cộng đồng xã hội.

Còn quá sớm để khẳng định về một sự bứt phá trong tương lai, song kết quả bước đầu phần nào phản ánh sự thức thời của mô hình Tập đoàn kiểu mẫu - một sự trưởng thành của nền kinh tế thị trường. Nhìn vào bức tranh các đơn vị thành viên TTC, có thể thấy điểm đặc biệt là “yếu tố nhân sự”, các doanh nghiệp đều được vận hành bởi đội ngũ CEO thuộc thế hệ 7x, 8x và đội ngũ này đều trưởng thành từ chính nôi đào tạo của TTC.

Hãy cùng tìm hiểu về công tác nhân sự của TTC. Điều đầu tiên dễ thấy là yếu tố “Nhân sự khai phá và dẫn dắt” đóng vai trò then chốt trong việc xác lập mô hình quản trị và vận hành. Mô hình Quản trị tập trung được Ông Đặng Văn Thành, người sáng lập kiêm Chủ tịch TTC định hình cụ thể, tạo cơ chế triển khai nhất quán và đồng bộ các mục tiêu, định hướng chiến lược của Tập đoàn. Phương thức quản trị tập trung riêng có với yêu cầu Quản trị chuẩn mực - Kiểm soát trách nhiệm - Điều hành chuyên nghiệp đã luôn giúp TTC đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý vận hành, tiết kiệm các chi phí và nguồn lực.

Bên cạnh việc xác lập mô hình, công thức tiếp theo nằm ở vai trò “đào tạo đội ngũ”. Sự phát triển nhanh mạnh bắt buộc phải có đội ngũ nhân sự kế thừa để đảm bảo khả năng vận hành. Dễ nhận thấy, điểm đặc biệt trong đội ngũ điều hành TTC là một lực lượng nhân sự trẻ nhưng có thời gian gắn bó với TTC khá dài, trải qua nhiều vị trí công việc trước khi đảm nhận vai trò trụ cột ngành và doanh nghiệp. Ông Đặng Văn Thành luôn quan niệm “Nhân sự là tài sản quý giá nhất của tổ chức nhưng không thuộc sở hữu của tổ chức”.

Theo đó, cách đào tạo của ông hướng đến việc định hướng, dẫn dắt và trao đổi nhiều cùng nhân sự…Chặng đường gần 37 năm được đúc rút qua những bài học kinh nghiệm cụ thể và hệ thống Văn bản lập quy rõ ràng, tạo cơ sở cho việc vận hành. Qua đây, nhân sự hiểu về tổ chức, ý thức về trách nhiệm và đam mê về sứ mệnh của mình thay vì cách “áp đặt”.

Với mục tiêu được giao, khi nhân sự thuyết phục được về khả năng triển khai thì tổ chức hoàn toàn giao phó trách nhiệm và xác lập các kênh hỗ trợ phù hợp. Và chặng đường phát triển sự nghiệp của từng nhân sự luôn gắn liền với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, các chính sách đãi ngộ thiết thực. Bắt đầu từ những buổi đào tạo hội nhập đến các chương trình đào tạo cầm tay chỉ việc, đào tạo cấp trung, đào tạo nâng cao nghiệp vụ - kỹ năng chuyên môn, các buổi chia sẻ về kinh nghiệm quản trị - điều hành, hay sự cọ xát ở một tầm cao hơn qua việc tham gia công tác “Giám đốc lưu động”, nhân sự được đóng vai trò như một Tổng Giám đốc thực thụ để nắm bắt, phân tích toàn diện về hoạt động một doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của Ông Đặng Văn Thành thì tại TTC, không chỉ có ông mà CEO Tập đoàn và Chủ tịch các Ủy ban đều trực tiếp đứng lớp, tham gia công tác bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ CBNV các cấp. Tâm huyết và tầm nhìn của Người sáng lập TTC cũng được thể hiện qua việc phát huy hiệu quả các nhân sự từ Chương trình Hạt giống Lãnh đạo (IPL), mà ông là sáng lập viên. Các “hạt giống lãnh đạo” về với TTC dường như được phát huy tối ưu nhất, hiện nay đã có 03 nhân sự IPL đang vận hành các Doanh nghiệp ngàn tỉ tại TTC… Tại TTC, có rất nhiều chương trình sống động nhằm khuyến khích nhân sự, ví dụ như Chân dung CEO, CBNV toàn Tập đoàn được khuyến khích thi viết, tham gia hùng biện để chứng tỏ năng lực, được chọn lọc và tiếp tục bồi dưỡng đào tạo. Môi trường làm việc luôn đi cùng với cơ hội thăng tiến, các chính sách chế độ về công tác xa xứ để đội ngũ yên tâm tham gia các "mặt trận tiền tuyến".

TTC xem rằng yếu tố Nhân sự là nền tảng tiên quyết để xây dựng hệ thống thực thi được các giải pháp về R&D, nguồn vốn, công nghệ và hoạt động thị trường. Sức trẻ, sự sáng tạo nhưng lại dựa trên nền tảng “điều hành chuẩn mực” là giải pháp TTC đang vận hành. Có thể thấy, phương châm “Người thực - Việc thực” của TTC được khẳng định qua các thước đo rất cụ thể: cấu trúc tài chính doanh nghiệp khỏe mạnh, kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực, giá trị mang lại cho nhà đầu tư hấp dẫn, khả năng đồng hành cùng đối tác đặc biệt là nhà nông luôn bền bỉ, cung ứng sản phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng…   

Đến nay, lộ trình hội nhập sâu rộng có thể được ví như một “tấm lưới” sàng lọc các doanh nghiệp bởi khả năng thích nghi và đáp ứng các tiêu chuẩn, bởi chất lượng sản phẩm dịch vụ…. Giải pháp thì có thể rất khác nhau, nhưng các doanh nghiệp đều cần “giải mã” được công thức của mình. Với TTC qua thực tế trên thì có thể thấy điểm mạnh đến từ yếu tố Nhân sự… Và thành công chỉ có thể tìm đến với các tổ chức thực sự chủ động khi tiến vào sân chơi lớn phía trước.

Đặng Văn Thành: Duyên nợ nghề nông
Một thời lừng danh trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng nay, khi quay về nông nghiệp, ông Đặng Văn Thành cũng có những cách làm độc đáo cùng với những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư